Khoảng 3 nghìn học sinh lớp 9 thi lại môn Toán: Kiểm tra toàn bộ quy trình ra đề

(Dân trí) - Sau sự việc khoảng 3 nghìn học sinh lớp 9 của quận Thanh Xuân (Hà Nội) phải thi lại môn Toán trong kỳ thi học kì 1 do có 70% bài thi dưới điểm trung bình, UBND quận này đã yêu cầu thanh tra toàn bộ quy trình ra đề.

Theo ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, đề thi không sai về mặt nội dung, kiến thức vẫn nằm trong chương trình.

Tuy nhiên, do dạng đề hơi mới, các trường chưa được tập huấn, làm quen nên Phòng GD&ĐT quận thấy không hợp lý. Phòng đã báo cáo cấp trên để cho kiểm tra lại với tất cả học sinh, kể cả học sinh có điểm từ trung bình trở lên nhằm có kết quả công bằng với các em.

“Do người ra đề thi đổi mới quá nhanh, học sinh chưa bắt kịp. Đặc biệt, đề thi có những dạng câu hỏi mới với học sinh; 1-2 câu yêu cầu quá dài so với thời gian làm bài khiến học sinh mất nhiều thời gian; ma trận đề chưa được định hướng kỹ với các nhà trường”, ông Hữu cho hay. 

Khoảng 3 nghìn học sinh lớp 9 thi lại môn Toán: Kiểm tra toàn bộ quy trình ra đề - 1

Đề thi Toán lớp 9 của quận Thanh Xuân, Hà Nội. 

Trước đó, khoảng 3 nghìn học sinh lớp 9 trên địa bàn quận Thanh Xuân phải thi lại môn Toán do 70% bài thi của học sinh dưới điểm trung bình, 30% bài thi có điểm từ trung bình trở lên.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cho biết, đây là sự việc rất đáng tiếc. Phòng xin rút kinh nghiệm ngay và mong học sinh, phụ huynh thông cảm.

Đánh giá về việc ra đề thi học kỳ ở trường phổ thông hiện nay, PGS Chu Cẩm Thơ cho rằng, kiểm tra định kì là đánh giá kết quả giáo dục của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh so với chuẩn kiến thức, kĩ năng quy định trong chương trình giáo dục phổ thông.

Thông thường các nhà trường, các phòng Giáo dục/Sở GD&ĐT sẽ tổ chức đánh giá định kì về học tập vào giữa/cuối học kì, cuối năm học. Chức năng của việc đánh giá rõ ràng thế nhưng thực tế không như vậy.

Theo bà Thơ, do giáo viên, phụ huynh, học sinh… quá chú trọng việc đánh giá định kỳ, thành ra “thi gì học nấy” mà không coi trọng cải tổ quá trình dạy và học.

“Ma trận đề thi thế nào, kiểu đề thi thế nào…, người ta sẽ làm quen, ôn luyện, để có bằng được kết quả tốt. Nếu không, học sinh bị điểm kém, chất lượng của lớp/của trường không cao, giáo viên sẽ gánh tội”, GS Chu Cẩm Thơ nói.

Khoảng 3 nghìn học sinh lớp 9 thi lại môn Toán: Kiểm tra toàn bộ quy trình ra đề - 2

Kiểu ra đề “chuyên gia” khó bám sát quá trình học của mỗi lớp. (Ảnh: Minh hoạ). 

Cũng theo PGS Cẩm Thơ, ngành giáo dục kêu gọi đánh giá quá trình học tập, tức là giáo viên phải dựa vào quá trình học của học sinh mà đánh giá, để “xác nhận kết quả học tập hoặc sự tiến bộ của học sinh (cá nhân)”.

Tuy nhiên, việc ra đề thi “đánh giá định kì” lại được ra theo kiểu “chuyên gia”, nghĩa là cá nhân/tập thể nhóm các giáo viên được cho là có chuyên môn hơn sẽ ra đề.

“Kiểu ra đề “chuyên gia” thì chắc là không thể bám sát được vào quá trình học của mỗi lớp học, phạm vi cũng khó có thể bao quát hết chuẩn’. Vì thế, rất dễ gây “tủ” dù khách quan đến đâu”, PGS Thơ cho hay.

Với vai trò Trưởng đơn vị của cơ quan chuyên sâu về nghiên cứu đánh giá giáo dục, bà Thơ khuyến nghị các thầy cô giáo cần được bồi dưỡng chuyên môn về ra đề đánh giá định kì theo môn học, để chúng ta không còn mắc những lỗi như thế này.

Hạnh Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm