Học vẹt cả toán!

Thứ bảy tuần trước tôi xuống chơi nhà chị bạn thì thấy cô cháu gái (học sinh lớp 3) đang hì hụi với mấy bài tập toán mà cô giáo cho về nhà.

Nhìn thấy cháu vừa toát mồ hôi, vừa vặn vẹo mình khi làm toán, tôi nhắc nhỏ chị: “Cuối tuần chị cho cháu đi chơi cho khuây khỏa. Học cả đời chứ đâu phải ngày một ngày hai”. Chị bạn gắt: “Chú cứ làm hư cháu. Gần thi học kỳ rồi mà mấy bài giải môn toán cũng không thuộc”. Tưởng là mình nghe nhầm, tôi hỏi chị lần nữa: “Sao lại học thuộc bài giải môn toán?”.

 

“Cô giáo dặn làm như thế cho quen dạng. Vào thi mà không nhớ dạng là coi như xong”. Cô giáo sao chụp cho cháu năm đề thi toán kèm lời giải và buộc gia đình phải phối hợp để các cháu làm mỗi đề năm lần”.

 

Tôi chỉ còn biết ngao ngán thở dài! Chợt nhớ đến thời đi học của mình hàng chục năm trước mới thấy khác xa bây giờ nhiều lắm. Làm gì có chuyện các thầy, các cô soạn đề cương ôn tập dài lê thê để phát cho học sinh học vẹt như bây giờ.

 

Cuối mỗi chương học, giáo viên thường dành ra một vài tiết ôn tập các nội dung đã học. Giáo viên buộc học trò viết ra giấy những nội dung cơ bản, trọng tâm cần nhớ của từng vấn đề, từng sự kiện, từng dạng bài tập. Đôi khi những nội dung ấy không cần đi sâu chi tiết mà chỉ cần những gạch đầu dòng thật ấn tượng.

 

Còn nhớ hồi tôi học lớp 7, cô Thư, giáo viên dạy toán - lý của Trường cấp II xã Khánh Sơn I (Nam Đàn, Nghệ An), đã cho một đề kiểm tra toán với nội dung khá thú vị, đại để là: Em hãy điểm lại các đề mục trong chương mà em đã học. Mỗi một đề mục hãy điểm qua các nội dung cần nhớ... Với các đề kiểm tra kiểu ấy, khả năng tư duy, tổng hợp của chúng tôi càng ngày càng khá lên.

 

Thời nay, tỉ lệ học sinh tiên tiến, học sinh xuất sắc, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ở các cấp học năm nào cũng cao. Với cách học vẹt như thế, liệu những thành tích ấy có đem lại cho chúng ta niềm vui thực thụ hay đó là cách để chúng ta tự huyễn hoặc mình. Thật sự nguy hại nếu như sự huyễn hoặc đó đang trở nên phổ biến...

 

Theo Ngọc Luận

Tuổi Trẻ