Kiến nghị xây dựng một chính sách quốc gia về giáo dục mở
(Dân trí) - Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam vùa tổ chức Tọa đàm về “Tài nguyên giáo dục mở với việc học tập suốt đời của người lớn”. GS-TS-NGUT Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm.
GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, đây là cuộc tọa đàm khoa học để chuẩn bị cho cuộc Hội thảo “Trường Đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở đáp ứng yêu cầu học tập của người lớn”.
Theo các đại biểu tại hội nghị, “Tài nguyên giáo dục mở” đang được xem là một nguồn tài nguyên thông tin khoa học hữu hiệu để hỗ trợ cho việc phổ cập giáo dục.
Tài nguyên giáo dục mở tạo ra sự bình đẳng cho người học và người dạy trong việc tiếp cận nguồn học liệu giáo dục chất lượng cao và miễn phí, góp phần tạo ra sự bình đẳng trong giáo dục, bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng có thể chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng tri thức, tạo cơ hội để các nước đang phát triển tiếp cận đến nguồn tài liệu khoa học chất lượng cao.
UNESCO là tổ chức quốc tế của Liên Hiệp quốc đã và đang cổ vũ cho việc phát triển tài nguyên giáo dục mở trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Trên thế giới, giáo dục mở được các quốc gia phát triển thực hiện từ lâu và đã mang lại hiệu quả lớn từ các cuộc cách mạng kinh tế tri thức và cách mạng công nghệ trí tuệ (cách mạng công nghệ 4.0). Nhờ kinh nghiệm của các nước tiên tiến mà giáo dục mở đang tạo ra cơ hội lớn cho giáo dục Việt Nam.
Các trường đại học của VN hiện nay có rất nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn học liệu có chất lượng với chi phí thấp nhất để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, chưa được tiếp cận một cách đầy đủ, hơn nữa chưa có một cơ chế pháp lý cụ thể dẫn đến giáo dục mở chưa phát triển.
Vì vậy, xây dựng tài nguyên giáo dục mở phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến vấn đề pháp lý, chính sách, tài chính, công nghệ. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các trường đại học và các doanh nghiệp là điều cần thiết để tạo ra một hệ sinh thái cho giáo dục mở.
Để phát triển tài nguyên giáo mở trong hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung, đặc biệt là “Tài nguyên giáo dục mở với việc học tập suốt đời của người lớn”, các đại biểu đưa ra 3 đề xuất:
Thứ nhất, trong Chỉ thị 11/CT-TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại Hội đảng lần thứ X đã nêu “ Chuyển mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập”, nhưng chưa có một văn bản pháp lý nào chuyên về nội dung phát triển giáo dục mở, vì vậy Nhà nước ta cần phải xây dựng một chính sách quốc gia về giáo dục mở và tài nguyên giáo dục mở, để thúc đẩy và đưa giáo dục mở và tài nguyên giáo dục mở vào đời sống song song với phong trào xây dựng xã hội học tập.
Thứ hai, Cần tuyên truyền rộng rã trong cộng đồng về tài nguyên giáo dục mở. Mục tiêu trước hết là giúp các nhà quản lý, các nhà làm chính sách, lãnh đạo các các cơ quan, đặc biệt là các trường đại học, lãnh đạo các thư viện, các giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên hiểu rõ hơn về tài nguyên giáo dục mở. Đồng thời, kêu gọi sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong việc cung cấp nội dung về phát triển công nghệ cho giáo dục mở.
Thứ ba, Nhà nước cần có sự đầu tư cơ bản, trên cơ sở đó các trường Đại học mới có cơ chế để thực hiện các chương trình cho tài nguyên giáo dục mở, như: xây dựng nguồn học liệu mở, các dịch vụ và sản phẩm để cung cấp nội dung cho các trường đại học, giảng viên các nhà khoa học, các Star-up cung cấp các giải pháp cho cuộc cách mạng công nghệ trí tuệ hiện nay.
Phát biểu với Hội nghị, Chủ tịch Hội Khuyến học Nguyễn Thị Doan đã cùng chia sẻ với nhận thức trong tham luận của đại biểu, Chủ tịch nhấn mạnh: “một trong những yếu tố quan trọng của tài nguyên giáo dục mở là Nhà nước phải xây dựng được hành lang pháp lý và chiến lược phát triển giáo dục mở ở cấp độ quốc gia để làm cơ sở nền tảng cho việc triển khai xây dựng chính sách về tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời của người lớn, xây dựng thành công xã hội học tập, và không bị tụt hậu với cuộc cách mạng công nghệ 4.0”.
Lương Thanh