Dạy và học Anh văn trong trường phổ thông:

Học và thi kiểu đối phó

7 năm cấp 2 và cấp 3, học sinh được học trên 700 tiết Anh văn, tương đương trình độ B theo hệ thống chứng chỉ quốc gia. Trong chừng ấy thời gian, ngân sách của nhà nước, của gia đình bỏ ra khá nhiều để trang bị kiến thức tiếng Anh cho các em, nhưng kết quả đạt được dường như không tương xứng…

Cách thi quyết định việc dạy và học!

 

Mục đích của việc học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng, trước tiên để giao tiếp thông qua kỹ năng nghe hiểu và nói, sau đó mới là kỹ năng đọc hiểu và kỹ năng viết. Điều này thể hiện rất rõ trong kết cấu của sách giáo khoa. Ngay từ những ngày đầu tiên học tiếng Anh ở lớp 6, học sinh (HS) được học những bài hội thoại ngắn, càng lên cao kiến thức được nâng dần thành các bài đọc chứa nhiều mẫu câu, điểm ngữ pháp quan trọng.

 

Thông qua lượng từ vựng, mẫu câu, điểm ngữ pháp, HS sẽ phát triển được các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Ý đồ của sách giáo khoa là vậy nhưng vì sao HS không tích lũy được kiến thức một cách có hệ thống từ thấp đến cao mà sau 7 năm học, phần lớn các em chỉ còn lại mớ kiến thức rời rạc?

 

Đích đến sau cùng của ngành GD-ĐT là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Từ cấp lãnh đạo đến giáo viên (GV) đều tập trung mọi nỗ lực để đạt kết quả mỹ mãn cho kỳ thi này. Thế nhưng khi phân tích kỹ đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, thạc sĩ Đỗ Thị Ngọc Thu đã lý giải trong đề tài nghiên cứu của mình là: đề chỉ đo được mức độ kiến thức ở mức thấp nhất. Để làm bài được, HS chỉ cần học thuộc lòng là đủ, chỉ cần vận dụng máy móc mà không cần hiểu.

 

Thạc sĩ Thu nhận định: “Những nội dung của đề thi tốt nghiệp THPT đã tập trung quá nhiều cho các điểm văn phạm và nhấn mạnh thái quá đến kiến thức học thuộc lòng khiến HS làm bài không cần hiểu hoặc vận dụng máy móc”. Do vậy, cách ra đề và nội dung đề thi sẽ quyết định đến hoạt động dạy và học. Đây chính là nguồn gốc quyết định chất lượng học tiếng Anh của HS phổ thông.

 

Học Anh văn bằng phương pháp “câm - điếc”!

 

Thạc sĩ Phạm Tấn, Phó Trưởng khoa Anh văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM, nhận định: “Hiện nay HS học rất tội do chương trình sách giáo khoa cũ quá nặng về văn phạm, nguyên tắc biên soạn không nhất quán, mục tiêu là kỹ năng đọc hiểu lại không được thể hiện rõ. Lượng kiến thức quá nhiều nhưng thời lượng ít, giáo viên (GV) không thể dạy hết được”.

 

Với chương trình và cách ra đề như phân tích ở trên, GV chỉ còn việc dồn hết thời gian cho HS làm nhiều bài tập theo dạng đề thi và ôn đi ôn lại các điểm ngữ pháp nhằm giúp HS đạt điểm cao trong các kỳ thi.

 

Nhiều GV tiếng Anh cho biết, cách dạy phổ biến ở cấp 3 hiện nay là GV chỉ đọc lướt qua bài đọc, viết từ khó lên bảng, thời gian còn lại là học ngữ pháp. Với việc khuyến khích thay đổi phương pháp giảng dạy, nhiều tiết thao giảng với tính giao tiếp cao, có tương tác giữa thầy – trò được thực hiện đã tạo cái nhìn lạc quan cho các nhà quản lý giáo dục.

 

Thực tế khác hẳn. Tiếp xúc với các GV tiếng Anh từ cấp 2 đến cấp 3, chúng tôi được biết phương pháp giảng dạy tích cực chỉ thực hiện khi… có dự giờ còn ở những tiết bình thường thì vẫn như cũ. Một chuyên viên phụ trách bộ môn Anh văn phân tích: “Một tiết học theo phương pháp tích cực rất sôi động đối với cả thầy và trò nhưng sẽ không đủ thời gian để làm bài tập và như vậy nói xong các em sẽ không nhớ được trọng tâm ngữ pháp”.

 

Vui, sinh động nhưng để làm gì trong khi lượng kiến thức cho mỗi bài học quá nhiều, lại không được bố trí tiết dành cho luyện tập và đề thi từ bộ đến phòng vẫn chú trọng ngữ pháp là chính? Bên cạnh đó, các yếu tố như số HS ở mỗi lớp quá đông, kết quả của HS ở những kỳ thi luôn là chỉ tiêu thi đua, là căn cứ đánh giá GV đã đẩy GV tiếp tục cố thủ với phương pháp cũ mà theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh đó là phương pháp “câm - điếc”: không nghe, không nói.

 

Đầu tư cho người thầy là xa xỉ?

 

Dạy ngôn ngữ nhưng GV Anh văn gần như bị tách rời giao tiếp, môi trường văn hóa tiếng Anh, chỉ loay hoay với công việc do áp lực thành tích, chỉ tiêu thi đua. Do đó không thể trách người GV nếu họ không thể dạy tốt. Ở nhiều trường, sách báo tiếng Anh hầu như không có hoặc chỉ có một bản, nói chi đến mạng Internet. Còn tự mua sách ư?

 

Với đồng lương GV như hiện nay, để mua sách tiếng Anh bản ngữ là phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu khác. Sở GD-ĐT TPHCM cũng tạo điều kiện để GV dự những lớp bồi dưỡng do Hội đồng Anh tổ chức nhưng mỗi quận chỉ có một GV được dự trong mùa hè.

 

Theo Thạc sĩ Phạm Tấn, Phó Trưởng khoa Anh văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trong giảng dạy tiếng Anh cần đảm bảo nguyên tắc 4 L: Học – Sống – Yêu – Cười (Learn – Live – Love – Laugh) thì việc học tiếng Anh mới đạt hiệu quả. Để làm được điều này, GV phải gia công rất nhiều cho bài học nhưng trước những áp lực với GV hiện nay, nguyên tắc 4 L bao giờ mới được áp dụng?

 

Theo SGGP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm