Hôm nay, 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới
(Dân trí) - Hôm nay 5/9, gần 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước tưng bừng dự lễ khai giảng đón chào năm học 2017 - 2018 với nhiều đổi mới.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, Lễ khai giảng diễn ra trong một tiếng, đồng loạt từ 7h30. Buổi lễ theo yêu cầu mới là ngắn gọn, trang nghiêm với nghi thức chào cờ, tự hát Quốc ca, không dùng băng lời bài hát và đọc thư của Chủ tịch nước.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2017-2018, quy mô mầm non là hơn 5,085 triệu trẻ (gồm 680 nghìn trẻ nhà trẻ và 4,5 triệu trẻ mẫu giáo); giáo dục tiểu học 7,801 triệu học sinh, THCS 5,325 triệu học sinh và THPT là 2,477 triệu học sinh. Đối với các trường cao đẳng sư phạm và các trường đại học có quy mô khoảng 1,753 triệu sinh viên.
Năm học 2016-2017 toàn ngành giáo dục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện, những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra đã có tác động sâu rộng đến nhận thức cũng như hành động của toàn ngành, tạo nên những bước chuyển biến tích cực.
Cụ thể, cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tỷ lệ trẻ mầm non được đến trường tăng. Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi, đánh giá học sinh phổ thông được tích cực thực hiện; rà soát, giảm các cuộc thi, hội thi.
Thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ở cấp Bộ và rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai các điều kiện đổi mới giáo dục phổ thông. Giáo dục thường xuyên đã từng bước đa dạng hóa nội dung chương trình giáo dục, thu hút người học. Giáo dục đại học từng bước được siết chặt theo hướng quản lý chất lượng, tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo.
Số lượng học sinh các cấp theo thống kê của Bộ GD&ĐT
Một trong những điểm sáng trong năm học 2016-2017 là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng, bài Sobản và tổ chức an toàn, nghiêm túc, đảm bảo khách quan, trung thực nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Năm học 2016-2017, các đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học năm 2017 đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với tổng số 31 huy chương trong đó có 14 huy chương vàng; 13 huy chương bạc, 04 huy chương đồng.
Tuy nhiên, việc triển khai 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp trong năm học 2016 - 2017 cũng còn bộc lộ một số hạn chế như quy hoạch mạng lưới chậm được triển khai, còn nhiều bất cập; tình trạng thiếu trường, lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn phổ biến; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết; năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới.
Đặc biệt, năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ quản lý trường học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều...
Số lượng sinh viên cả nước theo thống kê của Bộ GD&ĐT
Tại hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017- 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhận định: “Năm học vừa qua, quản lý nhà nước của ngành giáo dục đã có bước tiến bộ vượt bậc với việc ban hành được nhiều văn bản thiết thực, giảm bớt những hoạt động không cần thiết, hình thức. Đặc biệt những bất cập từ những năm trước đang được ngành quyết liệt vào cuộc giải quyết. Năm qua cũng là năm mà mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện đã được toàn xã hội ý thức sâu sắc hơn”.
Số lượng giáo viên các cấp theo thống kê của Bộ GD&ĐT
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng, một trong những bất cập hiện nay trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo là các cấp quản lý còn đưa ra nhiều quy định cứng nhắc, có tính đồng loạt, cách thức quản lý còn nặng lối cầm tay chỉ việc, trong khi điều này hiện không còn phù hợp với xu hướng chung.
Theo đó, Phó Thủ tướng Đam yêu cầu ngành giáo dục cần phải tiếp tục thúc đẩy việc đổi mới trong năm học tới. Quản lý nhà nước theo tinh thần đổi mới và phát huy sáng tạo, phải lấy ý kiến từ bên dưới, rồi cố gắng bãi bỏ hết những quy định cứng nhắc, đặc biệt là các quy định có tính hình thức, các loại chuẩn, các loại tiêu chuẩn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tập trung tổ chức thực hiện trong năm học 2017-2018:
Thứ nhất, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Theo đó, các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.
Thứ hai, chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ ba, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.
Hồng Hạnh