Khoe giấy khen, đăng ký học thêm... làm lộ thông tin học sinh

Hoài Nam

(Dân trí) - Học sinh có thể vô tình bị lộ thông tin khi bố mẹ khoe thành tích, giấy khen của con lên mạng xã hội.

Quản lý các trường học ở TPHCM nhấn mạnh điều này tại tọa đàm "Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học" được tổ chức tại TPHCM sáng 17/3. 

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM cho biết, ngay từ đầu nắm thông tin kẻ lừa đảo mạo danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh báo "con đang cấp cứu", trường đã lập tức cảnh báo đến học sinh, phụ huynh.

Theo ông Phú, những kẻ lừa đảo thường nhắm vào tâm lý phụ nữ, gia đình có điều kiện, không nắm được quy trình khám chữa bệnh tại bệnh viện... để dễ thực hiện hành vi phạm tội. 

Khoe giấy khen, đăng ký học thêm... làm lộ thông tin học sinh - 1

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM (Ảnh: N.D).

Ông Phú cho rằng có nhiều lý do để phụ huynh, học sinh bị lộ thông tin cá nhân. Có thể từ việc các em đăng ký học ở các trung tâm, đăng ký tài khoản khi học online, thông tin của học sinh được nhập liệu gửi cho các đơn vị liên quan làm sổ bảo hiểm hay làm hồ sơ thi đại học.... 

"Có cả trường hợp Hiệu trưởng vì tiền hoa hồng từ các trung tâm bên ngoài vào trường, rồi dùng hình ảnh học sinh lên quảng cáo, giới thiệu... làm thông tin cá nhân của các em bị lộ", ông Phú thẳng thắn.

Vị Hiệu trưởng cũng cảnh báo, sau dịch Covid-19, học sinh đi du học nhiều, có thể sắp tới sẽ xảy ra chiêu lừa đảo nhắm vào phụ huynh về việc đóng tiền cho con đi học. 

Từ đầu tháng 3/2023 đến nay, Công an TPHCM đã ghi nhận 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo, tổng số tiền lên đến 825 triệu đồng. Không chỉ tại TPHCM, hiện nay chiêu lừa "con cấp cứu" đã xảy ra tại nhiều tỉnh thành. 

Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, Phòng cảnh sát hình sự Công an TPHCM cho hay, các chiêu lừa đảo mạo danh xuất hiện từ trước dịch Covid-19 nhưng đến nay thủ đoạn lừa đảo ngày càng tăng cao.

Cảnh sát hình sự Công an TPHCM tiếp nhận 20-30 cuộc gọi phản ánh mỗi ngày, nóng nhất gần đây là chiêu lừa gọi cho phụ huynh thông tin con em bị tai nạn nhập viện để lừa đảo lấy tiền. 

Khoe giấy khen, đăng ký học thêm... làm lộ thông tin học sinh - 2

Đại úy Huỳnh Đô Tấn Thịnh cho biết 80% thông tin do cá nhân làm lộ (Ảnh: N.D).

Theo Đại úy Thịnh, có khoảng 20% do các doanh nghiệp tự lộ thông tin, 80% do chính cá nhân tự lộ thông tin.

Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, TPHCM nêu quan điểm, đối với tình trạng lừa đảo nhắm vào phụ huynh, việc cần nhất là làm tốt khâu tương tác, kết nối giữa nhà trường và phụ huynh.

Tại trường, rất coi trọng việc bảo mật thông tin học sinh, chỉ một nhân viên được phép nhập hoặc lấy thông tin. Đặc biệt, trường cũng nhấn mạnh với phụ huynh, bất cứ việc gì cũng cần trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm. 

Ông Độ cũng cảnh báo, phụ huynh cần hạn chế, cẩn trọng trong việc chụp hình giấy khen, khoe thành tích của con lên mạng xã hội. Điều này phụ huynh vô tình làm lộ thông tin của con.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc tấn công. Tội phạm công nghệ cao là những kẻ có trình độ rất cao xâm nhập và tấn công cộng đồng để kiếm tiền phi pháp. Hình thức này lại không giới hạn về địa lý nên các cuộc gọi giả mạo không chỉ xuất phát tại TPHCM mà có thể từ nước ngoài.

Khoe giấy khen, đăng ký học thêm... làm lộ thông tin học sinh - 3

Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân cho rằng phụ huynh cần cẩn trọng khi khoe giấy khen, thành tích của con lên mạng (Ảnh: N.D).

Về việc lộ thông tin cá nhân, ông Thắng cho rằng, xuất phát từ rất nhiều nguồn. Có thể dữ liệu cá nhân bị lộ từ việc phụ huynh, học sinh cung cấp cho các hoạt động học tập hay đối tượng lừa đảo tìm cách lấy thông tin qua chính những người thân trong gia đình. Các nhóm lừa đảo có thể thông qua mạng xã hội Tik Tok hay các trò chơi game để chiếm đoạt thông tin cá nhân. 

Thông qua các app chơi game, các đối tượng lừa đảo có thể tìm cách để khai thác thông tin. Vì thế, có trường hợp con chơi game, bố mẹ bị mất hết dữ liệu, thông tin cá nhân, cả tài khoản ngân hàng.

Ông Thắng nêu ra vấn đề hiện nay, học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều nhưng chưa lường trước được các cạm bẫy, rủi ro trên không gian mạng. Nhà trường cần phải đưa những người có kiến thức chuyên môn về công nghệ để quản lý, áp dụng công nghệ để mã hóa dữ liệu, nếu bị tấn công chiếm đoạt thì dữ liệu cũng không khai thác được.

Ngoài ra, ông Thắng cho rằng an ninh mạng, an toàn thông tin cần phải có chương trình giáo dục, các chương trình huấn luyện để nâng cao nhận thức giúp học sinh phòng tránh các rủi ro.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm