Không thể “cậy” hết vào nhà trường việc dạy con
(Dân trí) - Nhiều gia đình có xu hướng phó thác việc dạy con cho nhà trường để giải quyết vấn đề của con cái. Nhưng không một ngôi trường hiện đại hay đắt tiền nào có thể thay được vai trò của bố mẹ.
Vấn đề được đặt ra tại chuyên đề “Dạy trẻ vững vàng” do Hội quán Các bà mẹ và Trường ngoại khóa TOMATO tổ chức ngày 30/11.
Buổi chuyên đề nêu ra thực tế trẻ em ngày nay phải đối diện với những biến động phức tạp từ gia đình, xã hội. Việc giáo dục con trẻ trở nên khó khăn hơn bất kỳ lúc nào. Có nhiều phụ huynh con đang học lớp 6, lớp 7 nhưng đã "giơ tay đầu hàng", bất lực không thể làm gì cho con.
Tuy nhiên, một vấn đề nổi lên hiện nay là khi con gặp vấn đề, nhiều phụ huynh có xu hướng phó thác việc dạy con cho nhà trường hoặc các trung tâm bên ngoài. Họ cho rằng, chỉ cần chọn cho con một môi trường tiên tiến, hiện đại, đắt tiền thì các vấn đề của con sẽ được giải quyết.
Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, đây là một suy nghĩ hết sức sai lầm của phụ huynh. Trường học hiện nay vẫn còn nặng về giáo dục kiến thức, việc giáo dục các giá trị sống, kỹ năng sống đang rất nhiều vấn đề chưa tháo gỡ được. Sĩ số các trường học đông, nhà trường chỉ dựa trên những khuôn khổ phổ biến để đánh giá trẻ, không thể theo sát từng đứa trẻ.
“Và ngay những ngôi trường, trung tâm cực kỳ đắt tiền hay tiên tiến đến cỡ nào, tốt tới đâu cũng không thể nào làm thay việc của cha mẹ trong việc giáo dục con trẻ. Mình không “cứu” con thì không một ai có thể thay mình làm công việc này”, bà Phương nhấn mạnh. Theo bà Phương, gia đình là môi trường tác động lớn nhất đến con trẻ. Và mọi mục tiêu trong giáo dục, việc hình thành nhân cách của trẻ chỉ đạt được kết quả khi bố mẹ vào cuộc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các Bà Mẹ bày tỏ lo ngại nhiều gia đình lại đang có xu hướng dạy theo con theo bề nổi mà chưa thật sự chú ý đến việc hình thành giá trị sống, kỹ năng sống cho các em. Phụ huynh chạy theo các mục tiêu như làm sao để con thông minh, để thành công, để thành triệu phú… mà sao nhãng khía cạnh bồi đắp tâm hồn, lối sống lành mạnh, chú trọng đến những giá trị sống, tình yêu thương cho con.
Mà điều này có thể xuất phát từ mục tiêu giáo dục lâu nay của chúng ta đi chệch hướng, còn nặng bệnh thành tích. “Các chương trình về dạy con thành tài, thành thần đồng phụ huynh đến rất đông nhưng các chương trình dạy con tình yêu thương, trách nhiệm tổ chức miễn phí, chúng tôi kêu gọi phụ huynh đưa trẻ đến sinh hoạt thì phụ huynh nói rằng… con còn bận đi học thêm”, bà Thúy nói.
Nói về việc chú trọng “phần nổi” trong dạy con của nhiều phụ huynh, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương kể rằng ngay ở trường mình với mô hình ngoại khóa, những chương trình văn nghệ hay ngày hội Halloween..., phụ huynh chen chúc đông nghịt từ trong ra ngoài. Nhưng các buổi gặp gỡ nói chuyện nhằm hiểu rõ về con, nhà trường mời phụ huynh đến thì ôi thôi, rất ít bố mẹ có mặt cùng trao đổi về con để có những định hướng, hỗ trợ tốt cho trẻ.