Khoa học - Giáo dục Việt Nam và nghịch lý từ một cuốn sách
(Dân trí) - Người phương Tây có câu “Con số không biết nói dối” để nhấn mạnh vai trò của khoa học thống kê và những giá trị nghiên cứu thực chứng. Những con số biết nói thường vẽ ra một bức tranh thực tế khách quan và toàn diện hơn nhiều lời đánh giá, phân tích.
Cuốn “Bằng chứng và lý giải” (NXB Trẻ - 2007) của tác giả Phạm Duy Hiển gồm nhiều bài viết về ngành năng lượng, khoa học và giáo dục của Việt Nam. Điểm nhấn của các bài viết là những số liệu về ngành mà tác giả cung cấp, một cách khách quan đã chỉ ra khá nhiều nghịch lý trong hoạt động khoa học và giáo dục nước ta. Xin được trích giới thiệu một vài “bằng chứng” (con số và luận điểm) riêng về ngành khoa học và giáo dục từ cuốn sách, “lý giải” xin nhường cho độc giả:
1. Nghiên cứu khoa học Việt Nam trên sân chơi chung
Việt Nam có 50.000 người làm công tác nghiên cứu (gấp 5 - 6 lần Thái Lan, Malaysia), hàng năm công bố 7.000 công trình nghiên cứu trên các tạp chí nội địa. Nhưng bước ra sân chơi chung thì lại chỉ có khoảng 700 người Việt Nam là tác giả của 450 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế. Trung bình 1 triệu người Việt Nam có 5,6 công trình được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế.
Tỷ lệ này thấp hơn Thái Lan 5,7 lần, Trung Quốc 6,6 lần, Malaysia 9,3 lần, Hàn Quốc 83 lần và Singapore là 226 lần.
Số liệu trên lấy từ Cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin khoa học quốc tế ISI của Mỹ, tập hợp đầy đủ thông tin từ khoảng 10 nghìn tạp chí khoa học quốc tế với 200 chuyên ngành khoa học.
Trên thế giới ngày nay, các danh hiệu Giáo sư, Tiến sĩ sẽ không thuyết phục được ai nếu nhà khoa học không trưng ra được danh sách công trình đăng trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng hoặc bằng sáng chế được quốc tế công nhận. Các tạp chí khoa học quốc tế được coi là sân chơi khách quan, bình đẳng và giá trị đối với giới khoa học ở mọi quốc gia trên thế giới.
2. Chất lượng và khuynh hướng lý thuyết của học thuật “nội gia”
Số liệu từ Bộ Khoa học công nghệ cho biết chưa đầy 30% các công trình nghiên cứu của Việt Nam là do tiến hành bằng nội lực. 70% còn lại là từ các nguồn hợp tác, trao đổi với nước ngoài. Trong số đó ngành Toán và Vật lý lý thuyết dẫn đầu nguồn nội lực.
3 chuyên ngành KHCN có nhiều công trình quốc tế nhất của Việt Nam là Vật lý chất rắn lý thuyết, Toán, Toán ứng dụng.
Trong khi đó 3 ngành này của Thái Lan là Miễn dịch học, Dược, Sinh hóa và Sinh học phân tử. Malaysia là: Tinh thể học, Công nghệ hóa chất, Công nghệ điện và điện tử. Indonesia là: Thực vật học, Y học cộng đồng, Môi trường và nghề nghiệp. Philippines là: Thực vật học, Nông học, Nông nghiệp. Singapore là: Vật lý ứng dụng, Công nghệ điện và điện tử, Khoa học vật liệu. Trung Quốc là: Khoa học vật liệu, Hóa lý, Vật lý đa ngành. Hàn Quốc là: Vật lý ứng dụng, khoa học vật liệu, Sinh hóa và sinh học phân tử. Đài Loan là: Khoa học vật liệu, Công nghệ điện và điện tử, Vật lý ứng dụng.
Nhìn qua có thể thấy cả 3 ngành dẫn đầu của Việt Nam đều là khoa học lý thuyết, còn tuyệt đại đa số là các công trình nghiên cứu của các nước láng giềng là về công nghệ cao, khoa học ứng dụng, chú trọng hiệu quả kinh tế xã hội.
3. Thành tích nghiên cứu khoa học tầm cao từ nghiên cứu của Trung Quốc
Thành tích nghiên cứu khoa học tầm cao của 1 số nước và khu vực, trích từ số liệu từ Báo cáo phát triển con người UNDP 2005, Sách KHCN VN 2003 và Danh sách 500 trường Đại học hàng đầu thế giới do ĐH Giao thông Thượng Hải công bố 2004. (Tiêu chí xếp hạng danh sách này hoàn toàn dựa trên thành tích nghiên cứu khoa học của đội ngũ thầy giáo và cựu sinh viên trường).
| VN | Ấn độ | TQ | Hồng Kông | Singapore | Thuỵ Điển | Mỹ |
Trường ĐH lọt vào top 500 TG | 0 | 3 | 5 | 5 | 2 | 10 | 170 |
Nhà khoa học thường được trích dẫn | 0 | 10 | 5 | 15 | 4 | 55 | 3571 |
Số người làm R&D x 1000 người | 50 | 128 | 823 | 11 | 18 | 46 | 1324 |
Theo danh sách này thì chỉ có 35 nước trên thế giới có tên trong Top 500. Đứng đầu là Mỹ với 170 trường. Đáng lưu ý là các trường tốt nhất của Anh, Pháp, Đức đều đứng sau thứ 40. Trung Quốc chỉ có 5 trường, đều đứng sau thứ 200. Việt Nam không có trường nào.
Đây cũng là điều đáng phải suy nghĩ, bởi một đất nước với 80 triệu dân, 95% dân số biết chữ và có hơn 100 trường ĐH lại không có trường lọt đến top 500 thế giới.
Danh sách này cũng chỉ ra những nhà khoa học có công trình thường xuyên được trích dẫn, toàn thế giới có khoảng 4000 người thuộc loại này. Cao nhất là Thụy Điển có 45 người trong khi Trung Quốc chỉ có 3, còn Việt Nam thì chẳng có ai.
4. Phân bố trí thức
Một quan điểm không thể phủ nhận trên thế giới là đại học tốt là đại học có đội ngũ nghiên cứu trình độ cao. Trong 4000 nhà khoa học được trích dẫn thường xuyên ở trên thế giới thì 90% là từ các trường đại học.
Còn ở Việt Nam, chỉ có hơn 300 GS và PGS (trong khi số bộ môn khoa học là hơn… 3000) giảng dạy cho khoảng 1 triệu sinh viên trong cả nước. Còn khoảng 700 GS và PGS lại hoạt động ngoài trường đại học.
Một điểm đáng lưu ý là trong tổng số ngân sách 200 triệu USD dành cho nghiên cứu khoa học, chỉ có khoảng 10 triệu USD là được cấp cho các trường đại học.
Minh Việt