Không biên soạn bộ sách giáo khoa: Bộ GD nói gì về khoản vay 16 triệu đô?
(Dân trí) - Trong khoảng 77 triệu USD vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có hơn 16 triệu USD để biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, đến tháng 5, Bộ GD&ĐT báo cáo không thực hiện được việc này. Dư luận băn khoăn: 16 triệu đô ấy đã chi vào việc gì?
Kinh phí đầu tư cho dự án Đổi mới giáo dục phổ thông khoảng 80 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ đồng, tính theo tỷ giá hiện hành). Trong đó, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng.
Dự án được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8/8/2016 và kết thúc vào năm 2020. Trong số này, khoản 16 triệu USD dành để biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, kế hoạch viết một bộ SGK của Bộ GD&ĐT không thực hiện được.
Chiều tối 30/11, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) dành cho PV Dân trí cuộc phỏng vấn liên quan đến tính minh bạch của khoản vay này.
PV: Mặc dù có chủ trương xã hội hoá trong việc biên soạn SGK, Bộ GD&ĐT vẫn quyết định dùng khoản vay này để biên soạn sách, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13, về đổi mới Chương trình và SGK phổ thông, nói rõ chủ trương thực hiện xã hội hóa trong biên soạn SGK khi thực hiện chương trình giáo dục mới.
Tuy nhiên, trong quy định của Nghị quyết: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa”.
Khi ban hành chương trình mới xong và để triển khai, thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, trong dự án đổi mới hỗ trợ phổ thông đã có thiết kế về việc Bộ sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, sử dụng vốn vay của nhà tài trợ là Ngân hàng thế giới. Điều đó đều có ghi trong sổ tay, hiệp định.
Theo đó, Bộ đã thông báo để tuyển các chủ biên, tác giả, biên tập viên nhằm thực hiện biên soạn. Tuy nhiên, phương án tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ sách giáo khoa cũng không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia.
Trong khi đó, khảo sát tình hình thực tế vào thời điểm đó, chúng tôi thấy các NXB đã chuẩn bị tương đối tích cực, đã hình thành được một số bộ sách giáo khoa lớp 1 và các lớp sau.
Căn cứ tình hình thực tế nói trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa giáo dục phổ thông không sử dụng Ngân sách Nhà nước; bảo đảm chất lượng, tiến độ, không độc quyền, đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thực tế, sau khi Bộ thông báo về việc thẩm định SGK, các NXB đã nộp về đến Bộ 49 bản SGK để tham gia thẩm định.
Với vai trò là cơ quan chủ quản, theo ông vì sao Bộ GD&ĐT không thu hút được chuyên gia, trong khi NXB Giáo dục là đơn vị trực thuộc lại “kéo” được gần 700 chuyên gia để làm sách?
Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT quy định, đơn vị tổ chức cá nhân nào biên soạn SGK cũng phải có một NXB được thành lập với chức năng xuất bản SGK nhận biên tập, hoàn thành bản mẫu SGK đề nghị Bộ thẩm định. NXB Giáo dục trực thuộc bộ.
Nếu Bộ GD&ĐT làm sách cũng phải giao cho một NXB biên tập. Để tránh độc quyền, bộ đã không giao cho NXB Giáo dục để đảm bảo tính minh bạch.
Vì thế NXB Giáo dục đã chủ động tổ chức biên soạn SGK bằng nguồn vốn của mình. Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến số ứng viên đăng kí không đủ là do hầu hết tác giả sách giáo khoa đã kí hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu tổ chức biên soạn sách giáo khoa từ đầu năm 2018, khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông được công bố trên mạng để xin ý kiến rộng rãi; các biên tập viên sách giáo khoa có giấy phép hành nghề cũng đang thuộc biên chế hoặc hợp đồng với các nhà xuất bản nên không được phép dự tuyển tự do.
Dư luận đang băn khoăn, trong khoản vay 77 triệu đô để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, hơn 16 triệu đô để biên soạn một bộ SGK. Sau khi báo cáo không thực hiện được, vậy số tiền đó Bộ đã chi vào việc gì, thưa ông?
Trong dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng cũng như bất cứ dự án ODA nói chung, kinh phí tài trợ được quy định chặt chẽ trong hiệp định.
Sau đó, người thực hiện phải bàn bạc với nhà tài trợ về các cấu phần, chi tiêu vào khoản gì bao nhiêu và được ghi thành sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án.
Trong dự án này có cấu phần biên soạn SGK, với kinh phí khi thiết kế dự án là 16 triệu đô.
Số tiền này được dành cho việc tổ chức, thù lao cho tác giả, tổ chức triển khai biên soạn, một phần để biên soạn tài liệu dành cho người biên soạn, thẩm định SGK, giúp tác giả SGK và người tham gia thẩm định SGK hiểu được chương trình, hiểu được tiêu chí thẩm định SGK để thực hiện biên soạn, thẩm định SGK đúng với các tiêu chí và có chất lượng tốt.
Ngoài ra, trong 16 triệu đô, có kinh phí biên soạn SGK song ngữ tiếng dân tộc thiểu số, kinh phí dành cho việc dịch một số SGK sang chữ nổi Braille để phục vụ cho đối tượng học sinh khiếm thị.
Nếu Bộ tổ chức viết SGK sẽ sử dụng phần lớn kinh phí vào thù lao tác giả và tổ chức biên soạn, thử nghiệm, hoàn thành bản mẫu SGK. Tuy nhiên, bộ không sử dụng ngân sách nhà nước mà xã hội hoá nên tiết kiệm được phần lớn trong khoản này.
Để đổi mới chương trình phổ thông, ngoài kinh phí dành cho biên soạn SGK, còn một loạt các công việc khác liên quan như biên soạn tài liệu, bồi dưỡng gần 1 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, hỗ trợ các vùng khó khăn. Hiện trong thiết kế của dự án đã có nhưng không đủ. Do vậy, cần đàm phán để sử dụng nguồn kinh phí đó tăng cường thêm, nhất là hỗ trợ cho các vùng khó khăn.
Để thực hiện tất cả điều này, phải đàm phán với nhà tài trợ, tái phân bổ kinh phí, sau đó sửa sổ tay mới có thể thực hiện được.
Với sự bàn bạc, thống nhất của Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đang tái cấu trúc lại kinh phí dự án.
Ngay từ đầu, các hợp phần dự án đã có tính toán kĩ về kinh phí. Thay vì trả lại, ông nghĩ gì nếu dư luận cho rằng, Bộ đang “thừa giấy vẽ voi”?
Khi thiết kế dự án, các cấu phần đã được tính toán kĩ trong khuôn khổ nguồn vốn vay theo thỏa thuận nhưng so với nhu cầu thì còn thiếu nhiều.
Nếu không tái cấu trúc mà trả lại, nghĩa là trả về ngân sách nhưng sau đó, lại vẫn phải dùng ngân sách để chi cho một loạt các hoạt động sau này như mua sách hỗ trợ cho đối tượng chính sách được mượn, bồi dưỡng giáo viên…
Do đó, dùng số tiền này để phân bổ lại trong khuôn khổ của dự án để bảo đảm mục tiêu của dự án sẽ tốt hơn cho giai đoạn đầu triển khai thực hiện chương trình mới.
Thí dụ, trước đây, việc mua sách cho vùng khó được chi với khoản 4,5 triệu đô. Theo tính toán, số tiền này chỉ mua sách lớp 1 đã chiếm phần lớn và chỉ còn lại một phần nhỏ để mua sách lớp 2 cho năm tiếp theo.
Tuy nhiên, khi dư một phần trong khoản vay 16 triệu đô, dự án có thể đề nghị trang bị thêm SGK cho thư viện vùng khó khăn từ lớp 1,2, và lớp 6.
Điều này phù hợp với mục tiêu dự án cũng như yêu cầu bộ đặt ra: Ưu tiên hỗ trợ triển khai chương trình mới và vùng đặc biệt vùng khó khăn.
Trả lời trong cuộc họp báo mới đây, ông cho biết, một phần kinh phí đang được sử dụng để biên soạn tài liệu và tập huấn cho người thẩm định SGK. Trong khi đó, tài liệu chủ yếu sử dụng công nghệ và đăng tải lên mạng, sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí?
Chúng tôi chỉ dùng một phần nhỏ nguồn tiền đó đã được thiết kế từ trước để biên soạn các tài liệu và đăng tải lên mạng, các bài giảng Elearning chứ không phải để in ấn tài liệu. Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí bởi lẽ, nếu in tài liệu rất tốn kém.
Hiện quá trình đàm phán với Ngân hàng thế giới để chuyển 16 triệu đô sang các cấu phần khác đã có kết quả chưa, thưa ông?
Từ 25/11-6/12, chúng tôi có kỳ đánh giá cuối năm. Theo đó, sẽ bàn bạc kĩ trong từng cấu phần gồm: Chương trình, SGK, đánh giá và quản lý dự án.
Theo đó, nguồn kinh phí tiếp tục giải ngân và Bộ đang đề nghị để có thể kéo dài gia hạn dự án, đảm bảo lộ trình áp dụng và hỗ trợ triển khai cho những năm sau. Tất cả đều phải được sự chấp thuận và giám sát bởi Ngân hàng thế giới, quy chế của Bộ tài chính và hệ thống pháp luật, thanh tra, kiểm toán.
Mỹ Hà (thực hiện)