GS.TS Phạm Tất Dong:
Khuyến học là một sự nghiệp lớn
(Dân trí) - Với tôi, giáo dục là một nghề tôi theo đuổi suốt đời, và khuyến học - một công tác giáo dục khá đặc biệt - là chặng đường hoạt động nối tiếp, nó đòi hỏi không ít sự nỗ lực về nhân cách và đạo đức, chứ không chỉ có thì giờ và nhiệt tình.
Tôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đến nay vừa tròn 15 năm, tức là đã qua 3 nhiệm kỳ đại hội. Trong 15 năm đó, có 8 năm tôi ở cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Trung ương Hội.
Bây giờ tôi đang chuẩn bị được "về hưu" lần thứ hai. Lần về hưu thứ nhất vào lúc tôi đang làm công tác giáo dục - đào tạo và quản lý giáo dục đúng 50 năm. Lần này "về hưu", trong lí lịch sẽ ghi thêm 15 năm thâm niên trong sự nghiệp khuyến học.
Với tôi, giáo dục là một nghề tôi theo đuổi suốt đời, và khuyến học - một công tác giáo dục khá đặc biệt - là chặng đường hoạt động nối tiếp, tuy không dài như đoạn đường thứ nhất, nhưng nó cũng đòi hỏi không ít sự nỗ lực về nhân cách và đạo đức, chứ không chỉ có thì giờ và nhiệt tình.
Học cách làm khuyến học từ lịch sử dân tộc
Vào những năm 1985-1995, trước thời điểm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam, tôi đã có hai tác phẩm khoa học về trí thức, trong đó có nhiều đoạn nói về cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại tất yếu sẽ hình thành nên một nền kinh tế mới - nền kinh tế tri thức - và nền kinh tế ấy đòi hỏi nhân loại phải xây dựng xã hội học tập.
Tôi và nhiều cộng tác viên khoa học đã nghiền ngẫm rất kỹ cuốn sách của John Naisbitt và Patricia Aburdene về những xu hướng vĩ mô đến năm 2000 (Megatrends 2000), tác phẩm "Học tập - Một kho báu tiềm ẩn" của Jacques Delors, những bài viết của Edgar Faure, Aleksandra Kornhauser, Rodolfo Stavenhagen, Myong Won Suhr, v.v…và nhiều nhà khoa học trên thế giới. Đứng trước thế kỷ XXI, họ bàn nhiều đến sự phát triển con người bền vững, đến sự cần thiết phải có tri thức tốt hơn, cao hơn để có được một cuộc sống với chất lượng cao hơn, đến những thành tựu khoa học và công nghệ, bao gồm cả khoa học xã hội và nhân văn như một hệ thống các giá trị để tích hợp lại thành trí lực quốc gia. Tôi rất quan tâm đến quan điểm của họ, tri thức gắn chặt với giá trị mới tạo thành sự thông thái.
Từ những năm 70 của thế kỷ XX, những tranh luận khoa học trên thế giới đã tập trung nhiều vào vấn đề giáo dục tiếp tục suốt đời và sự cần thiết của nhân loại là đi đến một xã hội học tập. Các nhà khoa học kỳ vọng về những chính sách giáo dục của các quốc gia không chỉ làm cho giáo dục thích ứng với những thay đổi mau lẹ của thế giới, mà còn thực hiện được mục tiêu kép chất lượng giáo dục và sự bình đẳng xã hội của con người trong giáo dục.
Những cuộc tranh luận về quan điểm giáo dục trên thế giới đã nhắc tôi phải nghiêm túc nghiền ngẫm ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nền giáo dục cần phải có để dân tộc ta phải trở thành một dân tộc thông thái. Tư tưởng giáo dục của Người luôn là một vấn đề lớn trong tư duy của tôi khi bắt tay vào công tác khuyến học.
Chúng tôi đã để khá nhiều thời gian và không ít tiền bạc để làm việc sưu tầm và biên soạn những tư liệu về giáo dục đào tạo của các triều đại phong kiến trong 1000 năm qua các Chiếu, Dụ... của các vương triều cũng như trên các văn bia cổ kính. Mấy trăm trang tư liệu này đã truyền lại cho chúng tôi cách suy nghĩ của người xưa về giáo dục mà nhờ đó chúng ta đã có ngàn năm độc lập, tự chủ.
Nghiên cứu thông điệp UNESCO
Vào giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nhân nghiên cứu những bài viết trong Hợp tuyển tạp chí Thông tin số kỷ niệm 40 năm UNESCO, tôi đặc biệt chú ý đến những luận điểm về giáo dục, xin trích lại vài ý:
- "Giáo dục thường xuyên phải giữ vai trò chủ đạo trong mọi chính sách giáo dục tại các nước phát triển và đang phát triển".
- "Giáo dục thường xuyên qua mọi lứa tuổi, trong suốt cuộc đời, không chỉ bó hẹp trong những bức tường nhà trường. Nền giáo dục phải được cải tổ toàn diện. Giáo dục phải trở thành phong trào quần chúng thực sự".
- "Giáo dục phải được tiến hành và tiếp thu bằng nhiều cách khác nhau. Điều quan trọng không phải là học theo cách nào, mà học cái gì, học được cái gì".
- "Xóa bỏ hàng rào giả tạo và lỗi thời giữa các ngành giáo dục và các cấp bậc giáo dục, giữa giáo dục chính quy và không chính quy, xóa bỏ sự cách biệt cứng nhắc giữa giáo dục phổ thông, giáo dục khoa học kỹ thuật và chuyên nghiệp. Ngay từ cấp cơ sở, giáo dục đã mang tính kết hợp giữa lý thuyết với công nghệ, với thực hành thủ công".
- "Trái với thông lệ cổ truyền, việc giảng dạy phải thích nghi với người học, chứ không phải người học phải theo những quy định cứng nhắc đã định sẵn từ trước trong công việc giảng dạy".
- "Người học và công chúng nói chung cần được có tiếng nói nhiều hơn trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến giáo dục".
Từ việc nghiên cứu hướng giáo dục thường xuyên trên thế giới, nhất là thông điệp của UNESCO, tôi quay lại nghiên cứu sâu hơn phong trào Đông Kinh nghĩa thục do các chí sĩ Việt Nam khởi xướng đầu thế kỷ XX, tìm hiểu kỹ phong trào Truyền bá quốc ngữ những năm 30, sau đó là phong trào Bình dân học vụ, Bổ túc văn hóa, v.v... Có thể nói rằng, trước khi tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, tôi đã trang bị cho mình một số kiến thức về giáo dục thường xuyên, về giáo dục người lớn, về kinh tế tri thức và xã hội học tập, tất nhiên lúc đó chưa nghĩ rằng mình sẽ tham gia trực tiếp vào phong trào khuyến học. Giờ đây, nhìn lại công việc khuyến học mà tôi tham gia, thật may mắn là nhờ có những hiểu biết ấy, tôi đã không giáo điều trước cách làm của các nước trên thế giới, luôn đề xuất những ý kiến có tính chất độc lập của mình.
Trong 15 năm qua, ngoài việc giúp vào đề tài độc lập cấp nhà nước "Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam" do đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm làm chủ nhiệm, tôi đã viết trên 50 bài báo nói về nền giáo dục hiện đại, kinh tế tri thức và xã hội học tập, đăng tải trên nhiều báo và tạp chí, trong đó có trên 10 tạp chí khoa học. Tôi cũng đã viết gần 10 chuyên đề về giáo dục trong cơ chế thị trường và trong xã hội học tập. Ngay trong tác phẩm "Những đặc trưng nhân cách của người Thăng Long - Hà Nội" (Rút ra từ nội dung đề tài cấp nhà nước cùng tên mà tôi làm chủ nhiệm), tôi cũng đã để một chương nói về xã hội học tập. Với tôi, việc xây dựng một quan điểm đúng về xã hội học tập và vai trò của khuyến học trong sự nghiệp này là một trách nhiệm lớn và thiêng liêng, hướng về những gì cần làm để định hướng cho công tác khuyến học.
Trong những phút thư giãn bên ấm trà sen nóng hoặc ly cà phê Trung Nguyên đặc sánh, nhiều ông bạn của tôi hỏi rằng, qua công tác ở Hội Khuyến học, tôi có ý nghĩ gì? Ý nghĩ thì nhiều, nhưng điều mà tôi nghĩ nhiều hơn cả đại loại như sau:
- Khuyến học không đơn thuần là cuộc vận động mọi người đi học, tạo điều kiện để người dân có thể tìm được hình thức học tập phù hợp, mà mục tiêu là phải hướng đến xây dựng xã hội học tập. Do vậy, làm khuyến học phải kết hợp công tác xã hội với công tác nghiên cứu khoa học. Trên thế giới, chưa có nước nào tuyên bố mình đã có mô hình xã hội học tập, do vậy, ta phải tự tìm tòi mô hình cho riêng mình trên cơ sở nghiên cứu để nắm chắc những vấn đề giáo dục của thời đại, những xu thế phát triển giáo dục trên thế giới thế kỷ XXI, phân tích một cách khoa học những điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta, từ đó định hướng xây dựng một xã hội trong đó người dân có thể học suốt đời trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Không xây dựng cho mình một cơ sở lý luận khoa học thì việc xây dựng xã hội học tập chỉ là mò mẫm.
Chúng ta làm khuyến học để hướng tới một xã hội học tập. Song, xã hội học tập không có mục đích tự thân. Từ xã hội học tập, phải tiến tới mục tiêu phát triển con người bền vững. Để làm được việc này, con người cần được quy chiếu về một hệ thống giá trị mà trong đó, mỗi con người sẽ tăng thêm sự giàu có phi vật chất và tính đoàn kết, được sống trong những điều kiện nhân văn hơn, lối sống văn hóa hơn. Giáo dục của chúng ta chưa đi theo đúng hướng này bởi người làm giáo dục và người thụ hưởng giáo dục đang chạy theo sự giàu có vật chất như một mục tiêu tối thượng. Đây là giá trị không bao giờ dẫn đến sự phát triển con người bền vững.
Khuyến học không phải là việc của riêng Hội Khuyến học
Một số người làm khuyến học đang ngộ nhận là mình đã với tay tới xã hội học tập, đã thỏa mãn với một số việc cụ thể như xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, xây dựng được một số gia đình hiếu học và vội tuyên bố đó là mô hình xã hội học tập. Điều này cũng ấu trĩ không kém việc đưa tất cả nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp với năng suất lao động rất thấp rồi cho rằng chủ nghĩa cộng sản đã ở trước mặt. Kiểu tư duy "bằng mắt" này sẽ không tạo cho chúng ta những bước đi xa hơn so với hiện tại.
Có người hỏi tôi: "Nếu anh thôi tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học thì sẽ làm gì"? Xin thưa: Tôi vẫn làm khuyến học. Khuyến học đâu có phải là công việc riêng của Hội Khuyến học. Hơn nữa, tôi không còn là ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học, nhưng không có nghĩa tôi là người ngoài Hội Khuyến học. Thẻ hội viên của tôi vẫn còn trong túi áo của tôi mà!
Tôi bắt tay viết tác phẩm "Khuyến học", dự tính sẽ cho ra mắt độc giả vào tháng 12 năm 2010. Tác phẩm đó đánh dấu một bước đi mới của tôi trong cuộc đời làm giáo dục và khuyến học. Trong tác phẩm này, tôi muốn tổng kết kinh nghiệm khuyến học của dân ta từ nghìn năm qua và nêu những bài học của nhiều quốc gia về xây dựng một nền giáo dục cho mọi người.
Khi bắt tay viết chương đầu tiên của cuốn sách mang tên "Khuyến học", tôi ghi lại ý kiến của Nguyễn Trường Tộ, người đã có ý tưởng cải cách giáo dục dưới thời vua Tự Đức nhà Nguyễn:
"Lấy cái hay của mình có sẵn, còn phải gồm những cái hay của thiên hạ mới sáng tạo ra. Như thế thì những cái mới của thiên hạ mình cũng có và những cái mình sẵn có thì thiên hạ chưa có. Lấy hai điều biết mà đúc lại một điều biết …như thế thì ai dám khinh rẻ nước mình".
Tôi sẽ cố gắng thể hiện tư tưởng này trong cuốn sách của mình. Coi như đó là một hoạt động khuyến học đầu tiên sau khi xin Hội Khuyến học Việt Nam cho tôi được "nghỉ hưu" sau 15 năm làm khuyến học.
* (Tít phụ trong bài do toà soạn đặt)
GS.TS Phạm Tất Dong