Khi sinh viên đẩy cả nhà vào “bước đường cùng”

Mò mẫm trên khắp các cánh đồng, nhặt từng con cua con ốc kiếm thêm tiền nuôi con ăn học đại học, chị Hạnh không ngờ có ngày con mình lại “bán đứng” bố mẹ, đẩy gia đình đến bước đường cùng, không còn nhà để ở.

 
Khi sinh viên đẩy cả nhà vào “bước đường cùng” - 1

Các quán game dày đặc quanh khu vực ĐH Kinh tế Quốc dân
 

Bán nhà trả nợ cho con

 

Vừa đi làm đồng về, chị Hạnh mẹ sinh viên Danh (Hưng Hà, Thái Bình) chưa kịp hồi sức sau một ngày làm việc vất vả thì bỗng bủn rủn chân tay khi nhận được cuộc điện thoại của Danh thông báo đang nợ cả gốc lẫn lãi gần 130 triệu đồng. Danh đang phải lẩn trốn vì bọn cho vay nặng lãi dọa tìm được sẽ “xử lý” nếu trong vòng 1 tuần nữa không trả đủ tiền.

 

“Tôi đã ngất lên ngất xuống, không còn tin vào tai mình nữa”- chị Hạnh tâm sự. 130 triệu đồng- số tiền mà cả đời lội ruộng như gia đình chị có nằm mơ cũng không thấy được.

 

Liên lạc với Danh không được, chị Hạnh khăn gói lên Hà Nội tìm cậu con trai đang theo học ở ĐH XD. Đến địa chỉ nhà trọ của con, chị rụng rời tay chân khi biết con trai đã đi đâu không rõ gần 1 tháng nay để tránh sự truy bức của các chủ nợ.

 

Tìm đến những người bạn học đồng hương với Danh, chị Hạnh càng nhói lòng. “Danh mượn tiền cháu lâu nay có trả đâu”, “Danh mượn xe cháu đi cắm”, “Điện thoại của cháu bị Danh "vay"... là những lời “tốt đẹp” về con trai cưng mà chị hạnh nghe được. Nhẩm tính, ngoài số nợ vay nóng hơn 130 triệu đồng, sau 7 năm học mãi mà không ra trường, con trai chị đã lấy 7 chiếc xe máy và hơn chục cái điện thoại của bạn bè để “cắm”.

 

Giận đến run người nhưng chị Hạnh vẫn lặn lội tìm con giữa đất Hà thành. Trái với sự mong chờ của mẹ, càng ngày bóng dáng Danh càng biệt tăm. Hạn trả tiền của chủ nợ quy định đã cận kề, lo cho con, chị Hạnh quay về quê “tính nốt mấy sào lúa non” và chạy vạy thêm để trả cho người ta.

 

Giữa chốn làng quê, kiếm một triệu lận lưng đã khó, giờ bói đâu ra 130 triệu đồng. Túng quẫn, vợ chồng chị gõ cửa hết nhà này sang nhà khác. Cả làng thương chị, người nhiều thì cho mượn vài ba triệu, người ít thì dăm, bảy trăm. Từ làng trên đến xóm dưới, cộng với mấy sào lúa, số tiền gom được vẫn chưa đủ một nửa. Không còn cách nào khác, bố mẹ Danh đành cắn răng rao bán ngôi nhà - nơi trú thân của cả gia đình, và cũng là nơi thờ cúng tổ tiên.

 

“Kiếp người tôi sao khổ quá”- chị Hạnh nghẹn lời. Ngày Danh thi đỗ đại học, cả gia đình, họ tộc đều đến chúc mừng. "Nghĩ đến cảnh, giữa vùng đất nông thôn, mẹ bồng em, bố xách mấy túi đồ, cả nhà dẫn nhau đi ở nhờ nhà hàng xóm, thì biết đến bao giờ mới có thể quên cái cảm giác ê chề nhục nhã khi đó. Cố gắng cho con đi học cho bằng bạn bằng bè, những mong con tu chí học hành sau này đỡ khổ, ai dè, nó đầy đọa bố mẹ đến đường này. Biết thế, cho ở nhà bắt cua bắt ốc, có khi bố mẹ đỡ khổ, chứ không đến nỗi rơi vào cảnh đến một tấc đất cắm dùi cũng không còn như thế này”, chị Hạnh cắn chặt môi. 
 
Khi sinh viên đẩy cả nhà vào “bước đường cùng” - 2
Các quán game gần khu trọ sinh viên

 

Đêm đêm nằm... mơ số

 

Dường như không mấy quan tâm đến thực tế gia đình đang gặp phải, ở giữa Hà Nội, Danh, chàng trai 27 tuổi vẫn bô bô kể về thành tích chinh phục chị em; thao thao bất tuyệt về những trận chơi thâu đêm hay những con đề theo mãi không biết chán.

 

Có người bảo, chuyện học và "nuôi con đề" của Danh có nét… hao hao giống nhau. Là bởi thi đỗ từ năm 2001 nhưng đến nay cậu vẫn chưa có được cái bằng. Là bởi, cứ hễ nằm mơ là cậu lao vào ôm tập vở luận giấc mơ ra số đề rồi ngấu nghiến, nghiền ngẫm miệt mài từ đêm đến sáng.

 

Nuôi đề từ năm thứ hai, đến nay ngoài tên cúng cơm do cha mẹ đặt, anh chàng 27 tuổi này đã được bạn bè nhiều khoá gán cho cái tên mới “chúa chổm” vì những khoản nợ không tên.

 

Nhưng cũng có lúc cu cậu chợt… giàu. Tiền nhặt được từ những lần bỏ học để luận đề đã được anh chàng ném vào những cuộc nhậu tới bến mà không hay biết trước đó đã mất bao nhiêu.

 

Tai hại hơn, theo lời kể của Danh: “Khi hết tiền thì mượn bạn, bạn không có tiền thì mượn đồ đem cắm. Khi không có tiền, có đồ thì vay nóng của mấy người ở cạnh trường Kinh tế Quốc dân. Vay mới khó, chứ trả thì dễ (?!)”, Danh nói, đầy vẻ tự tin.

 

Nhưng “dễ” như Danh nói là 7 chiếc xe máy, hơn chục chiếc điện thoại của bạn và 130 triều đồng vay nóng mà đến nay Danh vẫn chưa trả hết dù gia đình đã phải bán đất bán nhà.

 

Vay tiền “cúng” số đề

 

Theo lời Danh, anh ta không phải là trường hợp cá biệt. Dẫn chứng là trong các cửa hàng cho vay nóng trá hình dưới những quán Internet, chè chén cạnh Ký túc xá có quyển sổ theo dõi vay nợ mà đối tượng chủ yếu là sinh viên.

 

Danh thừa nhận mình "liều”, song vẫn còn thua nhiều cậu bạn khác. Không nói đâu xa, nhóm của Danh có 4 người thì cả 4 đều đang là con nợ lớn của những hàng cho vay “nóng”.

 

Tôi vờ có nhu cầu vay tiền, Danh cười ngay “Tưởng gì, đơn giản lắm”, rồi liến thoắng: “Chỉ cần một thẻ sinh viên và số điện thoại gia đình hoặc chứng minh thư để khi cần các chủ nợ sẽ liên hệ là chị đã có thể vay với lãi suất … 36%/ tháng”.

 

Chính vì cái cái thủ tục vay quá đơn giản, lại có tiền nóng để tiêu, thích lấy lúc nào có lúc đấy, nên những người như Danh cứ thiếu lại vay, còn việc trả thì... trông chờ vào cơ may trúng lô đề.

 

Nhưng cái ngày trúng lô đề cứ xa vời vợi. Nợ nần chồng chất, số tiền vay lãi mẹ đẻ lãi con. Và cứ thế, những người như Danh chẳng mấy chốc hư đốn. Và cũng vì thế, những kỳ vọng của cha mẹ vào đứa con đang theo học đại học chẳng mấy tan tành như bong bóng, thậm chí đến mái nhà cũng không còn để ngả lưng trú mưa nắng sau những ngày còng lưng nhặt nhạnh nuôi con.

 

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

 

Theo Vũ Lụa

Vietnamnet