Kế toán tự ý “nâng” bậc lương giáo viên; học sinh đội mũ bảo hiểm trong… lớp học
(Dân trí) - Kế toán tự ý nâng bậc lương giáo viên, “biển thủ” số tiền chênh lệch lên tới gần 300 triệu đồng; học sinh Hà Nội đội mũ “bảo hiểm” trong lớp học; cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm… là những sự kiện giáo dục được quan tâm tuần qua.
Chuyện thật như đùa: Học sinh Hà Nội đội mũ “bảo hiểm” trong... lớp học!
Câu chuyện ngỡ như đùa lại là thật, ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội. Có một ngôi trường mà nhiều năm nay, tất cả giáo viên, học sinh đang phải dạy và học trong sợ hãi khi những mảng vôi, vữa trần có thể rơi xuống đầu bất cứ lúc nào. Những chiếc mũ đóng vai trò như vật bảo hiểm có thể sẽ bất đắc dĩ trở thành quen thuộc với học sinh khi đang ngồi trong lớp, nơi vốn đáng ra là rất an toàn đối với các em. Không ít vụ rơi vữa xảy ra nhưng may mắn đúng thời điểm cả trường được nghỉ. Học sinh, giáo viên vô cùng lo lắng, bất an vì sợ một ngày nào đó, mình sẽ trở thành nạn nhân.
Để hạn chế nguy cơ rơi vữa, một biện pháp tình thế được nhà trường đưa ra là chọc những điểm bị rạn nứt có khả năng rơi lở. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn vẫn chưa thực sự được tuyệt đối. Khi Sở GD&ĐT Hà Nội đã có biên bản đánh giá nhiều phòng học tại đây không đảm bảo an toàn vì kết cấu công trình tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, tường trụ xuất hiện nhiều vết nứt lớn.
Phương án cải tạo xây mới trường này cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên, dù các thủ tục đã được hoàn tất cách đây gần 1 năm nhưng vì lý do chưa được UBND TP Hà Nội cấp kinh phí nên dự án cải tạo xây mới chưa biết đến bao giờ mới được triển khai. Trong khi chờ nguồn kinh phí đó, thì hàng ngày hơn 1.500 học sinh và thầy cô vẫn đang học bài trong nơm nớp lo sợ vì lở tường rơi vữa.
Dọa đuổi trò, cô giáo bị kỷ luật
Sự việc bắt đầu từ việc chị Nguyễn Thị Thủy, phụ huynh một học sinh lớp 2C Trường tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) chia sẻ bức xúc trên mạng xã hội chuyện giáo viên chủ nhiệm đuổi học con chị do "4 lần nói chuyện và 3 lần đứng dậy vì mỏi người". Tuy nhiên, cô giáo không thông báo với gia đình, còn con sợ không dám nói với bố mẹ nên ngày hôm sau chị vẫn đưa con tới trường rồi đi làm.
Thêm nữa, cô giáo còn có những hành động quát mắng con trước bạn bè trong lớp khiến con nằng nặc đòi chuyển trường, chuyển lớp vì xấu hổ…
“Đã có sự hiểu nhầm giữa giáo viên và phụ huynh. Cô chủ nhiệm không đuổi học mà chỉ dọa đuổi học sinh", Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Thành Công Phan Kim Anh nói trong buổi kết luận sự việc. Chủ nhiệm lớp 2C trong buổi làm việc với Ban giám hiệu và phụ huynh đã nhận lỗi không chủ động thông báo tình hình của học sinh với gia đình để cùng phối hợp giáo dục, dẫn đến "hiểu lầm đáng tiếc".
Về hình thức kỷ luật đối với cô giáo chủ nhiệm Lan Anh, Hiệu trưởng cho biết ban giám hiệu hạ bậc thi đua, ngoài ra nhà trường sẽ họp hội đồng, trình lên Phòng Giáo dục rồi mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng.
Cho thôi việc kế toán nâng "khống" lương cho 10 giáo viên
Sáng ngày 27/10, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết: Ngày 24/10, Hội đồng kỷ luật huyện đã họp, bỏ phiếu và đi đến quyết định buộc thôi việc đối với bà Nguyễn Thị Thu (SN 1976, kế toán Trường THCS Nghi Yên, huyện Nghi Lộc). Liên quan đến trách nhiệm quản lý, ông Nguyễn Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Yên bị hạ bậc lương.
Trong quá trình làm việc với Kho bạc Nhà nước huyện Nghi Lộc, bà Nguyễn Thị Thu thừa nhận đã tự ý nâng bậc lương trước thời hạn cho các giáo viên này. Khi tiền lương được chuyển về trường, bà Thu đã “ẵm” phần lương chênh lệch sau khi tự ý nâng lương cho 10 giáo viên kể trên. Các giáo viên vẫn nhận lương theo hệ số hiện tại. Theo kết luận thanh tra UBND huyện Nghi Lộc thì tổng số tiền mà bà Thu đã rút của ngân sách nhà nước bằng chiêu thức này từ năm 2015 đến thời điểm bị phát hiện là 296,8 triệu đồng.
Quá trình thanh tra, cơ quan chức năng huyện Nghi Lộc còn phát hiện trong thời gian nói trên, bà Thu đã “quên” chi 47,9 triệu đồng học phí bù lương cho các giáo viên trong trường mà dùng để chi tiêu cá nhân.
Sau khi sự việc bị phát hiện, bà Thu đã hoàn trả toàn bộ số tiền trên và bị cho thôi việc.
Nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm, cô giáo ngã khuỵu
Câu chuyện cô giáo Trương Thị Lan (Trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) khóc không thành tiếng khi cầm quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng nhận được nhiều quan tâm, tranh luận của dư luận tuần qua.
Cô Trương Thị Lan vào ngành ngày 5/9/1980. có 37 năm cống hiến, phục vụ dạy học trong bậc mầm non. Năm đóng bảo hiểm kể cả đóng lùi là 22 năm 8 tháng. Hệ số lương hiện hưởng đến ngày nghỉ hưu là 3,46. Đến ngày nghỉ hưu được hưởng số tiền 1.268 ngàn/tháng và được nhà nước cho bù thêm 32 ngàn đồng. Tổng cộng 1.300 ngàn đồng/tháng.
Với mức lương hưu như vậy, cô Lan không biết sẽ lấy gì để nuôi sống gia đình. Chồng cô Lan bị bệnh tiểu đường, một mắt bị hỏng, đau ốm nằm bẹp giường thường xuyên, vợ chồng và 4 đứa con từ trước tới nay đều trông vào lương mẹ.
Dư luận bày tỏ thắc mắc tại sao mức lương hưu của giáo viên có cống hiến nhiều năm lại thấp như vậy. Mức lương như vậy liệu có đúng quy định không? Cô Lan liệu có bị thiệt thòi?
Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho hay: "Mức lương hưu phụ thuộc vào quá trình đóng nộp bảo hiểm xã hội. Có những trường hợp không đủ mức lương tối thiểu thì theo quy định của Nhà nước vẫn phải đảm bảo mức lương tối thiểu là hệ số một với mức lương 1,3 triệu đồng. Mức lương như vậy là theo quy định chung của cả nước.
Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh số lượng giáo viên mầm non về hưu lương thấp rất nhiều. Nguyên nhân do quá trình đóng bảo hiểm ngắn và mức đóng thấp”.
Lệ Thu