Khuyến học - truyền thống đẹp của người Điện Bàn
(Dân trí) - Thằng bé đi giỗ tộc về, hớn hở ôm gói quà nặng trịch bọc giấy hoa trang trọng, thêm một tờ giấy khen ép plastic cẩn thận. Tờ giấy khen ghi đơn vị khen thưởng “Hội khuyến học tộc Hồ Châu Bí”.
“Tụi nó học càng ngày càng giỏi, như năm ngoái các cháu nó được thưởng là 72 suất, năm nay tăng lên tới 87 suất. Năm nay có ba đứa đậu vào ĐH Bách khoa, năm đứa đang là sinh viên khá giỏi, có một đứa chuẩn bị tốt nghiệp cao học công nghệ thông tin…” - gương mặt người đàn ông gầy gò đậm nét nông dân sáng lên tự hào khi thông báo thành tích học tập của con em trong họ tộc. Ông là Hồ Công Chín, “người phụ trách” hội khuyến học tộc Hồ Châu Bí, Huyện Điện Bàn, Quảng Nam.
Ông không tự nhận là “hội trưởng”, có lẽ ông nghĩ rằng ông chỉ là một thành viên trong Hội đồng gia tộc có trách nhiệm chăm lo cho sự học của bầy con cháu mà thôi. Niềm tự hào của ông có vẻ giản dị, nhưng để có thể thơ thới ngồi nói chuyện thành tích như bây giờ, ông và các bậc phụ huynh trong gia tộc đã phải tốn biết bao tâm sức trong suốt 6 năm trời.
Bắt đầu từ năm 2001, nhận thấy các hội khuyến học tộc họ khác hoạt động có nhiều nét hay, các bậc trưuởng thượng của họ Hồ Công Châu Bí bèn cũng bàn nhau lập Hội khuyến học để hỗ trợ cho con em nhà mình. Vậy là bắt tay vào vận động bà con gây quỹ, xin phép chính quyền lập hội.
Năm 2002, hội ra mắt và thực hiện đợt phát thưởng đầu tiên cho các con em là học sinh tiểu học và trung học cơ sở đạt danh hiệu tiên tiến và giỏi. Được Hội đồng gia tộc giao trách nhiệm điều hành hoạt động của hội, ông Chín bồi hồi nhớ: “Hồi mới ra đời và mấy năm đầu, kinh phí của hội chỉ do bà con ở làng đóng góp, đâu có nhiều. Bà con ai cũng nghèo, mỗi gia đình mỗi năm góp 30.000 đồng, trích 10.000 đồng cho quỹ khuyến học, 15.000 đồng để giỗ tộc, còn 5.000 đồng giữ làm tộc phí…”. Qua đó mới thấy được rằng, để có được cho mỗi con em học giỏi một phần thưởng trị giá 20.000 đồng là một nỗ lực lớn của những gia đình trong họ tộc và những người tổ chức.
Nhưng những nỗ lực không bỏ ra uổng phí, những phần thưởng thực sự phát huy tác dụng khuyến khích thi đua học tập, số con em học giỏi và được nhận thưởng gia tăng hằng năm, điều đó khiến những người như ông Chín phải vất vả hơn để tìm kiếm kinh phí phát thưởng, tuy vậy cái cực đó chẳng bõ bèn gì so với niềm vui nhìn đàn con cháu hớn hở nối nhau lên nhận thưởng.
Các bậc cha chú cũung hiểu rằng khi con cháu mình học giỏi hơn thì tất nhiên mai sau chúng sẽ có chỗ đứng vững vàng hơn, đóng góp được nhiều lợi ích hơn cho xã hội, ý nghĩ đó càng kích thích các vị đại diện trong hội tích cực hơn trong việc vận động gây quỹ khuyến học, quyết tạo ra những động lực mạnh nhất cho con cháu phấn đấu tiến bộ.
Sau một thời gian hoạt động có hiệu quả, tiếng lành đồn xa, cộng với sự vận động của những người tổ chức, các con cháu trong họ tộc đi làm ăn ở xa cũng tìm về đóng góp cho quỹ hội, có người thành đạt về kinh tế đã trở thành Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho Hội rất tích cực, nhờ đó hội có điều kiện hoạt động tích cực hơn.
Từ năm 2005, đối tượng con em được phát thưởng mở rộng đến học sinh cấp III và cả sinh viên, có em được nhận một lúc nhiều phần thưởng cho nhiều thành tích khác nhau. Như năm nay có em nhận cả 3 phần: học sinh giỏi cấp thành phố, tốt nghiệp phổ thông loại giỏi và đậu vào đại học.
Điều đáng ghi nhận nhất trong hoạt động của hội khuyến học gia tộc Hồ - cũng như tất cả các tổ chức khuyến học tộc họ khác - đó là sự nối kết thực sự giữa các thế hệ và giữa những người đang sinh sống ở xa quê với bà con trong dòng tộc. Những người trở về cảm thấy qua sự đóng góp của mình một sự liên hệ gần gũi và thiết thực; bà con ở làng thì tự hào với những ngưuời con “ly hương bất ly tổ”; các con em nhìn thấy trong sự hỗ trợ của chú bác anh em một tấm lòng không thể phụ?, từ đó càng cố gắng học tập tốt hơn...
Và rồi hoạt động “tự phát, cục bộ” của Hội đã được xã hội ghi nhận. Năm 2005, huyện Điện Bàn tặng thưởng giấy khen cho Hội vì thành tích tiêu biểu cho phong trào khuyến học ở xã. Năm 2006 này, Hội lại được huyện tuyên dương và đề nghị khen thưởng cấp tỉnh. Ông Chín cho biết, năm nay trang trải tất cả chi phí, quỹ hội còn dư tới 7 triệu đồng, như vậy có thể triển khai thêm một bước hoạt động mới: sẽ xét cấp học bổng cho các em quá khó khăn từ tiểu học đến đại học.
Sáu năm, một chặng đường không dài trong sự nghiệp chung xây dựng con người, nhưng những gì một gia tộc đạt được không giới hạn trong phạm vi gia tộc, đó là một viên gạch chắc chắn góp vào sự nghiệp xây dựng con người tương lai, là chất vôi kết dính truyền thống làng họ với một thế giới hiện đại. Một nền văn hóa Việt Nam “hiện đại và đậm đà tính dân tộc” phải chăng được củng cố từ những hoạt động âm thầm “sau lũy tre làng” như thế?!
Như Thể