Không dùng ngữ liệu SGK để ra đề văn: Giáo viên nói gì về tính khả thi?

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Khảo sát tại nhiều trường học, việc không dùng ngữ liệu SGK để ra đề kiểm tra định kỳ môn ngữ văn đã được triển khai từ lâu.

"Không bất ngờ"

Đây là khẳng định của cô Dương Thanh Thủy - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp, Hà Nội.

"Quy định này đúng định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Thực chất, chương trình đã được ban hành từ 6 năm trước, định hướng rất rõ ràng từ đặc điểm môn học, mục tiêu, yêu cầu và nội dung giáo dục trong bộ môn, đồng thời có những giải thích và hướng dẫn thực hiện chương trình cụ thể. 

Hơn nữa, việc lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (SGK) đã được thực hiện một phần trong các đề thi tuyển sinh vào lớp 10, đề thi tốt nghiệp THPT khoảng 10 năm trở lại đây. Vì thế, đây không phải là thông tin bất ngờ, khó thực thi", cô Thủy nói.

Cô M.L.A, giáo viên ngữ văn cấp 2 tại Hà Nội, cũng cho biết: "3 năm trở lại đây, rất nhiều trường không còn dùng ngữ liệu SGK trong đề kiểm tra định kỳ. Hoặc trường học SGK Kết nối sẽ lấy ngữ liệu trong SGK Cánh Diều và ngược lại, mục đích để học sinh làm quen với cách kiểm tra, đánh giá mới."

Không dùng ngữ liệu SGK để ra đề văn: Giáo viên nói gì về tính khả thi? - 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Mạnh Quân).

Ghi nhận tại nhiều trường học công lập bậc THPT trên địa bàn Hà Nội như Trường THPT Yên Hòa, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THPT Xuân Phương…, các đề kiểm tra học kỳ môn ngữ văn từ 3 năm nay không còn sử dụng ngữ liệu SGK. 

Điều này cũng diễn ra tương tự ở các trường tư.

Cô Dương Thanh Thủy chia sẻ, ngay từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp đã không sử dụng bất kỳ văn bản nào trong 3 bộ sách giáo khoa hiện hành để ra đề kiểm tra định kỳ môn ngữ văn.

"Để có thể thực hiện được việc này, chúng tôi đã cho học sinh luyện tập, vận dụng đọc hiểu các văn bản ngoài sách giáo khoa ngay sau khi học xong các thể loại.

Bên cạnh đó, tổ bộ môn còn chú trọng nội dung các chương trình ngoại khóa, câu lạc bộ hướng học sinh có thói quen đọc mở rộng, xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường.

Các giáo viên được tập huấn để hiểu rõ về yêu cầu, phương pháp dạy học phù hợp, xác định rõ mục tiêu dạy học môn ngữ văn, bảo đảm cung cấp kĩ năng đọc, viết, nói và nghe cho học sinh. 

Đặc biệt, trong dạy đọc, chúng tôi nhấn mạnh yêu cầu dạy đọc theo đặc trưng thể loại", cô Thủy chia sẻ.

Chấm dứt tình trạng học tủ, dạy mẫu

Các giáo viên được tham vấn nhấn mạnh vào lợi ích chấm dứt tình trạng học vẹt, học tủ của học sinh khi không còn tình trạng học tác phẩm nào thi tác phẩm đó như nhiều thập kỷ qua.

Theo cô Dương Thanh Thủy, quy định này sẽ giải quyết triệt để vấn đề dạy tủ, học tủ bao năm qua đã khiến học sinh và cả giáo viên thiếu tính chủ động, sáng tạo.

Khi áp dụng quy định mới này, giáo viên và học sinh sẽ tự học, tự đọc nhiều hơn, từ đó phát huy năng lực bản thân tốt hơn.

Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức các kì thi, người ra đề không còn bị bó hẹp phạm vi ngữ liệu, nội dung câu hỏi có thể đa dạng hơn. 

Người chấm thi sẽ khách quan hơn nữa khi không bị chi phối bởi những kết luận vốn đã quen về những tác phẩm trong SGK.

Không dùng ngữ liệu SGK để ra đề văn: Giáo viên nói gì về tính khả thi? - 2

Thí sinh thi lớp 10 tại Hà Nội (Ảnh: Thành Đông).

Cô N.T.H., giáo viên ngữ văn tại Quảng Ninh, nói thêm: "Quy định này không chỉ tác động với việc học của học sinh mà trước hết tác động lên cách dạy của giáo viên. Không còn tình trạng học tủ thì cũng không còn tình trạng dạy mẫu. Giáo viên cũng phải trau dồi năng lực chuyên môn để dẫn dắt học sinh phát huy tính tích cực, chủ động trong việc tiếp cận tác phẩm văn chương."

Cô Dương Thanh Thủy bổ sung thêm: "Không nên lo lắng việc không dùng ngữ liệu SGK để kiểm tra làm cho học sinh mất thói quen đọc sâu, hiểu kĩ tác phẩm. 

Thực tế, để đáp ứng được yêu cầu của một bài kiểm tra định kì, học sinh phải vận dụng tốt các kĩ năng đọc hiểu về cả nội dung và hình thức của văn bản. 

Với hệ thống câu hỏi trong đề kiểm tra đưa ra, học sinh bắt buộc phải đọc kĩ văn bản mới trả lời được. 

Nếu trước đây, học sinh có thói quen đọc hiểu dựa vào những kiến thức đã được cung cấp thì bây giờ học sinh được đọc hiểu chủ động bằng các chiến lược đọc, khiến các em được tự do khám phá văn bản, từ đó có cơ sở hiểu sâu, cảm thật."

Những nguy cơ có thật

Ở góc nhìn khác, cô N.T.H. cho rằng có lý do để phụ huynh lo lắng khi thay đổi cách đánh giá, kiểm tra môn ngữ văn.

Theo cô H., đã xảy ra tình trạng chọn ngữ liệu ngoài SGK không phù hợp làm đề thi ngữ văn như ngữ liệu quá dài, học sinh mức trung bình khó khăn khi tiếp cận, đọc hiểu. Trong khi đó, ngay cả học sinh khá giỏi cũng không thể làm bài tốt do không đủ thời gian làm bài.

Việc chọn ngữ liệu không đảm bảo chất lượng, ngữ liệu không có nguồn gốc rõ ràng cũng đã xảy ra. 

"Có những tác phẩm được lấy từ mạng internet, chỉ có duy nhất tên tác giả, không biết tác giả đó là ai, có đúng là tác giả thực sự của tác phẩm hay không, hoàn cảnh ra đời tác phẩm như thế nào. Tất cả đều không có thông tin.

Đây là điều tôi cho rằng tối kỵ trong dạy ngữ văn. Giáo viên được chủ động, sáng tạo trong chọn ngữ liệu nhưng không phải thích chọn ngữ liệu nào cũng được.

Ngữ liệu được chọn phải đảm bảo tính thẩm mỹ, giá trị văn học, có nguồn gốc rõ ràng, có trích dẫn đầy đủ.

Nhiều tác phẩm văn chương chỉ có thể cảm thụ được khi người đọc hiểu rõ về tác giả và bối cảnh ra đời tác phẩm.

Không nói đến học sinh đại trà, phần tự luận cảm thụ văn chương ngoài chương trình sẽ gây khó khăn cho cả thầy và trò nếu thông tin về ngữ liệu quá ít ỏi", cô H. nói.

Cũng theo cô H., chương trình mới không đặt nặng kiến thức mà tập trung cho kỹ năng, do đó khi kiểm tra rất nặng về phương pháp.

Điều này đòi hỏi giáo viên phải dạy tốt mảng khai thác đặc trưng theo thể loại để học sinh không bối rối trước các ngữ liệu chưa từng đọc bao giờ.

"Nếu giáo viên dạy mảng từ và câu, các biện pháp tu từ không chi tiết, học sinh sẽ khó nhận biết khi tiếp cận văn bản mới. 

Chưa kể, có những đơn vị kiến thức mà ba bộ SGK không đồng nhất. Ví dụ, thành phần biệt lập trong SGK ngữ văn Kết nối có 4, còn sách Cánh diều lại có 5.

Giáo viên buộc phải đọc đủ các bộ SGK hiện hành để cung cấp phương pháp toàn diện cho học sinh", cô H. nhận định.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025.

Theo đó, trong việc thực hiện đánh giá học sinh THCS và THPT ở môn ngữ văn, Bộ yêu cầu cần tránh sử dụng văn bản, đoạn trích trong SGK làm ngữ liệu đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các bài kiểm tra định kỳ ở môn học này.

Yêu cầu này được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra nhằm chuẩn bị cho học sinh lớp 9 và lớp 12 làm quen với định hướng đề thi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có hai kỳ thi quan trọng là kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Kể từ năm 2025, đề thi môn ngữ văn thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT sẽ không còn sử dụng ngữ liệu trong SGK theo đúng định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm