Kéo dài thời gian cuộc thi viết "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam"

Lệ Thu

(Dân trí) - Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cuộc thi viết "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" đã có quyết định số 374/QĐ-BTC sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy chế cuộc thi.

Theo đó, thời hạn nhận tác phẩm dư thi được kéo dài đến hết ngày 31/3/2022; bổ sung hình thức nộp bài dự thi qua đường thư điện tử tại địa chỉ hòm thư tk.gdnn@molisa.gov.vn của Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; bài gửi dự thi ghi rõ hình thức, thể loại dự thi. 

Thời gian trao giải Cuộc thi dự kiến vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/2022.

Cuộc thi viết "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phát động ngày 28/4/2021 nhằm khẳng định vai trò, giá trị của kỹ năng lao động trong đời sống kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, xã hội về vị trí vai trò của kỹ năng lao động; tạo sân chơi nghiệp vụ cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, các cá nhân, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông.

Kéo dài thời gian cuộc thi viết Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam - 1
Họp báo khởi động cuộc thi viết về kỹ năng lao động vào tháng 4/2021.

Nội dung các tác phẩm tham dự tập trung phản ánh vai trò của kỹ năng lao động trong đời sống xã hội, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội bền vững; vai trò của kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển kỹ năng lao động cho Việt Nam; các cá nhân, tập thể điển hình, xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất có kỹ năng nghề nghiệp cao; tôn vinh người lao động có kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp cao trong đời sống, lao động.

Tác phẩm tham dự gồm 4 loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình; với các thể loại: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bút ký báo chí, bài chân dung, giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu truyền hình. 

Đối tượng tham dự cuộc thi là các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí và các cá nhân quan tâm. Giải thưởng được xét theo từng loại hình báo chí.

Trước đó, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, nhà báo cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội giáo dục nghề nghiệp. Khẳng định vai trò và giá trị to lớn của kỹ năng lao động trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Tuyên truyền nhằm khẳng định vai trò của kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp trong hội nhập quốc tế.

Từ đó sẽ có thêm nhiều bài viết liên quan đến phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong việc tiếp nhận những thay đổi của khoa học công nghệ với cách mạng 4.0 trong một thế giới đang có biến đổi sâu sắc.

Cùng với đó, tiếp tục nhấn mạnh tuyên truyền việc giáo dục kỹ năng trong nhà trường, trong các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến. Đề xuất các cơ chế chính sách để phát triển kỹ năng lao động trong nước.

Bên cạnh việc tuyên truyền về kỹ năng lao động, báo chí cũng tập trung tôn vinh những người lao động giỏi, báo chí phải phát hiện và tôn vinh những người lao động có kỹ năng lao động, có nhiều kinh nghiệm trong lao động sáng tạo. Các cá nhân điển hình, xuất sắc trong học tập, lao động công tác...