Hợp đồng gia sư: Những điều khoản cần... cảnh giác!
(Dân trí) - Các trung tâm gia sư bao giờ cũng chuẩn bị sẵn một bản "hợp đồng lao động". Nếu không cẩn thận đọc tất cả điều lệ của bản hợp đồng một cách kỹ càng, các sinh viên sẽ phải “tiền mất tật mang”.
“Bút sa gà chết!”
Hợp đồng của trung tâm Gia sư Đại học Sư phạm (địa chỉ 29... đường Trần Quốc Hoàn) nhìn lướt qua có vẻ kỹ càng khi có đến 10 điều khoản thỏa thuận giữa 2 bên. “Bạn không được quyền ngừng dạy hoặc chuyển địa chỉ cho người khác sau khi ký hợp đồng”, Trí, chủ trung tâm gia sư nhấn mạnh điều 6 trong bản hợp đồng với tôi. Vậy nhưng, cũng tại bản hợp đồng này lại in đậm một dòng chữ: “Nếu bạn chuyển địa chỉ cho trung tâm, bạn sẽ nhận được 50% giá trị hợp đồng”. Thắc mắc về điều này, Trí lại bảo đây là “việc riêng” của trung tâm trong mục tiêu kinh doanh chứ không phải với người ký hợp đồng.
Tại điều 8 của bản hợp đồng lại có dòng: “Một số trục trặc khác, bên A sẽ trả lại 60% trong 50% số lương tháng đầu bên B nộp và được giải quyết vào ngày 5 và 20 hàng tháng từ 9h đến 11h”. Đây cũng là điều khoản vô lý ở hầu hết các trung tâm gia sư hoạt động không giấy phép, nếu không chú ý thì sinh viên khi đăng ký làm gia sư sẽ chịu thiệt thòi.
Theo hợp đồng, các gia sư khi ký hợp đồng sẽ phải nộp trước 50% lương tháng đầu tiên, và nếu không xin được đi làm gia sư như thỏa thuận hoặc khi đi dạy mà phía gia đình từ chối sau vài buổi dạy thử, đương nhiên sinh viên sẽ mất đi 40% lệ phí của nửa tháng lương.
Ngọc Anh, sinh viên Trường đại học Ngoại thương Hà Nội kể lại, nhận được hợp đồng đi dạy tiếng Anh cho một cậu học trò lớp 8, sau 3 buổi dạy thì gia đình cho cô ngừng dạy với lý do “muốn tìm sinh viên có nghiệp vụ sư phạm”. Quay về trung tâm đòi lại lệ phí mới sững người khi trung tâm đưa ra điều 5 trong bản hợp đồng: “Nếu sau 1 - 3 buổi dạy, vì bất kỳ lí do gì, gia đình không muốn gia sư dạy nữa thì gia sư phải nộp 70% lệ phí đã nộp cho trung tâm”. “Khi ký hợp đồng mình chưa hiểu hết nên đành chịu thiệt, giờ thì có kinh nghiệm hơn rồi”, Ngọc Anh nói.
Muốn làm gia sư, nên tìm Hội sinh viên
Gia sư là một công việc phù hợp nhất về thời gian cũng như công sức cho hầu hết sinh viên. Không chỉ sinh viên Sư phạm mà sinh viên các trường đều có thể làm thêm bằng công việc này. Do đó, các trung tâm gia sư mọc lên như nấm. Chỉ tính riêng khu vực Cầu Giấy đã có các trung tâm số 4 Dương Quảng Hàm, số 2 ngõ 175 Xuân Thuỷ, ngõ 98 Cầu Giấy, số 54 Đường Láng, các trung tâm ở khu tập thể ĐH Sư phạm Hà Nội…
Tuy nhiên, để tìm được trung tâm gia sư đảm bảo đầy đủ các quyền lợi cho các bạn sinh viên, theo anh Trần Linh Sơn, Chủ tịch Hội sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội, mỗi sinh viên nên tìm đến Hội sinh viên của trường mình để được giúp đỡ. Các trường như ĐH Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm 1 Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội… đều có trung tâm gia sư của trường, và trung tâm gia sư hoạt động theo tiêu chí đặt lợi ích của mỗi sinh viên lên hàng đầu. Các sinh viên sẽ không phải đóng bất kỳ một khoản phí nào, chỉ cần vượt qua cuộc khảo sát trình độ là đương nhiên trở thành gia sư của trung tâm. Điều này cũng đơn giản, nhưng vẫn rất nhiều sinh viên biết đến khi tham gia vào Hội sinh viên của mỗi trường đại học.
Sông Lam