Khó mở miệng nói: “Thưa thầy, tôi...”
(Dân trí) - Rất nhiều sinh viên thấy mặt “được” khi xưng “tôi” với thầy cô nhưng cho rằng như thế là thiếu tôn trọng giáo viên. Kể cả chưa bàn đến cách xưng “tôi” “lợi” hay “hại” thế nào thì hầu hết sinh viên đều rất khó mở miệng nói: “Thưa thầy, tôi...”.
Hãy nghe ý kiến của cả thầy và trò:
Xưng tôi với thầy cô, việc trao đổi sẽ hiệu quả hơn - Đỗ Thu Trang, K55 SP Âm nhạc, ĐH Sư phạm Hà Nội
Thầy với em là cách xưng hô rất tình cảm nhưng khi xưng “tôi” bản thân sinh viên thấy mình trưởng thành và cũng dễ khẳng định mình hơn. Việc trao đổi quan điểm, chính kiến trên lớp sẽ hiệu quả hơn.
Trong các hoạt động Đoàn, Hội việc xưng “tôi” được khuyến khích nhiều, có tác dụng rõ rệt khi trao đổi.
Tuy nhiên, trong các hoạt động này thường là các giảng viên trẻ, chỉ hơn sinh viên một vài tuổi nên việc xưng tôi dễ dàng hơn. Còn ở lớp học, nếu sinh viên nào xưng hô với thầy cô như thế thì rất ít người vừa lòng.
Vũ Công Học |
Xét cho cùng, mỗi cách xưng hô đều có cái hay riêng của nó, không thể nói cách xưng hô nào hơn cách nào. Ở nước ngoài, chỉ có hai ngôi thứ I và You nhưng ở nước ta có nhiều đại từ xưng hô cho các lứa tuổi, đó cũng là cái nếp văn hóa truyền thống không nhất thiết phải thay đổi.
|
Đã là cách xưng hô, trước tiên phải dễ nghe - Nguyễn Thu Trang, K56 Pháp, ĐH Sư phạm Hà Nội
Trong độ tuổi giảng viên hơn sinh viên dưới 10 tuổi thì còn chấp nhận được. Thật khó hình dung và quá chối tai nếu một sinh viên năm thứ nhất mới chỉ 19 tuổi xưng “tôi” với những giáo sư, tiến sĩ 60, 70 tuổi, bằng tuổi ông mình.
Không nhất thiết phải thay đổi vì đã là cách xưng hô thì trước hết phải dễ nghe. “Em với thầy”, đẹp hơn hẳn “tôi với thầy”. Còn muốn thể hiện cái “tôi”, sinh viên có rất nhiều cách, quan trọng bạn có muốn và dám nói lên quan điểm của mình hay không mà thôi.
|
Quan trọng là mình trao đổi điều gì - Lưu Quang, Lớp K12A, Khoa Tiếng Anh, ĐH Mở Hà Nội
Đó chỉ là một cách xưng hô thôi, quan trọng là mình trao đổi điều gì. Mình luôn ủng hộ quan điểm sinh viên đưa ra tiếng nói cá nhân trên giảng đường.
Xưng “tôi” với giáo viên theo truyền thống của ta có vẻ “láo”, nhưng hãy nhìn nhận đơn giản hơn. Đại học khác ở phổ thông là môi trường trao đổi ý kiến, quan điểm nhiều hơn là kiểu thầy giảng trò… gật đầu thì cách xưng hô này rất phù hợp.
Trong đề thi vẫn viết “Anh (chị) cho biết…” chứ không “Em hãy…” như bậc phổ thông.đã nói lên điều đó. Cách xưng hô đó sẽ giúp sinh viên tự tin hơn nhất là khi thuyết trình trước lớp, hay khi thực hành phỏng vấn, tham vấn, điều tra... Nhưng nếu ngoài lớp học mà xưng “tôi” với thầy thì “lạnh lùng” quá.
Phan Quỳnh Dung |
Ra đường, xưng tôi với người lớn tuổi đã không được rồi - Phan Quỳnh Dung, K43 H3, Tài chính Ngân hàng, ĐH Thương mại
Dù thế nào thì giảng viên là người truyền bá kiến thức cho sinh viên, lại thêm khoảng cách về tuổi tác nên đừng đòi hỏi khẳng định mình bằng sự bình đẳng đến mức… ngang hàng. Ra ngoài đường, xưng tôi với người lớn tuổi hơn, kể là cô bán rau hay bác xe ôm, đều khó chấp nhận được rồi, huống chi là người thầy.
Với bố mẹ là con, thầy cô là em. Và tôi chỉ thích hợp khi bạn đã đi làm, đó mới là lúc để bạn trẻ thể hiện mình.
|
Trò thì khó mở miệng còn thầy… liệu có dễ nghe? - Tùng Khánh, ĐH Kinh tế Quốc dân
Ngày nay chúng ta đang khuyến khích mô hình sinh viên tự học, nghiên cứu và khuyến khích sinh viên tư duy. Xưng tôi là hợp lý vì như thế sinh viên dễ dàng hơn, tạo được sự chủ hơn trong việc nói lên các quan điểm của mình và tạo không khí trao đổi hai chiều giữa sinh viên và giảng viên khi thảo luận, chứ không phải kiểu học tiếp thu thụ động.
Tất nhiên, trên thực tế để xưng “tôi” với thầy cô rất khó, vì cách xưng “em” ăn sâu thành nếp sống rồi. Sinh viên thì khó mở miệng còn thầy thì… liệu có dễ nghe? Nếu cả người nói và người nghe đều thấy bình thường thì không còn gì phải bàn.
Nguyễn Thị Ái Vân |
Đừng đẩy xa thêm khoảng cách thầy trò - Nguyễn Thị Ái Vân, K56 Pháp, ĐH Sư phạm Hà Nội
Thật sự mình không thể thốt ra câu “Tôi thưa thầy” được. Ít nhiều ở góc độ nào đó xưng hô như thế làm đổ vỡ sự kính trọng của trò với thầy mà đây là điều chúng ta đang cần củng cố trong môi trường sư phạm.
Các thầy cô giáo nói gì?
Dương Đức Đại, giảng viên ĐH Nông nghiệp Hà Nội
Tôi ủng hộ sinh viên xưng "tôi" trong tranh luận, nó sẽ đề cao cái "tôi" khoa học của người tranh luận, vì trong khoa học thì tuổi tác hay vị thế xã hội không phải là điều quan trọng nhất. Vấn đề là ai giỏi hơn ai, ai có thể giải quyết các vấn đề khoa học một cách khoa học và hợp lý nhất.
Nhưng cái khó là ở chỗ, hai người tranh luận không chỉ là hai nhà khoa học mà còn là 1 thầy, 1 trò, người ta hay bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ trước đó để lại, thế nên khi sinh viên xưng "tôi" với thầy thì thầy cảm thấy có vẻ "hỗn". Đôi khi người tranh luận cũng lại "thuận đà" coi thường một chút đối với người đối diện, thế nên nhược điểm của cách xưng hô này là có thể người nói nhiều lúc quên mất rằng trình độ anh ta đang ở đâu, người nghe là ai, dẫn đến có khi người nghe phật ý và không nghe anh ta giải thích nữa, mà như vậy thì mọi giải thích lúc này là… vô hiệu!
Tuy nhiên, vượt lên tất cả, tôi không nghĩ vấn đề xưng hô lại quá quan trọng vì việc sinh viên trình bày cái gì, ý tưởng có sáng tạo, tranh luận có thuyết phục hay không… mới là quan trọng nhất. Nếu sinh viên làm được những việc đó thì dù xưng hô như thế nào đi nữa, sinh viên vẫn giành được sự coi trọng từ người thầy.
Vũ Văn Chung, giảng viên ĐH KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội
Xưng hô của sinh viên khác với học sinh phổ thông. Theo tôi, việc xưng "tôi" trên giảng đường không khó, và nên dùng đại từ này, bởi sinh viên là những người đã hoàn toàn trưởng thành và có ý kiến cá nhân của mình. Điều đó cũng thể hiện sự tôn trọng cái tôi cá nhân trong con người. Mỗi sinh viên đại học vừa học tập vừa nghiên cứu và cũng có quan điểm, ý kiến riêng của mình. |
Hoài Nam - Duy Khánh (ghi)