Khi học trò “nổi loạn”
(Dân trí) - Sử dụng chất gây nghiện; chống đối bố mẹ, thầy cô; thích gây sự, đánh lộn; bỏ nhà đi bụi... là hành vi nổi loạn của không ít học trò, nhất là các em ở độ tuổi mới lớn.
Học trò “kết” hành vi tiêu cực
Liên tiếp nhiều năm nay, nhiều trường học tại TPHCM phát hiện học trò sử dụng một loại thuốc ho được cảnh báo là có chất gây nghiện nhằm tạo hưng phấn. Bên cạnh một số em tưởng rằng uống thuốc này sẽ thông minh, không sợ bị thầy cô hỏi bài thì thực tế, nhiều em biết tác hại khôn lường của thuốc nhưng vẫn sử dụng.
Được cảnh báo từ lâu nhưng tình trạng học trò sử dụng thuốc gây nghiện không chỉ ở TPHCM mà còn ở một số tỉnh thành khác không thuyên giảm. Những trường hợp được biết đến phần lớn do vô tình nhà trường phát hiện, còn chuyện các em “râm ran” sử dụng chất kích thích này không hề ít.
Đây chỉ phần nổi trong những hành vi tiêu cực của học trò được cảnh báo. Còn phần chìm, có vô vàn kiểu nổi loạn của học sinh (HS) làm "đau đầu" nhà trường, gia đình.
Cô Bùi Mỹ Dung, chuyên viên Phòng Giáo dục Q.4, TPHCM cho hay, hành vi nổi loạn của HS hiện rất phức tập, không còn đơn thuần là các trò nghịch dại của lứa tuổi học trò. Nhiều HS đến trường thủ vũ khí trong người, sẵn sàng gây hấn với bạn bè, thầy cô. Các trò quậy phá như như đốt cồn gây cháy ở trường học, đánh nhau, đua xe, sử dụng chất kích thích... xuất hiện rất nhiều trong giới HS.
Bà Nguyễn Thu Hà, hiệu trưởng Trường THCS Chánh Hưng, Q.8 cho biết, ở lứa tuổi cấp 2, đặc biệt là ở khối lớp 8, trường nào cũng gặp nhóm HS nổi loạn, các em trốn và nhà vệ sinh hút thuốc, đánh nhau... Đặc biệt là các em nữ, năm trước còn rất ngoan, học giỏi thì chỉ một thời gian đã kết bè phái nổi loạn tưng bừng, đến giáo viên và phụ huynh cũng hoảng vì quá bất ngờ.
Tại tọa đàm Đoàn viên thanh niên 4 văn phòng trung ương với công tác phòng chống tệ nạn xã hội diễn ra tại Hải Phòng vào tháng 9/2013 chỉ ra cả nước hiện có khoảng 180.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó số người nghiện dưới 16 tuổi chiếm tới 47,8%. Các con số thống kê từ Cục phòng chống tệ nạn xã hội cũng cho thấy tình trạng học sinh chán đời, bỏ nhà đi bụi, nghiện ma túy, phạm tội... ngày càng tăng.
Các em cần được chia sẻ
Bà Nguyễn Thu Hà, hiệu trưởng Trường THCS Chánh Hưng cho rằng, tâm lý ở tuổi mới lớn, các em rất thích khẳng định, thể hiện bản thân. Trước hết, người lớn phải nhìn vấn đề một cách thông cảm, chia sẻ đối với các em.
“Ở khối lớp có HS quậy phá, chúng tôi sẽ giao những giáo viên có kinh nghiệm, ít vướng bận gia đình làm công tác chủ nhiệm để nắm bắt được tâm tư, các sự cố các em gặp phải. Đồng thời, đội ngũ giám thị của trường luôn giám sát chặt, kịp thời phát hiện những HS có vấn đề để tiếp cận”, bà Hà nói.
Tuy nhiên, theo bà Hà, đối với giáo dục con trẻ, yếu tố từ gia đình cực kỳ quan trọng. Nhưng không ít phụ huynh, khi con quậy phá thì buông tay bất lực cho rằng con tôi hỏng rồi và phó mặc cho nhà trường.
Các chuyên gia tâm lý cho hay, phía sau hành vi nổi loạn của học trò có thể chứa đựng rất nhiều vấn đề. Có em vì học yếu, không được ghi nhận ở một lĩnh vực nào khác nên nổi loạn để khẳng định bản thân, để thể hiện mình ở một môi trường khác. Nhưng cũng có thể các em nổi loạn để trốn tránh các vấn đề về gia đình, cuộc sống mà các em đang phải đối diện. Hành vi tiêu cực với việc phạm tội là một ranh giới cực kỳ mong mong nếu không được chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời.
Ông Trần Đăng Thảo (chuyên gia tâm lý Tổng đài 1088) nhấn mạnh HS có những hành vi tiêu cực như đua xe, nghiện hút, thích gây sự với mọi người... có thể là những biểu hiện cho thấy các em bị căng thẳng, trầm cảm do thường xuyên bị chê bai hoặc gặp sự cố trong cuộc sống gia đình, bạn bè, tình yêu...
Ông Thảo nhấn mạnh, vấn đề tuổi mới lớn thường gặp là nguyện vọng độc lập do cha mẹ muốn con thực hiện theo khuôn mẫu do mình đặt ra, áp đặt suy nghĩ của mình lên con. Trẻ nổi loạn đôi khi nhằm thiết lập một chuẩn mực mới. Nhà trường, gia đình cần phải nắm bắt được tâm lý, mong muốn của trẻ để có cách giáo dục phù hợp.
Điều đáng ngại là trước những hành vi tiêu cực của trẻ, người lớn thường có hai thái cực là cấm đoán, đưa ra hình phạt hoặc buông xuôi chứ còn ít mang tính giáo dục. Điều các em cần khi gặp sự cố là sự chia sẻ, được nêu lên ý kiến, quan điểm của mình và đặc biệt được người khác lắng nghe, tôn trọng.
Hoài Nam