Không nên để học sinh tiểu học đồng thanh hát "Chắc ai đó sẽ về"
(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí về clip HS trường tiểu học Đông Thái đồng thanh hát bài "Chắc ai đó sẽ về", ý kiến nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng: Việc Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu trường chấn chỉnh hoạt động này là điều cần thiết bởi nếu các hoạt động trong nhà trường mà phản giáo dục là rất nguy hiểm.
Phân tích về việc nhà trường tiểu học để học sinh đồng thanh hát bài "Chắc ai đó sẽ về", PGS.TS Văn Như Cương cho biết: "Mọi hoạt động trong nhà trường (kể cả hoạt động ngoại khóa) đều nhằm mục đích giáo dục học trò. Chính vì thế, những gì không phù hợp thì nhà trường nên tránh. Ở đây, việc nhà trường để cho một ca sĩ hát một bài hát người lớn và ở phía dưới học sinh tiểu học lại đồng ca ủng hộ là điều không nên. Có nhiều ý kiến của xã hội cho rằng điều đó không có gì là nghiêm trọng cả nhưng cá nhân tôi lại đánh giá khác. Nếu học sinh được tiếp cận với những bài hát phù hợp với lứa tuổi sẽ hiểu đúng được những điều gửi gắm trong ấy. Có rất nhiều bài hát phù hợp với các em học sinh tiểu học mà khi các em cất lên tiếng hát cảm thấy tự hào, yêu quê hương, yêu trường, yêu lớp, bạn bè, thầy cô..."
"Những bài hát không phù hợp với lứa tuổi dễ dẫn đến sai lầm về tâm lý. Chính vì thế tôi không ủng hộ việc học sinh trường tiểu học Đông Thái ngân nga hát đồng ca bài hát người lớn để cổ vũ cho ca sĩ. Tôi nghĩ vấn đề này nhà trường phải nhận khuyết điểm và cần chấn chỉnh để tránh tình trạng tương tự xảy ra. Việc Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu báo cáo và sau đó sẽ có chấn chỉnh toàn bộ các trường là điều rất cần thiết” - PGS.TS Văn Như Cương bày tỏ.
Cũng theo PGS.TS Văn Như Cương, việc nhà trường nói ngoài tầm kiểm soát là bất hợp lý. Khi một ca sĩ muốn hát thì cần phải đăng ký để Ban tổ chức còn phải giới thiệu, chuyển tên bài hát cho ban nhạc...Nếu phát hiện bài hát không phù hợp với học sinh tiểu học thì cần phải yêu cầu dừng và chuyển sang bài hát phù hợp hơn.
“Qua vụ việc này tôi mong muốn chúng ta cần phải yêu cầu các trường không chỉ bậc tiểu học mà ở bậc phổ thông, thậm chí là bậc đại học cần phải rà soát, kiểm duyệt chương trình ngoại khóa hết sức kỹ lưỡng. Gần đây một số trường đại học tổ chức các chương trình văn nghệ mà ở đó mức độ hở hang rất là đáng báo động, đau lòng hơn là rất nhiều bạn trẻ tham dự lại hưởng ứng điều này” - PGS.TS Văn Như Cương bày tỏ mong muốn.
Đồng quan điểm với những chia sẻ của PGS.TS Văn Như Cương, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Hà Nội phân tích thêm: Chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề theo góc độ sau: Việc trẻ con hát bài người lớn là chuyện bình thường (có thể các em nghe trên truyền hình, người lớn hát... rồi bắt chước) nhưng điều bất bình thường ở đây là trong hoạt động giáo dục nhưng gì không phù hợp với trẻ thì tuyệt đối không nên làm. Đây là nguyên tắc giáo dục chứ không phải nhà trường thích làm như thế nào cũng được.
TS Lâm cũng cho rằng, qua sự việc này, đối với cấp độ nhà trường cần phải rút kinh nghiệm, chúng ta không thể thấy con trẻ thích gì thì chiều theo, lại càng không nên kích thích con trẻ tham gia, hưởng ứng những thứ không phù hợp với lứa tuổi các em.
“Trong giáo dục, yếu tố gương mẫu được được đặt lên hàng đầu. Chính vì những cái gì phù hợp thì tăng cường giáo dục, còn cái gì chưa phù hợp cần tuyên truyền để loại bỏ” - TS Nguyễn Tùng Lâm chốt vấn đề.
Nguyễn Hùng
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |