Khi giang hồ thành thần tượng: Làm gì để hạn chế người trẻ phạm tội?
(Dân trí) - Có một thực tế nhức nhối là những đứa trẻ hư rời trường học sớm lại dễ phạm tội. Do đó, mục tiêu của ngành giáo dục là làm mọi cách để giữ các em trong môi trường học đường.
Khi giang hồ thành thần tượng
Tham dự tọa đàm với chủ đề "Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội" do báo Thanh niên tổ chức tại TPHCM, ông Đinh Minh Phương (ngụ huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) vẫn còn ngỡ ngàng khi kể về câu chuyện con trai mình đang học tại trường mà bị nhóm giang hồ xông vào bắt ép lên xe, chở đi nơi khác rồi đánh đập dã man.
Sự việc xảy ra từ tháng 2/2021 nhưng ông Phương vẫn bức xúc: "Con tôi không mâu thuẫn gì với ai, ở nhà rất ngoan. Người ta bắt nó, đánh nó chỉ để ép một nhóm học sinh khác trong trường có mâu thuẫn với họ ra mặt".
Điều ông bức xúc nhất là con ông bị giang hồ hành hung, bắt cóc ngay tại trường học, nơi cha mẹ gửi gắm con trẻ đến để được học tập, bảo vệ. Ông nói: "Tôi thấy cứ như họ muốn bắt ai, đánh ai cũng được!".
Theo các chuyên gia tham dự tại tọa đàm, chuyện trẻ vị thành niên hành xử như giang hồ, mang dáng dấp băng nhóm giang hồ đã không còn hiếm lạ. Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng (Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM) nhắc lại vụ băng nhóm áo cam với hàng trăm tên xông vào đập phá quán ốc mới đây, trong đó có không ít trẻ vị thành niên.
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, góp ý: "Tôi thấy phim ảnh mình giờ cứ như Hồng Kông những năm 80 của thế kỷ trước, toàn thích chuyện giang hồ, xã hội đen".
Ông nhắc đến những hình ảnh chị Đại, anh Hai hào hiệp nhưng đầy bạo lực mà các bộ phim hiện nay hay làm. Ông nói: "Ngành văn hóa không duyệt thì họ tự làm, tự đăng trên youtube, web drama. Nào là anh Vi cá, chị Mười ba… Những hình ảnh ấy ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống, cách hành xử của giới trẻ".
"Hay như giang hồ mạng Huấn hoa hồng. Ở nhà các cháu có thể không nghe lời bố mẹ, nhưng anh Huấn hoa hồng nói lại nghe, xem Huấn hoa hồng như thần tượng, trong khi không phải cái gì anh ấy nói cũng đúng", ông Báu tiếp lời.
Tiến sĩ Báu phân tích, như trong vụ băng nhóm áo cam, nhiều em chẳng được lợi lộc gì mà vẫn tham gia, chủ yếu là bạn bè rủ rê, lấy số, lấy oai với nhau như trong phim rồi dẫn đến hành vi phạm tội.
Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng cũng đồng ý với góc nhìn này. Ông đề nghị các bậc phụ huynh cần kiểm soát các kênh mạng mà con em mình theo dõi. Bởi trên mạng có rất nhiều phim ảnh, clip ngắn của những nghệ sĩ, người mà các em yêu thích nhưng lồng ghép nhiều nội dung hành xử bạo lực, các em có thể bắt chước.
Trẻ phạm tội hầu hết đều đã nghỉ học
Phát biểu tại buổi tọa đàm, tiến sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An góp ý kiến các ban ngành nên xem xét thêm từ góc độ tâm lý lứa tuổi. Bởi tuổi vị thành niên là tuổi nổi loạn, dễ xúc động trong khi nhận thức chưa chín chắn dễ dẫn đến những hành vi không phù hợp.
Ông kể lại một ca mình từng tư vấn: "Có trường hợp thế này, một bạn đứng im cho một bạn tát đến khi hộc máu mũi. Tôi hỏi "sao không chạy?", bạn này trả lời "có 20 bạn xung quanh quay live trên điện thoại. Em mà quay lưng chạy thì nhục lắm!".
Tiến sĩ Hòa An ấn tượng với câu nói của em học sinh này: "Thà em bị ăn đục chứ không chịu nhục!". Ông cho rằng, ở tuổi này, "cái tôi" của các em lớn lắm, dễ làm những chuyện mà người lớn khó giải thích khi bị áp bách, khiêu khích… Do đó, gia đình và nhà trường hiểu tâm lý, quan sát kỹ từng trẻ để phát hiện vấn đề và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo tiến sĩ Đoàn Văn Báu thì tâm lý lứa tuổi là chuyện muôn thuở. Ông nói: "Dù 100 năm sau nữa thì tâm lý lứa tuổi sẽ vẫn như vậy. Tuy nhiên, sự thay đổi của xã hội hiện nay ảnh hưởng nhiều hơn đến tâm sinh lý, phát triển của trẻ".
Theo ông, với các tiến bộ công nghệ và mạng xã hội phát triển như hiện nay, giới trẻ có điều kiện tiếp thu kiến thức quá nhanh. Trong khi các kiến thức trên internet chưa được chọn lọc, chưa chắc là đúng nhưng được các em tiếp nhận, tạo nên suy nghĩ lệch lạc.
Ông Báu nói: "Trên mạng, giang hồ thì thích làm nghệ sĩ, nghệ sĩ lại thích làm giang hồ. Các giá trị đảo lộn hết cả!".
Và theo tiến sĩ Đoàn Văn Báu, "cuộc chiến" hiện nay là "cuộc chiến" đẩy lùi những luồng thông tin xấu, độc hại, phiến diện từ các kênh thông tin không chính thống. Theo ông, cơ quan chức năng cần xử lý các thông tin xấu và cần sự vào cuộc của các kênh truyền thông chính thống như báo chí, có như vậy mới giải quyết được phần gốc của vấn đề.
"Tôi có cảm giác là các kênh truyền thông chính thống đang yếu thế so với mạng xã hội, để các em bị các kênh độc hại lôi kéo. Cần có biện pháp để tăng cường luồng thông tin chính thống, đẩy lùi những thứ độc hại mới mong hạn chế được suy nghĩ lệch lạc của trẻ", ông Báu tâm tư.
Với vị trí là một người làm công tác điều tra phá án, thiếu tá Trịnh Khánh Hùng lại cung cấp một thống kê: Từ năm 2018 đến hết quý I/2021, toàn TPHCM ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện, truy bắt 884 đối tượng. Trong 884 đối tượng trên lại có đến 553 đối tượng đã bỏ học, chiếm tỷ lệ 71,44%.
Theo thiếu tá Hùng, thống kê trên cho thấy, thiếu sự quan tâm và quản lý của cả gia đình và nhà trường, những đứa trẻ hư dễ trở thành tội phạm.
Làm mọi cách để giữ trẻ ở lại trường học
Trở lại vụ con trai của ông Đinh Minh Phương đang học tại trường thì bị giang hồ xông vào bắt cóc, thầy Nguyễn Minh Trí, Phó hiệu trưởng trường THPT Đốc Binh Kiều (nơi xảy ra vụ việc) cho rằng nhà trường rất khó phát hiện kịp thời vụ việc như trên vì nhóm hành hung là đối tượng bên ngoài, nhà trường không kiểm soát được.
Thầy Trí băn khoăn: "Lúc nào thầy cô cũng tư vấn các em chọn bạn mà chơi. Nhưng điều nhà trường băn khoăn nhất là thời gian các em không ở trường. Vì tại trường, nếu các em sa sút hay tâm lý gì thì nhà trường còn nắm được. Nhưng thời gian không học tại trường, các em có tụ tập, gặp gỡ bạn bè xấu… thì rất khó kiểm soát".
Do đó, thầy Nguyễn Minh Trí cho rằng phụ huynh cũng cần phụ nhà trường quan sát các em, chủ động nắm bắt bất thường của con để báo với nhà trường, cùng nhau giải quyết.
Đồng thời, thầy Trí cũng đề nghị các ban ngành liên quan như công an cũng cần phối hợp tốt với nhà trường, thường xuyên lên danh sách các em học sinh có vấn đề ngoài xã hội, những đối tượng tệ nạn có liên quan đến học sinh trong trường để nhà trường chủ động ứng phó.
Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ nhằm hạn chế các hành vi phạm tội liên quan đến học sinh, những vụ bạo hành học đường... Còn ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GDĐT TPHCM, lại chú trọng đến giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề tội phạm vị thanh niên.
Ông Trọng cho rằng: "Công tác phổ cập giáo dục rất quan trọng. Phải giữ được các em trong trường để dạy và học!".
Theo ông, chính các kết quả từ công tác phổ cập ở nhà trường và các cấp học đang góp phần ngăn chặn trẻ hóa tội phạm. Các số liệu thống kê cũng đã cho thấy người trẻ phạm tội phần lớn là đã nghỉ học, bỏ học…
Ông nói: "Nếu giữ được học sinh trong nhà trường thì chính là cơ hội để ngăn chặn tối đa nguy cơ tội phạm trẻ hóa".
Ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ GDĐT cũng đồng tình với ý kiến này. Theo ông, ngành giáo dục từ nhiều năm qua đã có những giải pháp tốt, mô hình hay để góp phần vào công tác ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên.
Ông Đạt chia sẻ: "Ngành giáo dục xác định có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Đạo đức lối sống xuống cấp; Thiếu hiểu biết pháp luật; Coi thường pháp luật. Từ đó, ngành giáo dục có nhiều chương trình tập trung giải quyết 3 nguyên nhân nói trên".
Đồng thời, ông Đạt cũng cho biết Bộ GDĐT đã nghiên cứu và sắp tới sẽ không còn hình phạt đuổi học hay đuổi học có thời hạn đối với học sinh vi phạm. Bởi việc này cũng giống như đẩy trẻ hư mà nhà trường không giáo dục được ra xã hội, và như vậy trẻ dễ phạm tội.
Theo ông, hình phạt đuổi học có thể thay đổi thành tạm dừng việc học trên trường có thời hạn, tức là không học tập trung cùng các bạn trên lớp như trước, có thể thay thế bằng các hình thức giáo dục khác, thậm chí là hình thức giáo dục 1 thầy kèm 1 trò đối với các học sinh vi phạm.
Ông Trần Văn Đạt nhấn mạnh: "Cố giữ các em trong môi trường học tập để giáo dục, không đẩy trẻ ra đường".