Đà Nẵng:

Đề nghị tích hợp “Gia đình học tập” và “Gia đình văn hoá”

(Dân trí) - Trên đây là một trong những kiến nghị mà Hội Khuyến học TP Đà Nẵng đưa ra tại hội nghị sơ kết 3 năm (2016-2018) nhân rộng các mô hình học tập theo Quyết định số 281 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập; phương hướng hoạt động giai đoạn 2019-2020 diễn ra sáng 15/3.

IMG_7806.JPG

Hội nghị sơ kết 3 năm (2016 - 2018) nhân rộng các mô hình học tập tại Đà Nẵng vừa diễn ra ngày 15/3.

 

Dịp này, Chính quyền TP Đà Nẵng trao 28 Bằng khen đến các đơn vị, cộng đồng, dòng họ, gia đình hiếu học điển hình toàn thành phố.

IMG_7802.jpg

Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trao Bằng khen của chính quyền TP đến đại diện các đơn vị, cộng đồng, dòng họ, gia đình hiếu học điển hình

Báo cáo lãnh đạo chính quyền TP tại hội nghị, đại diện Hội Khuyến học TP Đà Nẵng đã trình bày những khó khăn, thuận lợi trong 3 năm triển khai nhân rộng các mô hình học tập (đơn vị học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, gia đình học tập) vừa qua.

Trong đó, thuận lợi nổi bật là UBND TP có sự quan tâm đầy trách nhiệm, kịp thời có các chủ trương chính sách như hỗ trợ thù lao hàng tháng cho Chủ tịch và phó chủ tịch Hội Khuyến học xã/phường, tạo điều kiện tốt để triển khai thực hiện phong trào học tập suốt đời tại cơ sở.  

Nhân dân nhận thức sâu sắc và hưởng ứng phong trào học tập suốt đời theo tinh thần Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2014. Theo đó, cùng với việc chăm lo học tập của giới trẻ, người lớn trong gia đình cũng dần nhận thức được trách nhiệm thường xuyên học tập là cần thiết trong một xã hội biến đổi không ngừng về mọi mặt dưới tác động của tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Khó khăn, tồn tại thấy rõ là việc thu thập minh chứng để đánh giá xếp loại các mô hình không phải lúc nào cũng dễ dàng và không phải ai cũng am hiểu và sẵn sàng cung cấp. Việc đánh giá kết quả học tập của người lớn có khó khăn, nhất là minh chứng cho việc tự học. Do vậy, đánh giá kết quả học tập của người lớn dựa trên sự tự giác là chính và đó là nguyên nhân dễ dẫn đến tính hình thức trong đánh giá.

Thêm vào đó, lần đầu tiên, các danh hiệu học tập: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập là danh hiệu thi đua nhà nước được triển khai tại thôn, tổ dân phố nên nơi nào các tổ trưởng dân phố có nhận thức không đầy đủ thì chất lượng đánh giá công nhận chưa đạt yêu cầu, có phần dễ dãi. Việc này cũng làm quá tải công việc của Tổ trưởng tổ dân phố

Theo đó, Hội Khuyến học TP đề nghị tích hợp 2 danh hiệu “Gia đình học tập” và “Gia đình văn hóa" và có hướng dẫn thực hiện từ thực tế triển khai Quyết định 281 từ các cấp cơ sở.

Hội Khuyến học TP Đà Nẵng còn có kiến nghị Trung ương Hội đề xuất với Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT-DL, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động TB và XH cần có đánh giá đầy đủ về chủ trương hợp nhất Trung tâm học tập cộng đồng và Trung tâm văn hoá. Nếu khẳng định hợp nhất là xu thế thì cần ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm theo mô hình mới.

Ngoài ra, theo Hội Khuyến học TP Đà Nẵng, tiêu chí xây dựng “cộng đồng học tập” cấp tổ dân phố/thôn đòi hỏi có tủ sách dùng chung, có nhà sinh hoạt hoạt cộng đồng nhưng rất ít nơi có được. Việc đánh giá kết quả học tập của người lớn trong tiêu chí “Gia đình học tập” có khó khăn, nhất là minh chứng cho việc tự học. Do vậy, cần suy nghĩ có sự điều chỉnh các tiêu chí này.

Giai đoạn 2019-2020, Hội Khuyến học TP Đà Nẵng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể; trong đó, có việc chú trọng phát triển tổ chức Hội trong trường đại học, cao đẳng và cùng với Sở GD-ĐT có chương trình phối hợp với Đại học Đà Nẵng về tạo điều kiện cho người lớn học tập; Đề xuất lãnh đạo thành phố tạo điều kiện cân đối kinh phí thực hiện phong trào học tập suốt đời; Phối hợp với các ngành kiểm tra việc sử dụng các thiết chế văn hóa và giáo dục tại địa phương phục vụ việc học tập của người lớn.

Khánh Hiền