Bối rối xưng “tôi” trong giảng đường

(Dân trí) - “Với sinh viên, điểm số vẫn rất quan trọng. Liệu rằng khi sinh viên xưng “tôi” với thầy cô thì có bị đánh giá xấu không? Quan hệ và điểm số có bị ảnh hưởng không?” SV Nguyễn Giao Long, ĐH Hoa Sen, băn khoăn về việc xưng “tôi” với thầy, cô giáo của mình.

Xưng “tôi” với giảng viên khó hay dễ, và có nên dùng đại từ nhân xưng “tôi” trong giảng đường đại học? Mối quan hệ giữa thầy và trò có thay đổi khi sinh viên dùng đại từ nhân xưng “tôi”?...

 

Tất cả được mổ xẻ tại Tọa đàm “Xưng hô trong trường đại học” được tổ chức tại Trường ĐH Hoa Sen (TPHCM) hôm 21/8 vừa qua.

 

Xưng “tôi” trong giảng đường - Dễ mà khó!

 

Cô Nguyễn Ngọc Phương (Giảng viên một trường đại học tại Pháp) cho rằng, “việc xưng hô của người Việt thường gắn liền với yếu tố về lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc nên không dễ dàng thay đổi cách xưng hô trong ngày một ngày hai”. Việc thay đổi cách xưng hô trong giảng đường tưởng dễ mà lại khó.

 

Câu chuyện thực của cậu sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa (ĐH Hoa Sen) Nguyễn Tuấn Cường về việc xưng “tôi” với giảng viên nhận được nhiều sự đồng tình của mọi người. Cường cho biết, dù trường khuyến khích sinh viên xưng “tôi” với thầy, cô giáo nhưng trong một lần Cường dùng đại từ nhân xưng “tôi” thì vẫn nhận được ánh mắt khác lạ, thiếu thiện cảm của thầy cô.

 

Nhiều sinh viên cho rằng, trong mỗi giờ học hay trong trường, chỉ khi nào cảm thấy tự tin lắm thì mới “dám” dùng đại từ nhân xưng “tôi”. Ngoài truyền thống tôn sư trọng đạo thì trong giao tiếp giữa thầy và trò đồng thời hình thành nên “nỗi sợ vô hình” của trò đối với thầy. Chính vị thế, phân cấp và kiến thức của người thầy, một phần làm sinh viên e ngại và không đủ bản lĩnh để xưng “tôi”!

 

Sinh viên Mai Hoàng Lộc, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học cho biết: Không phải sinh viên nào cũng đủ bản lĩnh và tự tin khi dùng đại từ nhân xưng này với thầy, cô giáo. Lộc thường cảm thấy “nhỏ bé” khi đứng trước giảng viên vì lượng kiến thức không đủ dày dặn để tranh luận bình đẳng chứ không phải do cách xưng hô”.

 

Cũng có sinh viên băn khoăn lẫn hoài nghi về việc xưng “tôi” với thầy, cô giáo của mình. Như Nguyễn Giao Long, sinh viên khoa Công nghệ thông tin, ĐH Hoa Sen, đặt nghi vấn: “Với sinh viên chúng em, điểm số vẫn rất quan trọng. Liệu rằng khi sinh viên xưng “tôi” với thầy cô thì có bị đánh giá xấu không? Quan hệ và điểm số có bị ảnh hưởng không?”

 

Chỉ xưng “tôi” tùy thuộc hoàn cảnh

 

Sinh viên Nguyễn Thị Hồng Hà, khoa Ngôn ngữ Văn hóa, ĐH Hoa Sen, trao đổi: Chúng tôi chỉ quen xưng “tôi” khi thuyết trình, phát biểu ý kiến trước lớp học. Ngoài giờ học, khi gặp riêng thầy cô thì xưng “em”, tôi thấy thể tình cảm và thân thiện hơn. Qua đó, cái khoảng cách thầy trò sẽ được rút ngắn xuống.

 

Đồng quan điểm trên, bạn Ngô Ngọc Duy, sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM cho rằng: “Chỉ nên dùng đại từ nhân xưng “tôi” trong hoàn cảnh cụ thể như khi họp lớp, thuyết trình”. Duy lý giải, “như vậy em cảm thấy “an tâm hơn” trong giao tiếp với thầy cô và dùng từ “em” thì khoảng cách giữa thầy và trò không quá xa”.

 

Bạn Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng cho rằng, xưng “em” với thầy cô làm cho em dễ trao đổi hơn, nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó, cách xưng tôi với thầy cô của mình em cảm thấy rất ư là… phản cảm.

 

Đồng cảm với những suy nghĩ của sinh viên trong vấn đề xưng “tôi” trong giảng đường đại học, ông Lý Trường Chiến, phó chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam chia sẻ: “Việc sinh viên xưng tôi, em hay con đều tốt. Các bạn cứ sử dụng đại từ nhân xưng nào khiến mình tự tin nhất trong khi giao tiếp với thầy cô. Nếu cứ cố ép sinh viên xưng “tôi”, không khéo chúng ta lại ép từ khuôn này sang cái khuôn khác”.

 

Nên xưng “tôi” trong giảng đường!

 

Bối rối xưng “tôi” trong giảng đường  - 1

Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, xưng “tôi” trong giảng đường ĐH là cần thiết.   

Nhưng theo nhà văn Nguyên Ngọc, ông ủng hộ quan điểm sinh viên xưng “tôi” trong khuôn viên giảng đường. Vị hiệu trưởng trường ĐH Phan Châu Trinh này cho biết: Tại trường ĐH của ông, việc xưng “tôi” được quán triệt cho sinh viên ngay trước khi nhập học.

 

Ông lý giải, “cung cách làm việc, phương pháp cách dạy, học bậc ĐH có thể sẽ được điều chỉnh bắt đầu từ việc thay đổi cách xưng hô này”.

 

Bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng ĐH Hoa Sen cũng rất “tâm đắc” với việc sử dụng đại từ nhân xưng “tôi” trong giảng đường. Bà Phượng cho rằng, trường ĐH Hoa Sen rất khuyến khích sinh viên xưng “tôi”. Ngoài việc trong suốt 17 năm qua trường ĐH Hoa Sen không sử dụng bục giảng, việc khuyến khích sinh viên xưng “tôi” đã nâng cao vị thế của sinh viên trong trường ĐH. Sự thay đổi này là cần thiết.

 

“Hoàn toàn không có chuyện thầy, cô giáo của trường ĐH Hoa Sen “trù dập” sinh viên của mình khi mà họ dùng đại từ nhân xưng “tôi” trong khi giao tiếp với thầy, cô giáo trong khuôn viên của trường” - vị hiệu trưởng ĐH Hoa Sen khẳng định.

 

Đoàn Quý

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm