Hội Khuyến học Việt Nam ký kết với Hội Nông dân Việt Nam về học tập suốt đời

(Dân trí) - Chiều ngày 6/5, TƯ Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với TƯ Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2019- 2023.

Phát biểu tại lễ ký kết, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, theo thống kê hiện nay lực lượng lao động xuất phát chủ yếu từ dân nông chiếm 70% dân số. Đứng trước những yêu cầu phát triển của nền kinh tế tri thức mạnh mẽ, đòi hỏi lực lượng lao động sản xuất này phải thay đổi và liên tục đi lên.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh lao động trong nền công nghiệp 4.0 lực lượng nông dân đang dần bị bỏ lại phía sau về mặt năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp... do không có sự trỗi dậy quyết liệt trước các ứng dụng khoa học kĩ thuật.

Do đó, lực lượng nông dân cần liên tục chuyển mình, tự học, tự làm để vươn lên đón nhận các thành tựu của cuộc cách mạng số, bỏ qua sự lạc hậu và tư duy nông nghiệp chậm chạp trong phát triển.

Hội Khuyến học Việt Nam ký kết với Hội Nông dân Việt Nam về học tập suốt đời - 1
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (trái) cùng ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch BCH Hội Nông dân Việt Nam (phải) trao bản ký kết chương trình phối hợp hoạt động của hai tổ chức Hội trong giai đoạn 2019 -2023.

Từ nhu cầu thực tế, GS Nguyễn Thị Doan đề xuất hai Hội cần tăng cường phối hợp khuyến khích cán bộ, hội viên nông dân học tập suốt đời dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau (tại trung tâm học tập cộng đồng, thư viện, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã, tự học, học từ xa, học trực tuyến, học thông qua mạng internet ...); tham gia xây dựng “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập”... hỗ trợ công tác khuyến học và tổ chức khuyến học ở cơ sở nhằm góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn.

Hi vọng các hoạt động phối hợp này giúp bà con nông dân cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ thuật sản xuất toàn diện, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; sản xuất thông minh; nâng cao năng suất lao động để phát triển bền vững bản thân, gia đình và xã hội.

Đồng ý với quan điểm nêu trên, ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch BCH TƯ Hội Nông dân Việt Nam cho biết thêm, số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ giản đơn đang đứng trước nhiều khó khăn trong nền công nghiệp hóa; hàng triệu nhân lực lao động nông nghiệp có nguy cơ bị mất việc và bị thay thế bởi máy móc công nghệ trong thời gian tới.

Hội Khuyến học Việt Nam ký kết với Hội Nông dân Việt Nam về học tập suốt đời - 2
Toàn cảnh buổi ký kết.

Đồng thời cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đang đặt ra đối với người nông dân làm thế nào để phát huy được vai trò chủ thể của mình. Chỉ có thể trả lời được vấn đề này nhờ vào khuyến học, khuyến tài, tự học nâng cao trình độ và học tập suốt đời để hội viên để tăng khả năng cạnh tranh tăng năng suất nhờ áp dụng thành tựu khoa học vào sản xuất.

Từ đó, ông Thào Xuân Sùng đề xuất với Hội Khuyến học tạo cơ hội, xây dựng môi trường thuận lợi cho cán bộ, đặc biệt là hội viên nông dân có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn học liệu phong phú nhằm học tập, học nghề, nghiên cứu và áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến vào thực tiễn cuộc sống, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ mang lại giá trị kinh tế bền vững.

Đồng thời, hai Hội cùng chỉ đạo các công tác phối hợp triển khai tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng xã hội học tập; cung cấp, trao đổi các nội dung, thông tin liên quan thuộc lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng công nghệ mới.

Thống nhất tại lễ ký kết, đại diện lãnh đạo hai Hội đã đề nghị các tổ chức đơn vị trực thuộc Hội tại các tỉnh, thành phố địa phương trên cả nước nhanh chóng xây dựng kế hoạch cùng tổ chức ký kết chương trình phối hợp và triển khai hằng năm nhằm nâng cao tinh thần khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2019- 2023.

Hà Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm