Học vị tiến sĩ và giải Ig Nobel về chim cánh cụt
(Dân trí) - Nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Luật Harvard Nguyễn Hoàng Khánh cho rằng, học vị tiến sĩ ở Việt Nam dường như đang được xã hội khoác lên nó một chiếc áo “quá khổ”!?
1. Câu chuyện chim cánh cụt đi… đại tiện
Gần đây, tôi theo dõi khá kĩ tranh luận quanh các luận án tiến sĩ ở Việt Nam. Câu chuyện này làm tôi nhớ đến một nghiên cứu khoa học đã từng giành giải thưởng Ig Nobel (giải thưởng dành cho những nghiên cứu khoa học có vẻ “ngớ ngẩn” nhưng lại khiến người ta phải suy nghĩ). Chủ đề của nghiên cứu đó tập trung vào việc đo lường “áp suất mà chim cánh cụt tạo ra khi đi đại tiện”.
Tôi nghĩ mãi mà không thể tưởng tượng ra được nghiên cứu này sẽ đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của kho tàng tri thức hay tạo ra của cải vật chất cho xã hội như thế nào. Và thực sự không khó để tìm thấy rất nhiều ví dụ về những nghiên cứu khoa học có vẻ “ngớ ngẩn” khác đang được thực hiện ở khắp nơi trên thế giới.
Vậy tại sao khi chúng ta lại thấy vô cùng bức xúc và thất vọng như vậy khi mới chỉ nghe đến tên của một số những luận án tiến sĩ ở Việt Nam (dù cá nhân tôi thấy rằng chúng hoàn toàn có thể là những chủ đề khoa học nghiêm túc và hữu dụng)?
Tôi nghĩ rằng những cảm xúc đó hiện hữu một phần vì xã hội Việt Nam đang có cái nhìn chưa hoàn toàn chính xác về học vị tiến sĩ. Chúng ta đang quy chụp thêm khá nhiều trách nhiệm mà bản thân tấm bằng tiến sĩ không được tạo ra để hoàn thành những trách nhiệm đó.
2. Tấm bằng tiến sĩ mang lại địa vị xã hội cao quý?
Chúng ta hay có những suy nghĩ không chính xác về học vị tiến sĩ như sau:
a. Sở hữu tấm bằng tiến sĩ đồng nghĩa với địa vị xã hội cao hơn, một vị trí cao quý mà nhiều người mong ước.
b. Tiến sĩ là người có học vấn rộng và uyên thâm trong lĩnh vực của họ.
c. Làm tiến sĩ là phải nghiên cứu ra những thứ lớn lao có ích cho xã hội.
d. Không những thế, một tiến sĩ phải có đạo đức chuẩn mực (chúng ta thỉnh thoảng vẫn phê phán ông nọ, bà kia là tiến sĩ mà sao hành xử lại vô học thế, như thể tấm bằng tiến sĩ có thể đo lường được đạo đức của một con người)…
Cá nhân tôi cho rằng chúng ta chỉ nên coi việc học tiến sĩ như một định hướng nghề nghiệp cụ thể dành cho những ai muốn theo con đường nghiên cứu ứng dụng hay học thuật.
Tôi có rất nhiều người bạn ở bên Mỹ nói rằng họ muốn lấy bằng tiến sĩ chủ yếu bởi vì họ muốn đi theo con đường nghiên cứu. Ngược lại, có nhiều người bạn khác đủ tài năng và điều kiện tài chính để học tiến sĩ nhưng lại không làm bởi vì đơn giản là việc nghiên cứu không phù hợp với những sự nghiệp mà họ theo đuổi. Đối với họ, việc kiếm một tấm bằng tiến sĩ là phí phạm cả về thời gian và công sức.
Trên thực tế tấm bằng tiến sĩ thường đánh dấu những bước đi đầu tiên trên con đường nghiên cứu (thay vì là cái là đích để hướng tới như nhiều người quan niệm).
Khi có được tấm bằng tiến sĩ rồi, người ta cần tìm tòi nghiên cứu thêm rất nhiều năm nữa trước khi có thể được coi là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Đồng thời, kiến thức trong mỗi lĩnh vực luôn được mở rộng từng ngày nên một người kể cả khi có bằng tiến sĩ mà dừng cập nhật thì cũng sẽ dần bị bỏ xa về mặt tri thức.
Thế nên tôi nghĩ chúng ta chỉ nên coi học vị tiến sĩ như những người có khả năng học tập và khả năng nghiên cứu về học thuật hay ứng dụng. Và tôi quan niệm những người theo học tiến sĩ là những người “thích đi tìm lời giải thích cho những câu hỏi chưa có ai trả lời bằng các phương pháp khoa học, dù cho những câu hỏi đó nghe có vẻ ngớ ngẩn đến mức nào”.
Tấm bằng tiến sĩ công nhận một người có khả năng học tập, nghiên cứu và cho thấy người đó hiểu biết nhiều (hơn đa số người bình thường) về một lĩnh vực cụ thể. Cái mà tấm bằng tiến sĩ không đem lại là địa vị xã hội cao quý cho người có nó.
Không phải cứ làm tiến sĩ là phải nghiên cứu những thứ vô cùng cao siêu, có thể thay đổi thế giới. Làm tiến sĩ cũng không đảm bảo sẽ đóng góp được cho xã hội nhiều hơn bất cứ nghề nào khác.
Tác giả bài viết Nguyễn Hoàng Khánh hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Luật Harvard.
3. Thực tế xã hội – nguồn cơn bức xúc
Nói đi cũng phải nói lại, lí do khiến những quan niệm nghĩ sai lầm về học vị tiến sĩ ở Việt Nam vẫn còn tồn tại là vì có một số lượng không nhỏ coi tấm bằng tiến sĩ chỉ như một công cụ để thăng quan tiến chức, chứ hoàn toàn không vì những kĩ năng nghiên cứu mà quá trình học tiến sĩ đem lại.
Với nhiều người, luận án tiến sĩ cũng là nghiên cứu cuối cùng họ thực hiện, trong khi luận án tiến sĩ đang là xuất phát điểm trên con đường nghiên cứu như cách nhìn ở đa số các nước phát triển khác.
Chúng ta hoàn toàn có quyền hoài nghi chính đáng về chất lượng và đầu ra của những cơ sở đào tạo tiến sĩ. Chúng ta có quyền bức xúc và chỉ trích những đề tài khoa học không có tính thực tiễn được tài trợ bởi nguồn vốn Chính phủ, bởi đó là sự lãng phí trong sử dụng ngân sách công.
Nhưng những bức xúc đó sẽ là không xác đáng nếu chúng chỉ dựa hoàn toàn trên những tiêu đề chỉ vỏn vẹn trong một câu.
Nếu như xã hội chúng ta nhìn nhận học vị tiến sĩ đúng như bản chất của nó (là một định hướng nghề nghiệp cụ thể, thay vì là một nấc thang lên một địa vị xã hội cao hơn) thì có lẽ chúng ta đã không bức xúc đến như vậy.
4. Tiến sĩ và những đóng góp ở lĩnh vực rất hẹp
Phần lớn những nghiên cứu khoa học đang được thực hiện trên thế giới có những đóng góp nhỏ trong một lĩnh vực rất hẹp. Tuy nhiên, hàng trăm nghìn, hàng triệu nghiên cứu đó, khi kết hợp lại có thể tạo nên những thành tựu thay đổi cả thế giới.
Riêng một cuốn sách giáo khoa tâm lí học của tôi, dù chỉ vỏn vẹn 300 trang nhưng phải trích dẫn từ hơn 1400 nghiên cứu khoa học nhỏ khác thì bạn có thể tượng tượng những phát minh vĩ đại phải dựa trên nền tảng đúc kết của bao nhiêu trăm nghìn thành quả đi trước.
Nhiều người chúng ta khó nhận ra được điều đó vì truyền thông đại chúng chỉ nhắc đến những phát minh có ảnh hưởng lớn. Đó là cách thế giới khoa học vận hành: phần lớn các nghiên cứu nằm trong bóng tối và chỉ được biết đến bởi những người trong ngành. Giá trị của một nghiên cứu khoa học, vì vậy, thường chỉ có thể được đánh giá chính xác và khách quan bởi những người có kiến thức chuyên môn.
Vì thế, tôi nghĩ tất cả nghiên cứu đều nên được nhìn nhận với sự hiểu biết về cách khoa học vận hành nói chung.
5. Nghiên cứu “chim cánh cụt đi đại tiện” liệu có giá trị?
Có bạn sẽ hỏi quan điểm của tôi về những nghiên cứu khoa học, kể cả được thực hiện rất kì công, chặt chẽ, nghiêm ngặt tuân theo các phương pháp khoa học, nhưng lại không, hoặc hầu như không có giá trị thực tiễn cho đời sống xã hội (giống như nghiên cứu về chim cánh cụt nói trên), thì sao?
Về vấn đề này, tôi rất tâm đắc với câu nói của Marc Abrahams, người sáng lập ra giải Ig Nobel nhắc đến: “Khoa học là một công cuộc khám phá tất cả mọi thứ, dù là nhỏ nhất, cả những thứ nằm ngoài sự tưởng tượng của chúng ta (những thứ tưởng chừng như ngớ ngẩn). Và trong quá trình đó, chúng ta sẽ khám phá ra những điều bất ngờ, thú vị, và biết đâu còn quan trọng nữa”.
----
* Bài viết không nhằm mục đích bảo vệ hay lên án một đề tài luận án tiến sĩ cụ thể (vì tôi hoàn toàn không đủ khả năng chuyên môn), mà chỉ nêu quan điểm cá nhân về cách nhìn nhận của nhiều người về tấm bằng tiến sĩ ở Việt Nam.
Nguyễn Hoàng Khánh
(Nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Luật Harvard)