TPHCM:

Học trò “sợ” ứng xử văn hóa học đường

(Dân trí) - Trong chương trình học sinh đối thoại với với lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM sáng 28/3, nữ sinh Ngô Mỹ Uyên, Trường THPT Phú Nhuận cho biết, tình trạng bạo lực học đường đang diễn một cách tinh vi, nhiều chiêu trò hơn trước, nhất là qua mạng xã hội, thể hiện sự xuống cấp về đạo đức, sự vô cảm của nhiều bạn trẻ.

Uyên nhắc đến vụ việc xảy ra ở Chung cư Hà Đô, nữ sinh lớp 9 ở Gò Vấp bị giết hại bởi bạn cùng lớp rồi bỏ thi thể vào thùng xốp rất khủng khiếp, đau lòng. Thế nhưng, trên mạng xã hội, các bạn trẻ đưa chuyện này ra đùa cợt, có hẳn trào lưu hỏi thăm nhau: “Mày thích vào thùng xốp không?" rất ghê rợn.

Theo Uyên, đây là một dạng vô cảm, bạo hành tinh thần đang tác động rất nhiều đến học trò.

Học sinh Ngô Mỹ Uyên (giữa) nói với Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn về việc bạn bè hỏi han nhau: Thích vào thùng xốp không?
Học sinh Ngô Mỹ Uyên (giữa) nói với Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn về việc bạn bè "hỏi han" nhau: "Thích vào thùng xốp không?"

Một nam sinh khác cũng bày tỏ, những clip học sinh đánh nhau dã man được các bạn tung hô rất vô cảm, rất tàn nhẫn đến mức không hiểu nổi. Em đặt ra vấn đề, ngành giáo dục có biện pháp nào để tác động đến nhận thức các bạn chứ không chỉ đưa ra những hình thức kỷ luật mà không thay đổi được gì. Nếu đuổi học các bạn ra bên ngoài thì càng nguy hiểm hơn.

Nhiều học trò cũng lên tiếng tình trạng học sinh nói tục, chửi thề, vi phạm pháp luật... là khá phổ biến. Rồi văn hóa giao tiếp, ứng xử, đối xử trong cuộc sống với bạn bè, thầy cô hay nơi công cộng... cũng được học sinh đặt ra.

Thành Đạt, học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Q.10 bày tỏ sự bi quan về văn hóa ứng xử học đường hiện nay
Thành Đạt, học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Q.10 bày tỏ sự bi quan về văn hóa ứng xử học đường hiện nay

Thành Đạt, học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Q.10 bày tỏ bi quan về văn hóa học đường hiện nay khi em có cảm giác như "văn hóa ứng xử đang chạm điểm tận cùng". Đạt đặt ra vấn đề, phải chăng việc học quá chú ý đến cạnh tranh mà quên đi ứng xử, việc học môn Văn không phù hợp, hiệu quả.

Theo nữ sinh tên Hòa đến từ Trường THPT Lê Quý Đôn. Q.3, chúng ta có khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng thật ra áp dụng ngược lại. Việc học chủ yếu dồn sức cho học chữ trước, lễ nghĩa luôn học sau mà việc học lại mang tính lý thuyết, chưa thiết thực.

Em Đặng Trần Mai Anh bày tỏ, kiến thức trong môn Giáo dục Công dân còn quá cao siêu, chưa thực tế
Em Đặng Trần Mai Anh bày tỏ, kiến thức trong môn Giáo dục Công dân còn quá "cao siêu", chưa thực tế

Em Trần Đặng Mai Anh, Trường Lam Sơn cho rằng, với tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, phải chăng môn Giáo dục Công dân đang quá cao siêu. Lớp 10 các em học về duy vật, duy tâm; lớp 11 học về giá trị hàng hóa... mà rất thiếu nội dung về văn hóa ứng xử trong cuộc sống.

Phải xây dựng “sức đề kháng” cho học trò

Lắng nghe ý kiến từ học sinh, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) những ứng xử trong cuộc sống như xếp hàng, cư xử với người lớn tuổi... chúng ta chưa tạo thành được nét văn hóa, một số ứng xử bị mai một, thiếu bền vững. Điều này, chương trình giáo dục không chỉ thực hiện từ bậc THPT mà phải làm từ khi các bậc học phía dưới và sắp tới, khi có sách giáo khoa sẽ có nhiều bổ sung.

Ông Tân cũng đưa ra quan điểm, chính nhà trường, giáo viên phải xây dựng cho học sinh “sức đề kháng” trước thông tin, hành vi xấu, trước tác động tiêu cực của công nghệ... để từ đó trở thành một người có văn hóa. Lãnh đạo Sở sẽ nghiên cứu để có những giải pháp nâng cao kỹ năng ứng xử cho học sinh .

“Thay vì bi quan về văn hóa ứng xử hiện nay, mỗi người chúng ta hãy cố gắng làm chủ bản thân, để từ đó lan tỏa cách cư xử có văn hóa đến mọi người”, ông Tân nói.

Nhiều mặt trái trong văn hóa ứng xử được học trò chỉ ra cho ngành giáo dục TPHCM
Nhiều mặt trái trong văn hóa ứng xử được học trò chỉ ra cho ngành giáo dục TPHCM

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, từ ý kiến của học sinh có thể thấy các em rất bức xúc, lo ngại về thông tin trên mạng xã hội. Đây là một vấn đề của cả nước trong việc quản lý mạng xã hội. Tuy nhiên, thực tế theo ông Sơn, chúng ta không thể ngăn chặn hết mặt tiêu cực của công nghệ, của mạng xã hội mà chúng ta phải tự bảo vệ mình.

Trong nhà trường, giáo viên cần quan tâm đến nội dung này một cách cụ thể hơn. Thầy cô chủ động tác động đến học sinh, không thể chặn được các thông tin tiêu cực thì cần giúp các em biết chọn lọc để hạn chế tối đa mặt trái của công nghệ thông tin.

“Chúng ta phải giáo dục học sinh biết chia sẻ những thông tin tích cực và phản biện lại thông tin tiêu cực. Và chính học trò cũng là những người chủ động để trang bị các kiến thức, kỹ năng tiếp nhận thông tin cho mình”, người đứng đầu ngành giáo dục TPHCM nói.

Ông Lê Hồng Sơn cũng đề nghị các trường tăng cường tổ chức các hoạt động về kỹ năng sống, về năng khiếu, các câu lạc bộ, sinh hoạt ngoài giờ... Vì hiện nay nhiều trường phân bổ cả sáng và chiều toàn học văn hóa.

Được biết, đây là năm thứ 9 liên tiếp, ngành giáo dục TPHCM tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại với học sinh. Chương trình năm nay có chủ đề “Học sinh thành phố với văn hóa ứng xử học đường” với sự tham gia của 160 học sinh tiêu biểu của các trường THPT, Trung tâm GDTX trên địa bàn.

Hoài Nam