Khẩu hiệu sinh viên trường ĐH Y Hà Nội ở tâm dịch: "Tất cả cho tiền tuyến"

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Thầy trò Trường Đại học Y Hà Nội một lần nữa, tạm xếp bút nghiên lên đường ra tiền tuyến. Quyết định cử đi, không đề ngày trở về, hẹn khi chiến thắng dịch, cuộc sống của người dân trở lại bình an".

Trên đây là đôi lời tâm sự trong bức tâm thư của GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Hà Nội, gửi đến sinh viên, giảng viên của trường đang lên đường chi viện cho tuyến đầu chống dịch ở Bắc Ninh.

"Tiền tuyến" giờ là tuyến đầu chống dịch

Đến thời điểm này, Trường Đại học Y Hà Nội đã có 3 đợt ra quân, với 150 sinh viên và giảng viên, tình nguyện chi viện tỉnh Bắc Ninh phòng chống dịch Covid-19.

Trong bức thư gửi đội ngũ sinh viên và giảng viên của trường trong những ngày đại dịch, GS.TS Tạ Thành Văn chia sẻ, ngành Y tế Việt Nam và Trường Đại học Y Hà Nội đang trải qua giai đoạn lịch sử hết sức đặc biệt. Đó là chống chọi lại với sự hoành hành của đại dịch Covid-19 trên toàn quốc, với nhiều đợt dịch kế tiếp nhau, đợt sau phức tạp hơn đợt trước.

Khẩu hiệu sinh viên trường ĐH Y Hà Nội ở tâm dịch: Tất cả cho tiền tuyến - 1

GS. Tạ Thành Văn trò chuyện với sinh viên trong đợt ra quân lần thứ 3 chi viện cho tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 tại Bắc Ninh. 

Khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến" mà các thầy cô ở thế hệ chúng tôi, hoặc trước nữa thường được nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng của những năm 60, 70 của thế kỷ trước, giờ đây lại được nhắc lại.

Chỉ có khác một điều, "Tiền tuyến" trước kia là chiến trường, còn bây giờ là tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Hai cụm từ khác nhau về thời gian, địa điểm, lĩnh vực, song mức độ căng thẳng và hiểm nguy, cũng như tác động nó đến sự phát triển của mỗi quốc gia, không khác biệt nhau nhiều.         

"Thầy và trò Trường Đại học Y Hà Nội lại một lần nữa, tạm xếp bút nghiên lên đường ra tiền tuyến. Quyết định cử đi, không đề ngày trở về, hẹn khi chiến thắng dịch, khi cuộc sống của người dân trở lại bình an.

Trong đợt dịch này, chỉ trong vòng 10 ngày, Trường Đại học Y Hà Nội đã cử 3 đợt với gần 150 tình nguyện viên gồm cả thầy và trò.

Tất cả lên đường với trách nhiệm xã hội cao nhất, xung phong đi vào tâm dịch ở Bắc Ninh hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Mỗi lần tiễn đưa là mỗi lần xúc động tràn đầy trong lòng các thầy cô và các bạn ở lại", bức thư có đoạn viết.

Khẩu hiệu sinh viên trường ĐH Y Hà Nội ở tâm dịch: Tất cả cho tiền tuyến - 2

GS Tạ Thành Văn tiễn sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội ra "tiền tuyến" chống dịch. 

"Nhìn sinh viên cực khổ trong bộ đồ bảo hộ, xúc động vô cùng"

GS Tạ Thành Văn cũng chia sẻ trong thư, để tiếp sức cho cuộc chiến đấu với đại dịch, Ban Lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội đang gấp rút tiếp tục triển khai các khóa đào tạo kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch trong cộng đồng cho sinh viên và học viên trong toàn trường, để duy trì được lực lượng dự bị với khoảng trên 400 em, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất kỳ khi nào khi ngành Y tế cần.

Bên cạnh đó, các giảng viên, nghiên cứu viên trong toàn trường, dưới 35 tuổi phải tham gia các khóa đào tạo bắt buộc về kiến thức, kỹ năng tổ chức quản lý và đào tạo phòng chống dịch để sát cánh cùng các em sinh viên, học viên sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến trên mọi mặt trận phòng chống dịch: điều tra dịch tễ, truy vết, tổ chức lấy mẫu, triển khai xét nghiệm, tham gia điều trị lâm sàng…

Chúng ta đồng lòng, sát cánh bên nhau với niềm tin vào sự chiến thắng của ngày mai.

Trao đổi với PV Dân trí, GS Tạ Thành Văn cho hay, hình ảnh những sinh viên hay nhân viên y tế lả đi vì kiệt sức ở tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh trong những ngày nắng nóng vừa qua, khiến mình rất xúc động.

"Tình hình dịch căng thẳng, nhiều tấm gương chống dịch quên mình mà thầy trò vẫn xung phong ra phía trước nên tôi có đôi lời động viên từ tấm lòng", GS Tạ Thành Văn cho hay.

Cũng theo GS Văn, nói "không hẹn ngày về", song thực tế kết thúc 2 tuần, các tình nguyện viên phải làm đơn tình nguyện nếu muốn ở lại.

Còn em nào vì lý do gì đó không thể ở lại được, nhà trường sẽ đón các em về và vẫn được trường tôn vinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Khẩu hiệu sinh viên trường ĐH Y Hà Nội ở tâm dịch: Tất cả cho tiền tuyến - 3

"Tôi nhớ khuôn mặt rạng ngời của các em khi được tuyển chọn lên tuyến đầu chống dịch, ai cũng vui tươi dù làm việc rất vất vả", GS Văn nói. 

Được biết, nhà trường sẽ ưu tiên sinh viên năm cuối đến tuyến đầu chống dịch. Hiện các sinh viên đang giai đoạn nghỉ hè, phần đa các em tình nguyện đều đã kết thúc năm học nên không ảnh hướng đến học tập. Một phần nhỏ sinh viên bảo vệ khóa luận tốt nghiệp online.

"Tôi nhớ khuôn mặt rạng ngời của các em khi được tuyển chọn lên tuyến đầu chống dịch. Tôi đã đến ăn cơm trực tiếp với các tình nguyện viên của trường tại Bắc Ninh, ai cũng vui tươi dù hàng ngày làm việc rất vất vả, làm việc bất kể giờ giấc nào.

Trong những ngày nắng nóng, biết các anh chị em giảng viên và sinh viên phải mặc bộ đồ bảo hộ rất cực khổ, tôi xúc động vô cùng.

Đặc biệt, có lẽ đây là cơ hội rất đáng quý trong cuộc đời mỗi sinh viên trường Y, các em có thể tìm hiểu được y tế địa phương, tương tác với người bệnh, người dân, đó là điều không dễ gì có được", GS Văn nói.

Được biết trước đó, chiều 19/5, lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội do GS.TS.BS Tạ Thành Văn làm trưởng đoàn, đã lên đường đi tiền trạm khảo sát, trao đổi và thảo luận với Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh về nhu cầu cần thiết của tỉnh Bắc Ninh trong công tác phòng chống dịch hiện nay như thế nào? Cần chuyên gia hỗ trợ chống dịch theo nhóm lĩnh vực nào? Từ đó Trường Đại học Y Hà Nội có giải pháp hỗ trợ hiệu quả.

GS Văn cho hay, đến thời điểm này, Trường Đại học Y Hà Nội đã xét nghiệm khoảng 12.000 mẫu cho tỉnh Bắc Giang. Các đội xét nghiệm làm 3 ca, 24/24h.

Riêng đối với tỉnh Bắc Ninh, ĐH Y Hà Nội được giao phụ trách huyện Yên Phong, từ khâu lấy mẫu, xét nghiệm và truy vết.

Theo đó, các mẫu xét nghiệm được lấy và gửi về ĐH Y Hà Nội trong ngày để xét nghiệm ngay. Các kết quả này được trả về online cho địa phương trong vòng 24h để có phương án kịp thời trong các công tác chống dịch kế tiếp.