Kết quả cuộc thi khoa học kỹ thuật: Bất ngờ lớn!
(Dân trí) - Giải quán quân của cuộc thi khoa học kỹ thuật phía Bắc năm nay vắng mặt hoàn toàn thí sinh các trường THPT Hà Nội mà thay vào đó là học sinh khối chuyên các trường đại học. Đặc biệt hơn cả là sự góp mặt của ngôi trường nhiều truyền thống tỉnh vùng cao Hòa Bình.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho các nhóm đoạt giải Nhất.
Sau vòng chấm thi lĩnh vực, trong tổng số 205 dự án tham gia dự thi, Ban tổ chức đã chọn 118 dự án trao giải, trong đó có 16 giải nhất, 27 giải nhì, 37 giải ba và 38 giải khuyến khích. Ban giám khảo (BGK) đã chọn ra 43 dự án có kết quả cao tham gia vòng toàn cuộc thi.
Ở vòng toàn cuộc thi, BGK đã chấm và chọn 3 giải Nhất, 19 giải nhì, 21 giải ba. Trong 43 dự án thi vòng toàn cuộc thi, có 26 dự án đăng ký vòng sát hạch năng lực tiếng Anh. Nhiều nhóm học sinh đã thể hiện năng lực tiếng Anh khá tốt.
Trong số 19 giải nhì toàn cuộc thi, cậu học sinh “hạt tiêu” Nguyễn Văn Hoan cũng đã điền tên mình vào danh sách.
Phong trào nghiên cứu khoa học nở rộ ở bậc phổ thông
Đại diện cho BGK, PGS. TS Mai Sỹ Tuấn cho biết, năm nay là năm thứ 3 Bộ GD-ĐT tổ chức cuộc thi cấp quốc gia. Cuộc thi năm nay có quy mô lớn hơn năm ngoái, ở các tỉnh phía Bắc có tất cả 31 đơn vị dự thi, với 205 đề tài thuộc 14 lĩnh vực khoa học - kỹ thuật (trong 7 nhóm) và sự tham gia của 371 thí sinh. Nếu tính cả những vòng thi ở cấp trường, cấp tỉnh thì số lượng các bạn trẻ tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) là khá lớn - tạo nên một phong trào rộng rãi trong toàn quốc, và có thể đó là tiền đề cho hoạt động sáng tạo của tuổi trẻ.
Tuy vậy, thành công của cuộc thi không chỉ là số lượng đề tài mà là sự nhiệt tình, tính chủ động, sự say mê với NCKH của các em học sinh. Nhiều nhà khoa học cho rằng: chính sự nhiệt tình, tự tin của các em đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học, nhiều học sinh và nhiều dự án đem lại sự thích thú cho các thành viên BGK.
“Một điều minh chứng thêm cho sự nhiệt tình và tự tin của các em học sinh là cuộc thi năm nay có nhiều đề tài dự thi của học sinh THCS và nhiều đề tài đã đạt giải. Có 55 dự án của học sinh THCS (so với 150 dự án của THPT- chiếm 1/3 số lượng đề tài). Các em lớp 9 còn nhỏ tuổi và chưa được học nhiều kiến thức như các anh chị lớp 11 và lớp 12, nhưng đã “thách thức” các anh chị bằng sự sáng tạo của chính mình và nhiều em thành công” - PGS. TS Mai Sỹ Tuấn nói.
PGS.TS Tuấn cũng khẳng định, BGK cũng đã chấm đề tài của các em THCS cũng giống với các đề tài khác một cách công bằng, và đánh giá rất cao tính sáng tạo và ý nghĩa thực tiễn của các đề tài này.
Theo đánh giá của Hội đồng BGK, các đề tài của học sinh THCS thường bắt nguồn từ yêu cầu thực tiễn, từ cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn như, “Thiết bị cảnh báo gặp nạn trong nhà tắm, nhà vệ sinh”, “Thiết kế bàn học sinh hỗ trợ dạy - học tích cực”, “Thiết kế bàn học hỗ trợ giảm mắc tật cận thị cho học sinh”... Một số đề tài thể hiện ý tưởng “không có giới hạn”: “Rô bốt địa hình” của học sinh THCS, máy nhỏ nhưng chở được cả 2 tác giả ngồi lên trên; và ý tưởng lớn hơn là các đề tài có nhiều cái không như “Chế tạo xe điện không người lái, không vô lăng và không điều khiển từ xa”.
BGK cũng rất ấn tượng với các đề tài của các em thuộc dân tộc ít người đến từ các tỉnh vùng cao - Đề tài của các em mang tính thực tiễn và nhân văn rất cao vì nó được xuất phát từ cuộc sống của chính các em, của chính đồng bào dân tộc của em. Có thể đề tài còn đơn giản, nhưng lại là những gợi ý rất có ý nghĩa cho sự gắn kết giữa NCKH với thực tiễn. Đề tài “Giấy nháp đa năng” - giấy nháp nhưng lại có thể xóa, không phải mua mà có thể tự làm, lại có thể gấp vào trong sách và không bị để quên ở nhà, nếu cần có thể dùng để bọc lại sách. Đó là đề tài của học sinh người H’mông, trường THCS ở vùng rất xa xôi - Mù Căng Chải.
Tính nhân văn trong các dự án khá cao, khiến cho phần trình bày của các em đem lại những thiện cảm sâu sắc. “Gậy thông minh” dùng cho người khiếm thị; “Đèn giao thông thông minh” giúp giảm tai nạn giao thông; “Rô bốt ngư dân” để cho cha mẹ không phải lội xuống nước đánh cá, dọn rác...
PGS.TS Tuấn cũng cho hay, năm nay số lượng các đề tài xã hội và hình vi theo quan niệm của chúng tôi là những đề tài rất khó và mang tính nhân văn cao. Đề tài với tình yêu đất nước “Biển đảo Việt Nam và sự quan tâm của bạn” của học sinh Hải Phòng; “Hiểu biết về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...” của học sinh Hà Nội.
“Qua cuộc thi, chúng tôi thấy rõ sự nhiệt tình và công sức của các thầy cô giáo, phụ huynh và các nhà khoa học đã tham gia tư vấn và hướng dẫn các em. Phải nói với các em rằng, các em có được những người thày và người cô nhiệt tình với các em như vậy là một niềm hạnh phúc lớn. Sự tham gia của các nhà khoa học trợ giúp trong việc thực hiện ý tưởng của chính các em cũng là một thành công của cuộc thi” - PGS.TS Mai Sỹ Tuấn bày tỏ.
Đại diện thành viên BGK cũng cho biết thêm, trong tổng số 205 dự án dự thi có 43 dự án được lọt vào vòng 2, đó là những dự án có chất lượng cao thuộc cả 7 nhóm lĩnh vực nghiên cứu. Có cả dự án khoa học, dự án kỹ thuật và dự án về khoa học xã hội - hành vi.
Có rất nhiều dạng đề tài, nhưng BGK rất mong các cơ sở đào tạo hãy khuyến khích các em xây dựng các đề tài nghiên cứu xuất phát từ chính suy nghĩ của các em, sẽ đem lại nhiều điều lý thu đôi khi là thành công bất ngờ. Và như vậy sẽ đạt được mục đích là các em sẽ năng động hơn, tích cực và sáng tạo hơn.
Phần lớn các đề tài có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, thực hiện tiến trình nghiên cứu, ghi chép nhật trình và trình bày báo cáo khoa học theo đúng yêu cầu của một công trình khoa học. Đa số các dự án có tính sáng tạo ở mức độ khác nhau. Nhiều đề tài tiếp cận những vấn đề lớn có tính khái quát hoặc cần những kỹ thuật phòng thí nghiệm. Điều này giúp rèn luyện năng lực NCKH của các em.
Nhiều đề tài khoa học, và phần trình bày của nhiều em đã chú ý tới việc vận dụng kiến thức học được trên lớp vào NCKH. Nhìn chung các đề tài năm nay chuẩn bị khá công phu và đúng theo quy định của một công trình khoa học sự thi. Một số chuẩn bị rất công phu.
“Tuy vậy, cũng còn một vài hạn chế. Hạn chế lớn nhất của các đề tài là ý tưởng và nguyện vọng thì có, đối khi là ý tưởng khá lớn nhưng chưa có đủ thời gian, kiến thức và các điều kiện cần thiết để thực hiện ý tưởn của mình. Cũng vì vậy mà kết quả chưa thật rõ và đôi khi kết luận còn mang tính chủ quan” - PGS.TS Mai Sỹ Tuấn đánh giá.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: "Tất cả học sinh đều chiến thắng"
Phát biểu tại buổi lễ tổng kết và trao giải, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Trong khuôn khổ cuộc thi, Ban tổ chức đã tổ chức Hội thảo về “Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo KHKT trong trường trung học”. Hội thảo đã đánh giá hoạt động NCKH và tổ chức cuộc thi KHKT của các địa phương; xác định phương hướng thực hiện hoạt động NCKH của học sinh trung học trong thời gian tới để nâng cao chất lượng hoạt động này; đồng thời tổ chức giao lưu giữa nhưng học sinh đã dự thi cuộc thi quốc gia, quốc tế với các nhà quản lý, các thầy cô giáo và các em học sinh. Hội thảo đã thu hút hàng trăm nhà quản lý, nhà khoa học, các thầy cô giáo, các em học sinh tham dự.
Nói về cuộc thi, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ: “Cuộc thi ViSEF năm 2015 khu vực phía Bắc đã khép lại. Mặc dù có em đoạt giải và có em chưa đoạt giải, nhưng tất cả các em học sinh dự thi đều chiến thắng, vì chúng ta đã vượt lên chính mình, luôn khát khao vươn lên để đạt được tầm cao tri thức nhân loại”.
Ban tổ chức cho biết, đối với thí sinh đoạt giải thì Bộ GD-ĐT trao giải thưởng; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen; Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC tặng Giấy khen cho các dự án đạt giải lĩnh vực của cuộc thi. Bộ GD-ĐT trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho các dự án đạt giải Nhất, Nhì, Ba toàn cuộc thi.
Nguyễn Hùng