Học vượt để tốt nghiệp sớm
Hiện nay, phần lớn các trường ĐH, CĐ đã và đang áp dụng hình thức đào tạo theo hệ tín chỉ. Học theo hệ tín chỉ, sinh viên (SV) có thể tốt nghiệp trước thời hạn cả năm hoặc nửa học kỳ để sớm đi làm hoặc học tiếp lên cao hơn.
Tuy nhiên, SV cần cân nhắc kỹ có nên chọn học vượt hay không.
Quy chế 43 về đào tạo theo học chế tín chỉ của Bộ GD&ĐT quy định: “Điều kiện xét tốt nghiệp, công nhận tốt nghiệp khi SV tích lũy đủ số học phần quy định cho chương trình đào tạo với: Khối lượng không dưới 180 tín chỉ đối với khóa đại học 6 năm, 150 tín chỉ đối với khóa đại học 5 năm, 120 tín chỉ đối với khóa đại học 4 năm.
Hiệu trưởng quy định cụ thể khối lượng kiến thức tối thiểu cho từng chương trình được triển khai đào tạo trong phạm vi trường mình”. Do đó, tùy theo năng lực và điều kiện của mình mà SV có thể đăng ký học vượt để tốt nghiệp trước thời hạn.
Bắt đầu đào tạo theo hệ tín chỉ từ năm 2008, đến nay, trường ĐH Nông Lâm TPHCM có hơn 30 sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo của trường này cho biết: Khoá 2008 có khoảng 30 SV học theo hệ tín chỉ đã tốt nghiệp trước thời hạn 1 học kỳ. Khóa 2009 có 4 sinh viên vừa nhận bằng tốt nghiệp giữa tháng 12 này, trước thời hạn 1 năm.
TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng cho biết, trường bắt đầu áp dụng đào tạo theo hệ tín chỉ từ năm 2006.
Đến nay, trường có khoảng vài trăm sinh viên ở các khóa nhận bằng tốt nghiệp trước thời hạn.
Trong khi đó, tại các trường khác thuộc ĐH Quốc gia TPHCM như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên… đi tiên phong trong đào tạo theo hình thức tín chỉ từ những năm 1993, 1994, đến nay cũng có nhiều sinh viên học hệ tín chỉ tốt nghiệp trước thời hạn. Tại các trường khác như ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, ĐH Tiền Giang… cũng có một số sinh viên hệ tín chỉ tốt nghiệp trước thời hạn.
Theo một số sinh viên vừa nhận bằng tốt nghiệp trước thời hạn của trường ĐH Nông Lâm TPHCM, học vượt giúp sinh viên tiết kiệm thời gian, tiền bạc, có thể đi làm sớm nhưng đổi lại phải chịu áp lực lớn trong học tập.
Nguyễn Thị Bích Huệ, SV trường ĐH Nông Lâm TPHCM, một trong bốn sinh viên vừa tốt nghiệp trước hạn một năm cho biết: Học vượt không khó nếu bạn quyết tâm ngay từ đầu, lên kế hoạch học tập nghiêm túc và kiên trì thực hiện. Học vượt giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian, tiền bạc nhưng ngược lại áp lực học tập lớn.
Cân nhắc kỹ khi chọn học vượt
Theo phân tích của các chuyên gia giáo dục, ưu điểm của đào tạo theo tín chỉ là giúp SV tự sắp xếp kế hoạch học tập, tự cân đối thời gian, xác định năng lực bản thân và ra trường theo thời hạn mà mình chọn.
TS Phạm Tấn Hạ cho biết: Việc đăng ký học vượt để có thể tốt nghiệp trước thời hạn phải tuỳ vào năng lực, điều kiện của từng sinh viên.
Nếu sinh viên nào thấy mình có đủ năng lực, sức khỏe thì nên đăng ký học vượt. Học theo hệ tín chỉ thì thời gian học là do sinh viên hoàn toàn chủ động chọn, nhà trường chỉ đưa ra lịch học để các em chọn mà thôi.
TS Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng: SV học vượt phải học nhiều môn trong mỗi học kỳ so với bình thường.
SV có sức học trung bình nếu đăng ký học vượt sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy theo TS Quang, nếu không có nhu cầu ra trường sớm thì không nên chọn việc học với tốc độ cao, vì rất dễ đuối sức và sẽ không hoàn thành tốt kế hoạch học tập.
“Có những sinh viên chọn những môn học dễ để hoàn thành đủ tín chỉ để ra trường sớm, cũng có những sinh viên chọn những môn học khó nhưng phù hợp, bổ trợ kiến thức cho ngành nghề của mình sau này và họ chấp nhận tốt nghiệp đúng hạn hoặc lâu hơn. Vấn đề là do sinh viên định hướng được hướng tương lai của mình như thế nào, từ đó các em mới đưa ra việc học vượt hay không”, TS Quang nói.
TS Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, mục tiêu của đào tạo tín chỉ có thể tạo điều kiện để SV học tập phù hợp với hoàn cảnh và năng lực của bản thân.
Ví dụ sinh viên có năng lực thì học vượt để tốt nghiệp sớm, những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vừa đi học vừa đi làm thì phải chọn theo cách học kéo dài thời gian tốt nghiệp, miễn sao sinh viên hoàn thành đủ số tín chỉ thì thôi.
“Những người thật sự tài giỏi và học vượt hết cỡ thì có thể sau 2 năm là tốt nghiệp, nhưng có người sau 6, 7 năm mới tốt nghiệp. Người đi xe đạp thì không để đua với ô tô, nhưng họ thấy đi xe đạp lại thích hợp với bản thân. Việc học theo hệ tín chỉ cũng thế, sinh viên chọn hướng học vượt hay chọn hướng đi chậm mà chắc là do sinh viên tự quyết”, ông nói.