Sĩ tử "khiếp hãi" vì bị ép... ăn

(Dân trí) - Không chỉ lo lắng về việc chọn ngành, chọn trường thi, học sao cho hiệu quả…, việc ăn uống mùa thi cũng gây rắc rối cho nhiều học trò năm cuối. Không ít em phát khiếp vì bị bố mẹ “nhồi nhét” thực phẩm quá nhiều.

Mùa thi sợ... ăn

T.N.Ng, học sinh (HS) lớp 12 trường THPT Hàn Thuyên, TPHCM than thở, ra Tết khi em chính thức bước vào việc ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học thì cũng là lúc được mẹ “chăm bón”. Mỗi bữa ăn trong ngày của Ng đều được mẹ lên lịch với rất nhiều đặc sản như tôm, gà, bò, heo… để bồi dưỡng sức khỏe. Không chỉ ngày ba bữa như bình thường, Ng phải ăn thêm bữa vào đêm khuya chưa kể nhiều bữa phụ lắt nhắt mà mẹ em cho rằng: “Ăn bổ nhớ lâu”. Đến bữa, mẹ ngồi canh Ng ăn, nếu em để đồ ăn dư, lập tức bị rầy nên hôm nào Ng cũng... căng đầy bụng.

“Trước đây em ăn được, mỗi bữa đều 2 -3 chén cơm nhưng chẳng hiểu sao từ ngày ăn theo thực đơn của mẹ, nhìn thức ăn là em khiếp, ăn không ngon miệng. Rất nhiều món từ trước giờ em không thích mẹ cũng bắt em ăn, nhiều hôm ăn xong em bị “tào tháo” đuổi”, Ng nói.

Sĩ tử khiếp hãi vì bị ép... ăn
HS trường THPT Phú Nhuận, TPHCM tìm hiểu về thông tin tuyển sinh.

Tại chương trình tư vấn tuyển sinh ở Trường THPT Phú Nhuận, TPHCM mới đây khi một HS tâm sự bị mẹ ép ăn trong mùa thi thì các HS khác đều nhộn nhạo lên vì các em cũng chung tình cảnh bị bố mẹ ép bồi bổ quá mức.

Một HS nữ lớp 12A2 kể rằng, mỗi lần từ trường về nhà đi qua bếp là em rùng mình nghĩ đến việc phải ăn. Bố mẹ em bắt em ăn nhiều món như óc heo, đầu gà hầm thuốc bắc, hầm sâm… để tăng cường trí nhớ, có vậy mới mong đỗ được.

Em năn nỉ mong được ăn uống như mọi ngày nhưng bố mẹ không chịu, nói rằng con mình lãng đãng, phải ăn nhiều. Vào ban đêm bị mẹ bắt nhiều để dưỡng sức, em nặng nề, ì ạch không tài nào học được. Nuốt không trôi, nhiều hôm chờ mẹ sơ sở, cô học trò này đành phải lén đổ thức ăn đi.

Nguyễn Đức Tuấn, HS lớp 12 ở Q. Tân Bình cho hay, gia đình mình không quá khá giả nhưng dịp này bố mẹ vẫn “lùng sục” nhiều món ăn để tẩm bổ con ôn thi. Mỗi ngày, Tuấn phải ăn 3 quả trứng gà ta, một miếng cá thu, 2 lạng thịt bò, hai bộ óc heo… cũng như bị ép uống đến 5 - 6 cữ sữa mỗi ngày.

Không chỉ khiếp đồ ăn, Tuấn còn thấy bị căng thẳng, áp lực vì sực chăm sóc quá mức đó. Mỗi lần em cự nự, liền nghe lời động viên: “Bố mẹ phải nhịn chi tiêu mua đồ tẩm bổ mong con thi đỗ đấy!”.

Ngoài ra, những việc nhà của Tuấn trước đây như đổ rác, cắm cơm, quét nhà… cũng được gác lại, em không phải động tay vào bất cứ việc gì. Thậm chí việc Tuấn chơi thể thao, vui chơi cũng bị hạn chế để dành thời gian học vì ý bố mẹ, đỗ xong tha hồ chơi.

Với cậu học trò này, sự chăm sóc của bố mẹ đã trở thành nỗi sợ khi mà đó như một áp lực bắt buộc em phải đậu. “Đi đâu cũng nghe bố mẹ kể công sức chăm con như thế, hy sinh cho con ăn học với kỳ vọng rất lớn, kỳ này không đỗ thì em chết”, Tuấn tâm sự.

Bồi bổ đừng làm con sợ

Nhiều phụ huynh tẩm bổ cho con rất kỹ lưỡng giai đoạn con ôn thi khi nghĩ rằng “không bổ ngang cũng bổ dọc”. Lo con học mất sức, cần phải bổ sung thật nhiều chất để giúp cho trí não được tốt nên “nhồi” con ăn được nhiều, phụ huynh càng mừng. Nhưng bổ đâu chưa thấy có thí sinh bị ép ăn nhiều quá còn thường xuyên bị nôn, có em phải vào viện vì bị bội thực…

Sĩ tử khiếp hãi vì bị ép... ăn
Ngoài dinh dưỡng, các em cần sức khỏe tinh thần để ôn luyện tốt. 
 
BS Trương Trọng Hoàng (Phó chủ nhiệm bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe, trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch) cho biết, khi tham dự chương trình tư vấn sức khỏe mùa thi, ông gặp nhiều HS lo lắng khi bị bố mẹ ép ăn quá nhiều. Pphụ huynh hiểu sai khi cho rằng ăn càng nhiều món bổ dưỡng sẽ dự trữ được nhiều chất giúp não hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, nguồn năng lượng chính giúp não hoạt động là Glucose, chất này lại không lưu trữ được nhiều trong bộ não.
 

BS Đỗ Hồng Ngọc phân tích, việc ép con ăn là không nên vì cái gì "ép" cũng gây tâm lý không tốt, ép không đúng lại còn có hại. Việc bị bố mẹ ép ăn liên tục làm con cái không được thoải mái, thậm chí là khó chịu khi đang tập trung mà bị kêu đi ăn uống. Khi đó rất khó để lấy lại khí thế học tập.

Theo BS Trương Trọng Hoàng, giai đoạn ôn thi việc chú ý đến ăn uống là cần thiết vì nếu ăn ít, thiếu chất sẽ suy mòn sức khỏe. Tuyệt đối không được bỏ ăn, bỏ bữa mà nên duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ chứ không nên “nhồi nhét” để dự trữ. Đặc biệt, ăn uống phải đi liền với việc vận động, ngủ nghỉ và giải trí phù hợp.

BS Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ, cha mẹ đừng quá nặng nề chuyện ăn uống trong ngày thi của con rồi làm con sợ. Nên duy trì những món ăn quen thuộc hàng ngày và tăng cường vài món món trẻ ưa thích hoặc những món mà con thấy thèm,, vì khi thèm thứ gì là cơ thể đang thiếu chất đó. Có thể bổ sung ly chanh đường để bổ sung Vitanmin C. Chứ hằng ngày con không uống sữa giờ ép con uống để thông minh thì sẽ bị sình bụng, đau bụng. Điều cần là nên chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh ăn uống, các chuyên gia sức khỏe nhấn mạnh cần phải chú ý ngủ đủ giấc, không nên thức quá khuya để đầu óc được thảnh thơi, tỉnh táo. Và thứ quan trọng nhất với tinh thần các em là không khí gia đình thoải mái, ấm cùng để tránh căng thẳng, áp lực từ xung quanh. Tất cả những thứ đó đều quyết định đến sức khỏe mùa thi của thí sinh chứ không riêng gì chuyện ăn uống.

Hoài Nam