Khi sĩ tử gặp… ác mộng
(Dân trí) - Mất ngủ triền miên, chợp mắt là gặp ác mộng, ăn không ngon… là tình cảnh của không ít sĩ tử khi đối mặt với kỳ thi trong đại. Áp lực của nhiều sĩ tử xuất phát từ chính... phụ huynh.
Những giấc mơ kinh hoàng vào mùa thi
Gọi điện đến một trung tâm lý ở Q.1, TPHCM, cậu học trò tên Hải, ngụ ở Q.5, giọng lộ rõ sự căng thẳng lẫn sợ sệt nói về tình cảnh của mình. Em kể, liên tục cả mấy tháng nay, từ ngày nộp hồ sơ vào trường ĐH Kinh tế TPHCM, không đêm nào em ngủ ngon, lúc nào cũng chập chờn và mơ gặp ác mộng thường xuyên. Khi thì mơ mình đi bán vé số, khi lại gặp những hình ảnh kinh dị, chết chóc hết sức kinh khủng.
“Mỗi lần bật dậy, mồ hôi em ướt đẫm cả người, thở không ra hơi, nhìn quanh em cũng thấy sợ. Ngồi vào bàn học em vẫn ám ảnh, nghĩ ngợi linh tinh”, Hải khổ sở.
Khi được tư vấn, em đang có dấu hiệu stress, cần có chế độ nghỉ ngơi, giải trí phù hợp để lấy lại tinh thần, Hải lắc đầu vì… khi chơi em cũng chẳng vui. Hơn nữa, chỉ cần em rời bàn học là bố mẹ lập tức lên tiếng giục tập trung ôn thi.
“Năm ngoái em thi trượt, bố mẹ em rất sốc nên họ kỳ vọng lần này em sẽ làm nên chuyện. Em cũng không muốn thi vào Kinh tế, điểm cao lắm nhưng mẹ bảo, hơn người ta cả năm trời ăn học, không đỗ thì học hành nỗi gì”.
Với em T.X. (vừa tốt nghiệp lớp 12), hình dung đến cảnh bước vào phòng thi là ăn uống gì em đều đắng miệng, ngồi vào bàn học tập trung một lúc là đầu đau như búa bổ, lúc nào cũng buồn rầu.
Nhưng nỗi sợ lớn nhất với X. là mỗi khi đêm xuống, theo giờ khóa biểu đi ngủ, em trằn trọc không vào giấc, nếu có chợp được mắt thì lập tức… em mơ thấy đủ thứ trên đời, toàn những nội dung, hình ảnh không hay. Điều đó làm X. sợ đến nỗi nhiều đêm em thức không dám đi ngủ, gật gà ngay bên bàn học cũng như có bữa em đã lén uống thuốc an thần.
X. bày tỏ: “Sức khỏe về thể xác giảm sút em sẽ cố gắng để bù đắp nhưng về những lo lắng luôn xuất hiện trong đầu thì em không biết phải làm sao. Thi đỗ đại học là mục tiêu lớn nhất với em từ trước đến nay, cả nhà em đều chờ đợi”.
Sự khắc khổ, đau đớn của người mẹ nhà ở Q.3 khi tìm đến chương trình tư vấn làm nhiều người rất thương cảm. Con trai chị từ một học trò giỏi nhất nhì, đột nhiên khi chuyển chuẩn bị lên cấp ba lại thì xuất hiện các dấu hiệu tâm thần như ngồi vào trong góc lớp, đánh bố mẹ hoặc người đối diện, bỏ nhà đi lang thang… Thế nhưng ai nấy cũng phải lắc đầu khi người mẹ bảy tỏ mong muốn: “Ra làm sao cũng được, tôi chỉ cần cháu có thể học hành để thi vào đại học" trong tình trạng con đã nghỉ điều trị tâm thần cả năm nay, bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng.
Dấu hiệu nguy hiểm
TS - BS Nguyễn Thị Mỹ Châu (Khoa Tâm thần kinh, Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch) cho hay, sự lo lắng thường trực, dẫn đến giấc ngủ không sâu chính là thủ phạm của việc gặp ác mộng. Đó là dấu hiệu, triệu chứng cảnh báo tình trạng stresss, trầm cảm mà vào mùa thi rất nhiều học sinh gặp phải.
“Hàng năm, vào mùa thi tình trạng học sinh bị hoảng loạn, lo lắng phải đến khoa điều trị rất nhiều. Đông nhất là các em thi chuẩn bị thi vào đại học nhưng nhiều em thi lên lớp 10 cũng gặp phải áp lực trên. Đa số các em chịu áp lực từ chính sự kỳ vọng của gia đình phải thi đỗ vào trường này trường nọ quá với sức của mình”, BS Châu cho hay.
Theo BS Châu, việc đặt ra mục tiêu để con có động lực cố gắng là cần thiết cho việc học thế nhưng mục tiêu đó phải phù hợp với khả năng và mong muốn của trẻ. Trước khi đưa ra mục tiêu cho con, phụ huynh hãy đặt lên bàn cân việc ép con thi đỗ vào ĐH có thể làm con bị trầm cảm, tâm thần và việc con được sống mạnh khỏe, tỉnh táo.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (Trưởng bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch) cho hay do quá căng thẳng, mệt mỏi, âu lo, sợ hãi là nguyên nhân làm các sĩ tử ăn ngủ không được, gặp ác mộng không chỉ đêm mà gặp cả khi thức. Với những em không có kế hoạch ôn thi hợp lý mà thường chạy theo việc học tủ, học phao hay luyện thi cấp tốc điều này càng dễ xảy ra.
Việc bố mẹ tạo áp lực cho con là điều rất khó chấp nhận. Nếu cha mẹ thật sự là những người hiểu biết thì không bao giờ gây áp lực cho con trong mùa thi mà đổi lại sẽ có những cách khéo léo để giúp đỡ, khuyến khích bằng thái độ tiến bộ rằng cánh cửa ĐH không phải là tất cả, quan trọng là ở đâu, làm gì mình cũng thể hiện được năng lực và sự cố gắng của mình.
BS Ngọc chia sẻ: “Nhiều gia đình tạo áp lực con phải thi đậu để cha mẹ nở mày nở mặt nên con trở nên sợ hãi với gánh quá nặng trên vai. Càng lo càng học không vào, học không vào lại thêm lo nên gặp đủ thứ sợ hãi khi ngủ. Với sự căng thẳng, áp lực đó, nếu thi rớt, các em rất dễ tự tử”.
Theo các chuyên gia, việc gặp ác mộng, lo sợ kéo dài rất nguy hiểm nên càng sớm khắc phục càng tốt. Các sĩ tử cần sắp xếp lịch học phù hợp, đảm bảo được chất lượng giấc ngủ. Gia đình phải tạo cho các em tâm lý thoải mái với kỳ thi, không bộc lộ thái độ nhất nhất phải đỗ đại học của mình để các em tránh được sự áp lực. Khi tình trạng này kéo dài, sự bất an thường trực trong các em thì sĩ tử cần mau chóng đi kiểm tra tâm lý để định mức stress hay trầm cảm để kịp thời điều trị.
Hoài Nam