Khách hàng thực sự của nhà trường chính là các doanh nghiệp

(Dân trí) - Các trường đại học, xem sinh viên như "khách hàng" của mình vì họ trả tiền để mua dịch vụ giáo dục, nhưng thật ra khách hàng thực sự của nhà trường chính là các doanh nghiệp, vì các doanh nghiệp mới là nơi sử dụng những sản phẩm mà nhà trường tạo ra.

Đó là khẳng định của PGS.TS Phạm Thị Tuệ, trường ĐH Thương Mại trong bài viết: "Định hướng giải pháp cho các trường đại học thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm".

Nói về trường đại học cần thay đổi gì để đáp ứng với yêu cầu tự chủ, theo PGS.TS Phạm Thị Tuệ, việc chuyển sang kinh tế thị trường, việc gia nhập WTO với các cam kết mở cửa dịch vụ (trong đó có giáo dục) và sự tham gia của khu vực tư nhân vào thị trường giáo dục đã và đang đặt ra một áp lực cạnh tranh đòi hỏi các trường đại học phải thay đổi, nhất là khi ngân sách nhà nước cấp ngày càng co hẹp.

Những trường muốn đổi mới để thích ứng với bối cảnh này vấp phải những hạn chế trong chính sách, quy định, vốn không kịp thay đổi cho phù hợp, bởi thế họ có nhu cầu phải có thêm quyền tự quyết để có thể thực hiện được những sáng kiến đổi mới. Tuy nhiên, do sống quá lâu trong cơ chế "Bộ chủ quản" nên các trường còn rất bỡ ngỡ khi thực hiện cơ chế tự chủ.


Thay đổi lối làm, cầm tay chỉ việc, trường đại học ngày nay cần dạy người ta cách tự vẫy vùng trong biển kiến thức

Thay đổi lối làm, cầm tay chỉ việc, trường đại học ngày nay cần dạy người ta cách tự vẫy vùng trong biển kiến thức

Nhiệm vụ chủ đạo của các trường là nhằm thu lại những giá trị phi tài chính, những giá trị về trí tuệ

Có lẽ bài toán nan giải đối với các trường đại học Việt Nam là mối quan hệ giữa tự chủ học thuật và tự chủ tài chính: ngân sách hạn hẹp nhưng đòi hỏi các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo cùng với mức lương trả cho giảng viên linh hoạt hơn để tránh "chảy máu chất xám".

Nhà trường cần đảm bảo tự chủ tài chính trước khi bàn tới tự chủ về học tập hay tự chủ học thuật trước rồi mới tự chủ tài chính? Theo PGS.TS Tuệ cả hai lĩnh vực này có mối liên hệ mật thiết với nhau, đó là mối quan hệ mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài của tự chủ đại học.

Trong dài hạn, ở môi trường giáo dục có sự cạnh tranh, yếu tố đảm bảo bền vững về nguồn thu, về tài chính đó là uy tín, là thương hiệu của nhà trường, gắn với chất lượng đào tạo, gắn với sự đa dạng hóa trong phương thức và loại hình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bởi nhiệm vụ chủ đạo của các trường là nhằm thu lại những giá trị phi tài chính, những giá trị về trí tuệ và sự đóng góp vô hình vào sự phát triển của xã hội chứ không phải của doanh thu.

Theo Brancato (1995), giá trị tài chính trong giáo dục đại học được nhìn nhận dưới góc độ; quy mô đào tạo, sự hài lòng của sinh viên, phụ huynh đối với nhà trường, sự tận tụy của giảng viên đối với nhà trường; khả năng thích ứng với tình hình mới và sáng tạo của giảng viên, số lượng bài báo và công trình NCKH, chuyển giao công nghệ; các mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với các trường đại học trong và ngoài nước, với các tổ chức quốc tế và đặc biệt là uy tín và hình ảnh của trường đối với doanh nghiệp.

Vì thế công việc đầu tiên cần làm là rà soát lại chương trình đào tạo và thay đổi chúng để phù hợp với bối cảnh hiện nay, dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng số.

Trường đại học phải thay đổi cách truyền thụ tri thức

PGS.TS Phạm Thị Tuệ cho biết, hiện nay, đối với việc đào tạo, đại học không còn là nguồn cung cấp kiến thức duy nhất hay chủ yếu như xưa nữa. Kiến thức và thông tin tăng với cấp số nhân và có thể tiếp cận rất dễ dàng, với chiếc điện thoại thông minh có nối mạng, con người có thể tìm được vô vàn thông tin và kiến thức, và đặc biệt có thể dạy và học ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Giờ đây, người ta có thể theo học các khóa học trực tuyến của các trường đại học trên thế giới rất dễ dàng và chi phí rất rẻ mà không cần đến trường.

Tiến bộ công nghệ đã làm thay đổi bức tranh thị trường lao động, lao động giản đơn đã có robot đảm nhiệm, vì thế những người không có kỹ năng cao sẽ mất việc và ngày càng bị đẩy ra bên lề.

Thị trường chủ yếu vẫn còn những việc đòi hỏi lao động trí tuệ và sáng tạo ở trình độ cao hoặc lao động trong lĩnh vực dịch vụ.

Vì thế, giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, phải thay đổi từ chỗ truyền thụ tri thức thành rèn luyện tư duy, kỹ năng tự học, năng lực giao tiếp và thái độ sống. Điều này đòi hỏi tái cấu trúc chương trình và thay đổi phương pháp giảng dạy.

Thay đổi lối làm, cầm tay chỉ việc, trường đại học ngày nay cần dạy người ta cách tự vẫy vùng trong biển kiến thức, học cách đánh giá và xử lý thông tin. Không cần nhấn mạnh khối lượng kiến thức truyền thụ bởi các phương tiện trực tuyến hiện nay đã quá phổ biến và dễ dàng. Không có lý do gì nhà trường mất thời gian dạy cho sinh viên những gì họ có thể tự tìm kiếm được trên Internet.

PGS.TS Phạm Thị Tuệ cho rằng, cần phải đầu tư thực sự cho việc cải thiện chương trình đào tạo, dựa trên đòi hỏi của thế giới việc làm và đặc biệt là dựa trên tinh thần trân quý vốn liếng quan trọng nhất của người học là thời gian. Cần nhiều cách làm sáng tạo, ví dụ môn học nào thực sự là kiến thức thuần túy, thì có thể cho học qua mạng. Sinh viên phải tự học trước khi đến lớp, thời gian ở lớp là thảo luận và làm việc nhóm.

Rào cản lớn nhất của hợp tác trường đại học và doanh nghiệp hiện nay là sự thiếu hụt thông tin

PGS.TS Phạm Thị Tuệ cho rằng, các nhà trường cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp. Các trường đại học, xem sinh viên như "khách hàng" của mình vì họ trả tiền để mua dịch vụ giáo dục, nhưng thật ra khách hàng thực sự của nhà trường chính là các doanh nghiệp, vì các doanh nghiệp mới là nơi sử dụng những sản phẩm mà nhà trường tạo ra.

Ở Việt Nam hiện nay, việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp đang đóng vai trò "săn bắt" hơn là "nuôi trồng" nguồn nhân lực trong tương lai. Rào cản lớn nhất của hợp tác trường đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt thông tin từ 2 phía, thiếu đầu mối trong liên lạc hợp tác.

Theo đó, để gắn kết, nhà trường cần phát huy vai trò của trung tâm quan hệ với doanh nghiệp, giúp quản lý hoạt động hợp tác được thống nhất, bảo đảm tính chuyên môn hóa và hiệu quả quản lý. Trung tâm quan hệ với doanh nghiệp không thể hoạt động độc lập mà phải kết hợp chặt chẽ với mạng lưới cán bộ quản lý, giảng viên, cựu sinh viên.

Theo PGS.TS Tuệ, nhà trường cần xây dựng các chính sách quy định chung về các hình thức, nội dung, cơ chế hợp tác, chính sách đãi ngộ, biện pháp bảo đảm chất lượng trong các mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Tích hợp các nội dung hợp tác với doanh nghiệp trong các quy định chuyên môn và tài chính hiện hành.

Để chủ động tìm kiếm, hình thành, củng cố và phát triển mối quan hệ với các doanh nghiệp, nhà trường cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về mạng lưới cựu sinh viên.

Mạng lưới cựu sinh viên là thành phần cực kỳ quan trọng giúp nhà trường có nhiều cơ hội rõ rệt trong quá trình tìm kiếm các nguồn tài chính từ bên ngoài, cũng như xây dựng mối liên kết, tương tác với các doanh nghiệp.

Đồng thời, tạo ra đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp, mở rộng hợp tác về chuyển giao công nghệ và đào tạo theo nhu cầu của xã hội.

PGS.TS Tuệ cho rằng, các trường đại học cần kiến nghị với chính phủ có cơ chế tài chính khuyến khích sự hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp. Có thể thấy, chi phí dành cho giáo dục đào tạo của các doanh nghiệp rất thấp.

Vì vậy, có thể đề nghị nên tính cho doanh nghiệp một khoản chi phí từ 2 - 5% chi phí sản xuất để đầu tư cho giáo dục. Khoản chi phí này tính vào chi phí sản xuất và được trừ vào thuế. Các nước khác trên thế giới đều công nhận chi phí cho giáo dục và nghiên cứu khoa học là chi phí cho sản xuất và được miễn thuế.

Nhật Hồng (ghi)