Huyền Chip: Làm sao để đi thực tập ở nước ngoài? (P2)

(Dân trí) - Huyền Chip chia sẻ, lý do viết loạt bài kỹ năng này vì cô tin rằng giới trẻ Việt hoàn toàn có khả năng “đi ra biển lớn” chỉ là chưa biết cách đi thế nào, cần chuẩn bị những kỹ năng gì…

Dưới đây là những kỹ năng bạn trẻ cần chuẩn bị để có thể đi thực tập ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, được Huyền Chip – nữ sinh Việt đang theo học chương trình Thạc sĩ của ĐH Stanford (Hoa Kỳ) “bật mí”:

Chuẩn bị các kỹ năng cần thiết

Kỹ năng đầu tiên bạn cần đến dĩ nhiên là tiếng Anh hay ngôn ngữ sở tại của nước bạn muốn đến. Nếu bạn nói được tiếng Nhật, bạn có thể tìm kiếm cơ hội bên Nhật. Nếu bạn nói được tiếng Tây Ban Nha, bạn có thể tìm kiếm cơ hội ở Nam Mỹ, Tây Ban Nha, hay bất kỳ một quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha nào.

Quan trọng không kém là kỹ năng làm việc. Bạn cần có một kỹ năng mà công ty nào đó có thể cần đến. Bạn có thể là lập trình viên, là người viết blog, là nhân viên bán hàng, là nhà tài chính, là nhà phân tích xác suất thống kê, y tá, kiến trúc sư.

Nếu bạn chưa biết mình giỏi cái gì, bạn hãy chịu khó lên mạng tìm kiếm các khoá học về những chủ đề bạn yêu thích. Mình hay đọc tiểu sử của những người thành đạt trong các ngành nghề khác nhau để hiểu thêm con đường của họ: họ học gì trong trường, họ bắt đầu với những công việc gì, họ nhảy việc ra sao. Mình cũng chịu khó hỏi chuyện những người đi trước để xin họ lời khuyên về nghề nghiệp.

Xây dựng thương hiệu cá nhân

Cái này bao gồm cả resume, hồ sơ trên LinkedIn, Facebook, blog cá nhân. Bạn có thể đọc thêm bài viết của mình: Kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân cho người bắt đầu tìm việc.


Huyền Chip (trái) cho rằng, nếu chuẩn bị đầy đủ kỹ năng cần thiết, các bạn trẻ Việt hoàn toàn có thể kiếm được công việc thực tập trong mơ ở những nơi “khó nhằn” nhất nước Mỹ.

Huyền Chip (trái) cho rằng, nếu chuẩn bị đầy đủ kỹ năng cần thiết, các bạn trẻ Việt hoàn toàn có thể kiếm được công việc thực tập trong mơ ở những nơi “khó nhằn” nhất nước Mỹ.

Tìm việc ở đâu, như thế nào?

Có ba cách tìm việc chính. Một là tìm kiếm việc trên các trang tuyển dụng như LinkedIn, Handshake, Piazza. Mỗi quốc gia, một ngành nghề lại có một trang web tuyển dụng riêng. Bạn chỉ cần lên mạng gõ tên quốc gia + “job listings” hay “internships" sẽ thấy một đống các trang web tuyển dụng.

Các thứ hai là chủ động gửi thư đến các công ty hay những người lãnh đạo bạn thấy thú vị. Có một đợt mình cao hứng lên muốn sang châu Âu làm việc, mình tìm danh sách 100 công ty khởi nghiệp hot nhất châu Âu, tìm liên lạc của những công ty mình quan tâm, rồi gửi email đến giới thiệu bản thân và hỏi họ xem mình có thể giúp gì cho họ. Mình nhận được lời mời của một công ty ở Pháp và một công ty ở Anh.

Việc thực tập hè năm ngoái của mình có được là do mình xem TED talk của sếp công ty đó (Sean Gourley), thấy anh quá hay ho, bèn viết thư xin làm việc cùng anh. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách viết thư hàng bản thân ở đây.

Cách thứ ba là nhờ người quen giới thiệu. Bạn cần phải chủ động xây dựng mạng lưới các mối quan hệ của mình. Có thể những người bạn quen không giúp ích cho bạn ngay lập tức, nhưng nếu họ làm trong ngành bạn quan tâm, họ có thể giúp bạn kết nối đến người đang cần tuyển dụng, hay gửi cho bạn công việc tuyển dụng. Công việc thực tập ở Singapore của mình là qua một người mình gặp ở một hội thảo ở Hồ Chí Minh giới thiệu.

Tìm hiểu về quy trình tuyển dụng

Mỗi quốc gia, mỗi ngành nghề, thậm chí mỗi công ty, lại có một quy trình tuyển dụng khác nhau. Công việc công nghệ ở Silicon Valley thường có quy trình tuyển dụng khá gắt gao. Bạn thường phải nộp đơn, làm bài kiểm tra kỹ năng lập trình, qua bài phỏng vấn kỹ thuật, rồi qua bài phỏng vấn tính cách. Hồi mình phỏng vấn với các công ty ở châu Âu thì thấy yêu cầu của họ lỏng lẻo hơn nhiều. Khi mình nói chuyện với một công ty, mình luôn hỏi quy trình tuyển dụng của họ như thế nào để mình có thể chuẩn bị.

Khi phỏng vấn với một công ty, mình thường lên những trang như Glassdoor để xem những người đã và đang ứng tuyển khác nói gì về quy trình tuyển dụng của công ty cũng như xem một số câu hỏi mà họ được hỏi trong cuộc phỏng vấn thực.

Một cách khác nữa là tìm kiếm nhân viên cũ của công ty đó để xin họ lời khuyên. Họ đã làm việc ở đó nên biết môi trường thế nào, và lý do họ nghỉ việc rất có thể sẽ cho bạn hiểu rõ thêm điểm yếu của công ty.

Thỉnh thoảng mình nhận được email của ai đó hỏi rằng: “Tao thấy mày đã từng làm việc ở XYZ và tao đang phỏng vấn để làm ở đó. Liệu tao có thể mời mày đi uống cà phê để hỏi thêm về kinh nghiệm của mày được không?” Nếu email lịch sự thì mình thường không có lý do gì để từ chối cả.

Chọn công việc thế nào

Không phải công ty nào cũng sẽ cho bạn cơ hội được làm công việc bạn yêu thích, hay cho bạn cơ hội làm công việc trọng yếu. Một công ty thường sẽ có rất nhiều bộ phận khác nhau. Trải nghiệm của bạn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào dự án bạn được giao hay người bạn làm việc cùng.

Bạn sẽ không biết những điều đó khi chỉ đọc về công ty. Khi nói chuyện với nhà tuyển dụng, bạn hãy hỏi họ về dự án họ muốn bạn làm cũng như mức độ mà họ muốn thực tập viên tham gia vào công ty. Bạn cũng nên hỏi họ về những dự án mà các thực tập viên trước đây đã làm, và nếu có thể, nói chuyện với một thực tập hiện tại hay quá khứ của công ty.

Làm việc có lương hay không có lương

Dĩ nhiên, có được mức lương như ở Silicon Valley thì quá lý tưởng. Nhưng không phải ở đâu cũng có mức lương như thế. Với nhiều bạn, bản thân cơ hội được làm việc ở nước ngoài đã giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp của họ rồi. Khi làm ở Singapore, mình hoàn toàn không có lương. Mình chỉ xin họ hỗ trợ về mặt chỗ ở (một co-founder cho mình ở ké nhà anh), và hỗ trợ mình một khoản để ăn uống.

Bạn có thể lên mạng tìm kiếm về mức lương trung bình của thực tập viên nơi đó. Ví dụ, khi phỏng vấn với công ty ở Pháp, mình nhận được lời mời thua kém lời mời mình nhận được ở Silicon Valley khá xa. Nhưng sau khi tìm kiếm trên mạng về việc thực tập ở Pháp, mình nhận ra rằng mức lương đó đã cao hơn mức trung bình ở Pháp rất nhiều.

Nếu bạn đã có được lời mời, trước khi nhận lời, bạn nên tìm hiểu về mức sống ở nơi đó để xem bạn có thể sống ở đó với đề nghị nhận được hay không. Cơ hội làm việc ở nước sẽ có ích rất nhiều cho hồ sơ của bạn, nhưng liệu nó có đáng để bạn lâm vào cảnh công nợ hay không là câu hỏi mà chỉ bạn mới có thể trả lời được.

Mình viết tạm thế đã. Chúc các bạn tìm việc thành công!

Huyền Chip

(Từ Stanford, Hoa Kỳ)