Khi cha mẹ không để con trưởng thành!

(Dân trí) - Mỗi kỳ thi, chúng ta lại chứng kiến cảnh cha mẹ gác mọi việc theo chân con đi thi, chăm con từng miếng ăn, giấc ngủ. Nhiều em muốn đi thi một mình thì cũng bị cha mẹ ngăn cản quyết liệt. Cha mẹ nào cho con tự đi thi thì ở nhà lo lắng không nguôi.

Nỗi lo đó từ đâu? Do các bạn trẻ Việt Nam thiếu khả năng tự lập hay do cha mẹ Việt muốn bao bọc con lâu dài? Có lẽ cả hai và cả hai nguyên nhân này bổ sung, củng cố cho nhau. Vì cha mẹ bao bọc nên con thiếu tự lập, thấy con lớn dần và thiếu tự lập, cha mẹ lo lắng hơn và lại tiếp tục bao bọc. Chính thế nên nhiều bạn trẻ chỉ lớn về thể xác mà không trưởng thành về tinh thần.

Khi cha mẹ không để con trưởng thành!
Nhiều bậc cha mẹ yêu thương con vô cùng và thể hiện bằng việc theo sát cuộc đời con. (Ảnh: Hoài Nam) 

Sát nhà tôi có cô bé năm nay học lớp 11 là con gái duy nhất trong nhà. Ba mẹ của em ngoài 40 tuổi mới kết hôn và sinh ra em nên dù nhà không khá giả nhưng vẫn cưng chiều con rất mực. Khi em đến tuổi đi học, một ngày có bao nhiêu lớp học chính, học thêm, gần hay xa, ba em đều đưa đón.

Lớp 11, em không biết đi xe đạp, không biết nấu cơm, giặt quần áo, rửa chén thì không sạch. Chuẩn bị lên lớp 12 và thi đại học, ba mẹ em lo lắng việc em có thể lên Sài Gòn học thì không biết cách tự chăm sóc nên cũng muốn em tự lập hơn.

Đáng tiếc 17 năm qua, em gần như phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ nên bây giờ buông ra thì em cương quyết không chịu, bảo tập chạy xe đạp, xe máy, em từ chối vì sợ té, bảo học nấu ăn thì em sợ bỏng, làm cháy nhà.

Kết quả, hiện tại, cô chú đang tính đến phương án, em đậu đại học thì chú đi theo để chăm sóc. Tôi không thể đoán được bao giờ em có thể tự lập. Có thể là không bao giờ với cách bao bọc con đó của cô chú.

Tôi cũng biết bao lần phải nhận lời tư vấn cho các bạn trẻ về việc xung đột với cha mẹ trong các lựa chọn học hành, ngành nghề, công việc, bạn bè, tình yêu, hôn nhân. Gần đây, một em sinh viên nữ tốt nghiệp xuất sắc, thủ lĩnh sinh viên năng động nhưng vừa ra trường đã bị bố mẹ cương quyết bắt về quê làm việc, bố mẹ tự cầm hồ sơ của em chạy mấy trăm triệu để vào một vị trí ở một cơ quan "ngon lành" với mục tiêu: Vào đấy, toàn con cái ông to, mày sẽ lấy được chồng tử tế, bố mẹ tính cả rồi. Em khóc hết nước mắt vì không thể thuyết phục nổi bố mẹ.

Tôi nhận ra nhiều cha mẹ Việt yêu thương con vô cùng nhưng cách thể hiện tình yêu thương con bằng việc tham gia quá nhiều vào cuộc đời của con mình, điều khiển cuộc đời con cái theo mong muốn của họ lại khiến con cái của họ bất mãn. Lý do rất đơn giản, xét về mặt tâm lý, phần đông chúng ta đều có nhu cầu tự chủ, tự khẳng định bản thân.

Bị ép buộc làm điều trái ý thích của mình luôn là một sự "tra tấn tinh thần" khủng khiếp dù sự ép buộc đó xuất phát từ mục đích tốt đẹp. Chưa kể, sự bao bọc khiến con của họ gần như không có khả năng để đương đầu với khó khăn, không có sức đề kháng với các tác động xấu nên nếu cha mẹ sơ hở chút ít, lơi con ra thì đứa trẻ lại rất dễ "hỏng".

Một sinh viên nữ khác của tôi từ một đứa con ngoan ngoãn luôn được cha mẹ bọc trong môi trường "vô trùng" tới khi vào đại học, lên thành phố, gặp một bạn trai ăn chơi sành điệu rủ rê thì em bỏ học, bỏ nhà theo bạn, bố mẹ khóc hết nước mắt, em vẫn dửng dưng.

Sự bao bọc cũng khiến đứa trẻ cho mình là trung tâm của vũ trụ, muốn gì được nấy, thích gì làm nấy, thiếu kỷ luật, thiếu trách nhiệm với bản thân và cả những người xung quanh. Trong quyển sách "Con cái chúng ta đều giỏi", nhà giáo dục Adam Khoo đã dẫn chứng về kiểu bố mẹ nuông chiều con quá mức và kết quả là đứa trẻ phạm tội phải vào tù. Câu chuyện này không hề hiếm trong xã hội hiện tại.

Cha mẹ nào trên thế giới cũng yêu thương con, chỉ có cách yêu thương là khác nhau. Như Sara - tác giả quyển sách dạy con nổi tiếng "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương" đã so sánh: tình yêu thương con của người mẹ Trung Quốc (đại diện cho cả phương Đông) hình tử cung tức họ luôn muốn bao bọc con mình, hậu quả là trở thành nô lệ cho chính con.

Tình yêu thương con của người mẹ Do Thái hình ngọn lửa, hun đúc con mình trở thành những người mạnh mẽ, nhưng cũng rất ấm áp tình cảm. Bằng cách yêu thương nhưng vẫn nghiêm khắc rèn cho con sự tự lập mà cả ba người con của Sara đều thành người thành đạt, đáng trân trọng hơn, cả ba đều hiếu thảo, biết cách quan tâm người xung quanh và có trách nhiệm với cộng đồng. Bởi vậy, ngày nay, yêu thương con tốt nhất không phải là bao bọc lấy con mà là hướng dẫn cho con cách để con tự đương đầu với cuộc sống, để rồi cha mẹ có thể tự tin, thanh thản nhìn con trưởng thành.

ThS Nguyễn Thị Thu Huyền
Giảng viên khoa Khoa học Giáo dục - Đại học Sư phạm TPHCM
 
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!