Khởi nghiệp sáng tạo trong đại học phải thực chất hơn
(Dân trí) - Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định nhiệm vụ cấp thiết của đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp thời gian tới chính là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học, biến các hoạt động khởi nghiệp trở nên thực chất hơn, tránh việc hô hào các nhà trường chạy theo phong trào.
Đó là ý kiến được nêu tại hội thảo "Định hướng xây dựng các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo xã hội trong các trường đại học”do Bộ GD-ĐT và Hội đồng Anh phối hợp tổ chức tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM với sự tham dự của đại diện nhiều trường ĐH ở TPHCM ngày 9/4.
Sáng tạo khởi nghiệp: tránh hô hào các nhà trường chạy theo phong trào
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HS-SV, Bộ GD-ĐT cho rằng trong 5 cốt lõi của hệ sinh thái khởi nghiệp trong Đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ HS, SV khởi nghiệp đến năm 2025 thì hai nhân tố chính là công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp và hình thành văn hoá khởi nghiệp trong cộng đồng. Mặt khác, tạo nên xã hội khởi nghiệp thì giáo dục khởi nghiệp là cũng là một khâu then chốt cần được quan tâm.
"Với số lượng gần 6 triệu HS, SV từ bậc ĐH đến THPT, chúng ta không thể đòi hỏi em nào cũng có dự án khởi nghiệp mà cái chính của giáo dục khởi nghiệp chính là giúp các em có tinh thần đổi mới sáng tạo trên mọi lĩnh vực từ xã hội đến khoa học công nghệ, thúc đẩy các em trở thành những chuyên gia, những nhà sáng tạo giỏi qua các ngành nghề, lĩnh vực mà các em đang học. Hình thành cho HS, SV văn hoá cũng như cách giải quyết khủng hoảng sau thất bại, có tinh thần doanh nhân, vì cộng đồng, dám nghĩ, dám làm vì cộng đồng", ông Việt nói.
Chính vì như vậy, năm 2018 Bộ GD-ĐT và Hội đồng Anh đã ký kết chương trình phối hợp nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo xã hội và phát triển doanh nghiệp xã trong cộng đồng các trường ĐH Việt Nam. Đồng thời, trang bị tinh thần doanh nhân xã hội cũng là một hành trang để SV có thể nắm bắt được các cơ hội trong tương lai, có được việc làm tốt hơn, đặc biệt với các em có mong muốn tự khởi nghiệp. Với một năm thực hiện, chương trình phối hợp này đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ cho các trường ĐH tại Việt Nam. Từ việc hỗ trợ đào tạo 200 cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp còn tổ chức các hội thảo liên quan đến đổi mới sáng tạo trong các trường ĐH và hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa các trường ĐH ở Việt Nam và những trường ĐH hàng đầu của Anh.
PGS.TS Neil Stott, giám đốc chương trình thạc sĩ Sáng tạo xã hội, trường ĐH Cambridge (Anh) chia sẻ về kinh nghiệm sáng tạo xã hội
"Tới thời điểm hiện tại, nhiệm vụ cấp thiết của đề án này chính là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường ĐH, biến các hoạt động khởi nghiệp trở nên thực chất hơn, tránh việc hô hào các nhà trường chạy theo phong trào. Để làm được thì các trường phải từng bước xây dựng các thành tố ban đầu của hệ sinh thái khởi nghiệp. Trên cơ sở đó xây dựng và hình thành các ĐH theo định hướng khởi nghiệp, thay đổi mục tiêu giá trị không chỉ thực hiện chức năng truyền thụ kiến thức, bồi dưỡng nhân tài và đào tạo chuyên gia nghiên cứu các tri thức mới mà sang chuyển giao đối thoại với các tri thức đó thành những sản phẩm tạo ra giá trị trong cộng đồng, xã hội”, ông Việt nhấn mạnh.
SV cần môi trường để sáng tạo khởi nghiệp
PGS.TS Ngô Phương Lan, hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng chia sẻ: "Dù là trường đào tạo lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn nhưng những năm qua trường cũng đã bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực sáng tạo xã hội và doanh nghiệp xã hội trong nhà trường. Ngoài hoạt động của phòng công tác SV, đoàn hội thì nhà trường cũng đã thành lập ban liên lạc cựu SV. Đặc biệt là vai trò của câu lạc bộ Cựu SV doanh nhân của trường đã tạo môi trường sáng tạo khởi nghiệp đến thế hệ SV đang theo học ở trường. Mới đây nhất, nhà trường cũng vừa khai trương công ty dịch vụ khoa học và du lịch. Sự ra đời của công ty này cũng hướng đến hoạt động cộng đồng, xã hội, đồng thời là nơi SV chia sẻ những ý tưởng khởi nghiệp của mình."
Bà Phương Lan chia sẻ thêm: "Trong quá trình các doanh nhân đến chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp thì thấy rằng sức sáng tạo trong SV cực kỳ lớn. Cái mà các em đang thiếu chính là môi trường, và nhà trường đang làm một việc chính là hình thành môi trường như mô hình các doanh nghiệp để các sáng tạo ấy có cơ hội thành hiện thực. Tương lai, trường sẽ thành lập trung tâm giáo dục bền vững, trong đó một phần có liên quan đến sáng tạo xã hội và phát triển bền vững".
Cũng tại hội thảo này, các đại biểu được PGS. TS Neil Stott, giám đốc chương trình thạc sĩ Sáng tạo xã hội, trường ĐH Cambridge (Anh) chia sẻ kinh nghiệm về sáng tạo xã hội và vai trò của các trường ĐH và kinh nghiệm phát triển các chương trình đào tạo, nghiên cứu, ươm tạo về sáng tạo xã hội. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận những thực tế tại các trường đại học ở Việt Nam trong lồng ghép doanh nghiệp xã hội và sáng tạo xã hội vào chương trình đào tạo.
Lê Phương