Không thể làm ngơ với nạn máy tính cầm tay giả
Ngày nay, chiếc máy tính cầm tay đã trở thành thiết bị quen thuộc trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong học đường. Sự phổ biến của thiết bị này đã kéo theo nạn máy tính giả với diễn biến ngày một phức tạp và đang gieo những rủi ro, nguy hiểm cho người dùng.
Theo kết quả của các cơ quan chức năng, từ năm 2005 đến nay, Quản lý Thị trường đã kiểm tra và xử lý khoảng 1.895 vụ máy tính Casio giả, tịch thu và tiêu hủy 110.538 máy, phạt hành chính khoảng 2,4 tỷ đồng. Con số này chưa dừng lại trước tình trạng sản xuất và buôn bán máy tính giả ngày một tràn lan, tinh vi, với nhiều thủ đoạn hòng đánh lừa người tiêu dùng và qua mặt lực lượng chức năng.
Máy tính giả đủ chiêu len lỏi ra thị trường
Trong thời gian đầu, công tác chống hàng giả máy tính CASIO khá thuận lợi nên số lượng máy tính giả bị phát hiện, tịch thu khá lớn. Tuy nhiên, càng về sau thì người sản xuất và kinh doanh máy tính cầm tay giả đã có thêm nhiều thủ đoạn đối phó tinh vi hơn. Một trong những hành vi đối phó với lực lượng chức năng là chỉ trưng bày một vài mẫu hoặc vỏ hộp, còn lại cất giấu bên trong. Khi người tiêu dùng có nhu cầu thì họ đưa ra và giới thiệu đây là sản phẩm loại 2.
Còn có những trường hợp ban đầu người kinh doanh mua một lượng hàng nhất định của nhà phân phối, sau đó họ sẽ trộn lẫn hàng giả vào số lượng hàng chính hãng để bán ra thị trường. Khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, họ sẽ đưa ra những sản phẩm thật, chính hãng để qua mặt lực lượng chức năng.
Tình trạng buôn bán, kinh doanh máy tính cầm tay giả xen lẫn với máy tính thật vẫn đang diễn ra tại các điểm bán văn phòng phẩm, các quầy sạp trong chợ, các hộ kinh doanh nhỏ đặc biệt là các vùng nông thôn một cách âm thầm, khó kiểm soát.
Người tiêu dùng chủ quan với tác hại của máy tính giả
Trước hiện trạng máy tính giả tràn khắp thị trường, người tiêu dùng vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về sản phẩm máy tính Casio, vẫn chuộng hàng giá rẻ ,dễ tin lời chèo kéo và không mấy lo ngại về tác hại khi dùng phải máy tính giả. Chính sự chủ quan này đã khiến nhiều trường hợp bị sập bẫy hàng giả.
Thầy Trịnh Tuấn Anh giáo viên Toán trường THPT Đồng Xoài – Bình Phước nhấn mạnh: “Máy tính giả thường hay có lỗi về pin, linh kiện không tốt nên có thể gây ra sự cố về cháy nổ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dùng, thứ hai là lỗi về phần mềm, máy giả lập trình không kỹ thì dễ xảy ra lỗi mà các em học sinh không thể nào phát hiện ra lỗi đó, các em sẽ sống chung với kết quả sai ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập và thi cử”.
Tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn – Giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ: “Việc dùng máy tính giả với những phép tính đơn giản bình thường thì không thấy sai nhưng khi vào một kỳ thi đòi hỏi nhiều phép tính phức tạp, tài nguyên của máy tính bị vét cạn thì cái sai rất dễ xảy ra và đó là cái sai không thể cứu vãn. Như nhiều thấy cô chia sẻ, khi học sinh sử dụng máy tính sai các em sẽ không biết do mình hay máy tính và tự nhiên nghi ngờ về trình độ của mình. Điều đó khiến học sinh hoang mang không biết sai từ đâu để tìm cách sửa chữa”.
Giải pháp nào để chống nạn máy tính giả?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn: “Chúng ta cần tìm mọi cách để sao cho máy tính giả không có cơ hội xâm nhập vào môi trường học tập. Người bán không nên vì ham chút lợi nhuận mà bán máy giả để rồi trực tiếp gây hại cho con em mình, người mua phải biết rõ thông tin sản phẩm trước khi mua, nhà phân phối tích cực tuyên truyền chống giả, các thầy cô khi giảng dạy cũng chú ý hướng dẫn kỹ cho học sinh và phụ huynh cách tránh mua phải máy tính giả”.
“Để ngăn chặn hàng giả thì nhà sản xuất cần làm kỹ hơn phần kiểm định và con tem, nhà quản lý cần kiểm soát chặt chẽ việc chống hàng giả, người dùng thì hãy là người dùng thông minh” đó là ý kiến của thầy Trịnh Tuấn Anh.
Với máy tính Casio, tem chống giả hiện được xem là yếu tố quan trọng và đáng tin nhất giúp người dùng phân biệt ngay hàng giả hay hàng thật. Con tem mới được ra mắt vào năm 2015 do Casio Nhật Bản phối hợp với BITEX – nhà phân phối độc quyền máy tính Casio tại Việt Nam thiết kế. Tem được sản xuất theo công nghệ của Đức mà những đơn vị làm giả chưa tiếp cận được với 3 dấu hiệu đặc trưng: Hiệu ứng logo nổi 3D; Tương phản màu sắc chìm; Hiển thị chữ OK khi soi đèn laser. Thiếu 1 trong 3 đặc trưng này thì đó có thể là tem giả và máy giả.
Tìm hiểu các thông tin chống nạn máy tính giả tại đây
Như vậy, ngoài việc quản lý thị trường tăng cường và xử lý mạnh tay nạn hàng giả; nhà sản xuất/phân phối tích cực trong công tác tuyên truyền chống giả; người kinh doanh không tiếp tay cho hàng giả; thì phía người dùng cũng phải tự trang bị kiến thức chống giả cho mình. Sự kết hợp cùng lúc của 4 yếu tố này sẽ sớm góp phần đẩy lui nạn hàng giả nói chung, máy tính Casio nói riêng và nâng cao ý thức tiêu dùng của người Việt.
Tường Lê