Khi bác sĩ trở thành giáo viên tình nguyện

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Trong căn phòng 20m2 ở Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh Nghệ An, cứ mỗi ngày có một lớp học đặc biệt. Ở đó, người đứng lớp là các y, bác sĩ với mong muốn bù đắp một phần thiệt thòi cho các em.

Lớp học đặc biệt này có tên gọi khá thân thiện: "Chắp cánh ước mơ". Lớp học được tổ chức hơn 3 tháng nay tại Trung tâm huyết học truyền máu tỉnh Nghệ An. Các "thầy, cô giáo" của lớp học này chính là các y, bác sĩ và các tình nguyện viên tại Trung tâm huyết học truyền máu tỉnh Nghệ An đứng lớp.

Còn học sinh của lớp chính là những em nhỏ đang điều trị bệnh tại Trung tâm. Lớp học hiện có khoảng 20 học sinh, mỗi ngày lớp học được tổ chức từ học từ 19h-21h, khi các bác sĩ "nhàn" việc.

Khi bác sĩ trở thành giáo viên tình nguyện - 1

Ở Trung tâm có 25 em nhỏ đang độ tuổi đi học.

Khi bác sĩ trở thành giáo viên tình nguyện - 2

Do thời gian điều trị dài ngày, các em nhỏ phải lở dở việc học trên lớp nên các y bác sỹ tại Trung tâm đã mở lớp để các em nhỏ có thể ôn, luyện bài.

Với mong muốn giúp các em không quên con chữ trong quá trình điều trị dài ngày tại Trung tâm, không được hưởng cảm giác ở trường lớp, không phải bỏ lỡ những buổi học cùng chúng bạn ở quê. Ban đầu lớp chỉ hướng đến các em nhỏ có thời gian điều trị dài ngày ở Trung tâm, về sau có nhiều người lớn tuổi chưa biết chữ cũng tham gia.

Thấy các em ngồi chăm chú với con chữ, bảng tô không chỉ phụ huynh mà các bác sĩ, tình nguyện viên cũng thấy ấm lòng. 

"Thời gian buổi học diễn ra khoảng 2 giờ vào mỗi tối, nhưng cháu rất háo hức, cứ mong đến tối để đi học", bác sĩ Phạm Quốc Hội - Trưởng khoa bệnh máu Tổng hợp 2 (Trung tâm huyết học truyền máu) cho biết.

Khi bác sĩ trở thành giáo viên tình nguyện - 3

Do có nhiều độ tuổi nên các bác sỹ, điều dưỡng sẽ kèm cặp từng em nhỏ riêng để dạy học, luyện chữ theo chương trình học của các em.

Khi bác sĩ trở thành giáo viên tình nguyện - 4

Ngoài các y bác sỹ trong trung tâm, những thầy cô giáo tình nguyện cũng được mời đến để dạy thêm cho các em nhỏ.

Em Vi Thanh Nhật (16 tuổi) quê xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương đang điều trị chứng bệnh tan máu bẩm sinh tại Trung tâm và cũng thuộc diện "anh cả" của lớp tâm sự: "Mỗi năm em phải vào Trung tâm điều trị từ 6-7 lần, mỗi lần thường kéo dài từ 10-12 ngày. Dù vậy, em tự sinh hoạt và điều trị 1 mình, bố mẹ không thể chăm em", Nhật tâm sự.

"Ở đây, ngoài được điều trị bệnh, em xem như nhà của em, các y bác sĩ rất thương. Không những thế, mỗi tối em lại được anh chị dạy thêm kiến thức, bổ túc những bài toán và kỹ năng sống mà em bị thiếu hụt do phải đi điều trị bệnh", Nhật tâm sự thêm. 

Riêng đợt điều trị lần này, Nhật vào từ hôm mùng 6 Tết đến nay vẫn chưa về nhà.

Khi bác sĩ trở thành giáo viên tình nguyện - 5

Được sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ của các bác sỹ, điều dưỡng nên những em nhỏ thấy vui hơn trong quá trình điều trị bệnh.

Do bị bệnh Hemophilia, nên Nguyễn Văn Vinh (SN 2011) luôn được một bác sĩ bế tới lớp học. Lần đầu, em rất rụt rè nhưng với cách dạy truyền cảm của các y bác sĩ cũng như anh chị tình nguyện viên, Vinh cứ mong mỗi tối để được đến lớp.

Bác sĩ Nguyễn Đình Khuê - Giám đốc Trung tâm huyết học - Truyền máu tỉnh Nghệ An, lớp học "Chắp cánh ước mơ" ra đời xuất phát từ mong muốn của nhiều bệnh nhi khi vắng lớp dài ngày. Biết được điều đó, Trung tâm đã phối hợp các cô giáo trên địa bàn và một nhóm thiện nguyện mở lớp dạy cho các bé ngay tại khoa vào mỗi tối.

Khi bác sĩ trở thành giáo viên tình nguyện - 6

Lớp học tuy nhỏ nhưng ấm cúng.

Khi bác sĩ trở thành giáo viên tình nguyện - 7

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, các em nhỏ trong lớp đã chuẩn bị lẵng hoa tặng các bác sỹ, điều dưỡng là thầy cô giáo dạy dỗ mình.

Để có bàn ghế, sách vở, đồ dùng, loa máy… các bác sĩ đã kêu gọi hỗ trợ từ các bác sĩ đang làm việc tại Trung tâm cũng như kêu gọi sự hỗ trợ bên ngoài. Đơn cử như 10 bộ bàn ghế được một giáo xứ trên địa bàn ủng hộ, sách vở, bút mực là do các y, bác sĩ trong Trung tâm đóng góp. Cứ như thế, lớp học dần dần đủ đầy các dụng cụ cần thiết.

"Bên cạnh bổ túc văn hóa, dạy chữ. Tại lớp học "Chắp cánh ước mơ" còn là nơi để đội ngũ y, bác sĩ mong muốn giúp tâm trạng của các con luôn được thoải mái, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị, gắn kết giữa bác sĩ và bệnh nhân. Để mỗi lần thăm khám, các em có cảm giác ấm áp, tạo môi trường gần gũi. Đó cũng là nền tảng tự tin cho các em khi tiếp xúc môi trường mới", bác sĩ Hội cho biết thêm.                                                              

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm