TPHCM:
Học trò tưởng nhớ GS Hoàng Như Mai tròn một năm ông mất
(Dân trí) - Nhân dịp giỗ đầu của GS. NGND Hoàng Như Mai, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Văn Hiến, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM tổ chức hội thảo “GS.NGND Hoàng Như Mai - Cuộc đời và sự nghiệp” để tưởng nhớ về người thầy đáng kính này.
GS. Hoàng Như Mai ra đi đã tròn một năm, nhắc lại sự nghiệp trồng người cũng như đóng góp của thầy biết bao khiến bao thế hệ học trò xúc động. PGS. TS. Trần Hữu Tá - Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TPHCM, một học trò gần gũi với GS. Hoàng Như Mai bồi hồi nhớ về người thầy của mình: “Tính đến năm thầy tạ thế, tôi được liên tục gần gũi với thầy 55 năm và may mắn cùng đi chung với thầy trên con đường giảng dạy và nghiên cứu văn học. Hầu hết cuộc đời gần một thế kỷ của thầy chủ yếu dành cho sự nghiệp trồng người”.
PGS.TS. Võ Văn Nhơn - Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam (Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn TPHCM) nhận định GS. Hoàng Như Mai không chỉ là một nhà nghiên cứu, mà còn là một nghệ sĩ tài ba, nhà hoạt động văn hóa lớn. Nhưng trên hết, giáo sư là một người thầy lớn của ĐH Quốc gia TPHCM và của cả ngành Giáo dục nước nhà.
Theo PGS.TS. Nhơn, thầy Mai đến với giáo dục như một cái duyên tình cờ, nhưng thầy đã gắn trọn đời với ngành Giáo dục bởi một tình yêu vô bờ với học trò, với nghề nghiệp, với văn học nước nhà. Thầy hấp dẫn mọi người ở tác phong nghệ sĩ, ở cách phân tích sắc sảo, tinh thần học thuật tự do rất nghệ sĩ ẩn chứa sự chí tình với học trò.
GS. Hoàng Như Mai đến với nghề giáo như một sự tình cờ đầy ngẫu hứng, nhưng từ sâu xa lại là duyên và nghiệp, thầy nhận lời một người bạn tạm thời dạy giúp cho Trường tư thục Đông Hải (Hải Dương). Và kể từ đó, bục giảng, phần trắng và thế hệ trẻ đã có sức hấp dẫn quá lớn, đề từ đó thầy thủy chung tận tụy với nghề. Nhìn lại chặng đường dài 7 thập kỷ qua, những thế hệ học trò của thầy giờ đã trở thành những nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực khoa học xã hội và ngữ văn.
Còn với Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, người phải dùng chân thay đôi tay bị liệt từ nhỏ để thực hiện thao tác học hình từ vỡ lòng đến đại học, nếu không gặp những thầy cô tuyệt vời trong đó có thầy Hoàng Như Mai thì “tôi sẽ không có ngày hôm nay”. Thầy Nguyễn Ngọc Ký xúc động chia sẻ: “Thầy Hoàng Như Mai đã truyền lại cho tôi ngọn lửa cháy hết mình vì học trò, ngọn lửa của lòng đam mê vì những giá trị nhân văn cao cả, ngọn lửa của nghệ thuật lên lớp không chỉ bằng những kiến thức sâu sắc, chuẩn mực đạo đức mới mẻ mà trước hết phải bằng cả trái tim cồn cào cảm xúc thăng hoa với tiếng lòng dân trào yêu thương cuộn song. Xin cảm ơn người thầy cao cả của tôi. Cảm ơn vì sao mãi mãi còn lung linh thắng sáng nơi góc thẳm ký ức tôi”.
Không chỉ là một người thầy đáng kính với nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, trong 60 năm cầm bút, thầy Hoàng Như Mai quan tâm đến nhiều lĩnh vực văn hóa, chính trị, xã hội. Thế nhưng sự đóng góp của thầy về nghiên cứu văn học, đặc biệt là văn học hiện đại là nổi trội hơn cả.
PGS. TS. Trần Hữu Tá nhận xét rằng những bài bình luận, phân tích của thầy không thiên về lý luận mà nặng về cảm thụ. Cách viết của thầy chân phương mà tinh tế, giúp người đọc nhận biết được quy trình cấu tứ, trình bày ý tưởng của tác giả, đồng thời lĩnh hội được những chi tiết nghệ thuật đắt giá của tác phẩm. Chính nhờ tinh thần nghiên cứu và say mê với cái nghiệp của mình, thầy đã để lại cho hậu duệ một công trình rất ý nghĩa là chuyên khảo Văn học Việt Nam hiện đại (1945-1960) để phục vụ cho công tác giảng dạy cho khoa Ngữ văn đại học. Theo nhiều chuyên gia, đây là công trình có ý nghĩa thực tiễn cao và không dễ để thực hiện được.
Cho đến những ngày cuối đời, khi nằm trên giường bệnh, thầy vẫn mong mỏi và dặn dò phải đưa Trường ĐH Văn Hiến, ngôi trường thầy đã tâm huyết sáng lập để giảng dạy nhóm ngành khoa học xã hội phát triển mạnh hơn nữa. Thầy đã tặng 2.000 đầu sách cho thư viện của trường để sinh viên tìm hiểu học tập và nghiên cứu. Tại hội thảo, gia đình GS. NGND. Hoàng Như Mai đã tặng 10 triệu đồng cho Quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên Ngữ văn do GS. NGDD. Hoàng Như Mai sáng lập.