Kon Tum:

Học trò biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong sân trường

(Dân trí) - Nhiều năm trở lại đây, việc đưa vào giảng dạy biểu diễn múa xoang và cồng chiêng Tây Nguyên được đánh giá là cách làm hiệu quả để giữ gìn những giá trị quý báu trong bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tại chỗ ở Kon Tum.

Video: Học trò học múa xoang, biểu diễn cồng chiêng trong sân trường ở Kon Tum

Như nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum, mỗi sáng thứ hai và thứ năm hàng tuần, các em học sinh, đa số là đồng bào dân tộc Ba Na cùng các đồng bào dân tộc tại chỗ khác ở trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) lại đến trường học ngoại khóa về văn hóa truyền thống trong trang phục của đồng bào mình. Các em đặc biệt trông đợi được học biểu diễn múa xoang và cồng chiêng theo phong cách của dân tộc mình.

Học trò biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong sân trường - 1

Học trò biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong sân trường - 2

Múa xoang, cồng chiêng Tây Nguyên được đưa vào các chương trình học ngoại khóa tại các trường học ở Kon Tum
Múa xoang, cồng chiêng Tây Nguyên được đưa vào các chương trình học ngoại khóa tại các trường học ở Kon Tum

A Gun, một học sinh lớp 5 đã có hai năm là thành viên trong đội biểu diễn cồng chiêng của trường TH Võ Thị Sáu kể: “Cô giáo ở trường dạy em đánh cồng chiêng. Cô dạy em tìm được tim của cái chiêng để em gõ vào đúng cái tim của nó. Mỗi lần lễ hội em lại được thấy người làng mình múa xoang, đánh cồng chiêng. Em thích lắm. Nhưng ít có lễ hội lắm. Hôm nào được múa xoang, học nhạc cùng các bạn, em thấy như là hội. Em vui và hạnh phúc”.

Còn em Y Ri - cũng là một học sinh lớp 5 ở trường thì bày tỏ em cảm thấy rất tự hào như thế khi được mặc trang phục truyền thống của đồng bào mình đến trường học mỗi ngày thứ Hai và thứ Năm hàng tuần.

Chúng tôi có được dự một giờ dạy học âm nhạc truyền thống ngay trong lớp học đặc biệt được thiết kế theo đúng kiểu nhà rông ở trường, một buổi sinh hoạt ngoại khóa học múa xoang, biểu diễn cồng chiêng của các em. Theo nhịp dẫn của cô giáo Y Toănh - giáo viên bộ môn âm nhạc, tiếng cồng chiêng của các em học sinh nam vang xa ra ngoài lớp học; rồi hòa cùng vòng múa xoang của các em học sinh nữ trong sân trường. Sân trường rộn ràng như ngày hội.

Video: Giờ học nhạc ở trường TH Võ Thị Sáu (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum)

Chúng tôi cảm nhận được “niềm vui và hạnh phúc” như A Gun bày tỏ ấy trong ánh mắt lấp lánh của các em học sinh nơi đây. Niềm vui và hạnh phúc ấy như tiếp lửa cho cô giáo Y Toănh cùng các thầy cô giáo ở trường thêm tận tình chỉ bày từng điệu múa, tiếng trống, tiếng chiêng, hay từng bài học về văn hóa truyền thống cho học trò.

Cô giáo bộ môn âm nhạc dạy các em học sinh biểu diễn cồng chiêng theo phong cách của dân tộc mình
Cô giáo bộ môn âm nhạc dạy các em học sinh biểu diễn cồng chiêng theo phong cách của dân tộc mình

Học trò hào hứng với những buổi học về âm nhạc và các kiến thức về văn hóa truyền thống của bản địa
Học trò hào hứng với những buổi học về âm nhạc và các kiến thức về văn hóa truyền thống của bản địa

Đưa cồng chiêng, múa xoang vào trường học, hay vận động các em học sinh đến trường trong sắc phục truyền thống của đồng bào mình đến trường học thực tế cũng gặp không ít khó khăn. Như cô Trần Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu chia sẻ: “Để có được bộ cồng chiêng cho cô trò dạy và học như thế này, nhà trường phải tìm mượn của một nhà hiếm hoi còn giữ lại bộ cồng chiêng này. Còn để vận động học sinh đều mặc sắc phục đồng bào mình đến trường học, nhà trường phải quan tâm để biết nhà em học sinh nào quá khó khăn, để tìm cách hỗ trợ các em trang phục đi học bên cạnh hỗ trợ các em từng quyển tập, cây bút...”.

Nhưng chúng tôi tin vào điều mà bà Đinh Thị Lang - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum chia sẻ đầy kỳ vọng, rằng trong thực tế ngày nay ở địa phương, nhà sàn nhà rông không còn nhiều nữa. Múa xoang, biểu diễn cồng chiêng hay các nhạc cụ truyền thống khác, thậm chí cả sắc phục truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ mỗi khi có lễ có hội hiếm hoi mới rộn ràng. Song trong tâm thức các em học sinh, vẫn còn đó đời sống văn hóa tinh thần giàu bản sắc của dân tộc mình. Dạy các em học sinh từ cấp học nhỏ biết biểu diễn cồng chiêng, biết múa xoang, biết những câu truyện cổ gắn liền với đồng bào dân tộc mình... chính là giữ gìn gốc văn hóa bản địa trong trường học.

Để các học sinh được học, được trải nghiệm chính là cách mà ngành Giáo dục địa phương đã làm được để khơi nguồn ý thức tự hào về văn hóa truyền thống trong các em học sinh con em đồng bào dân tộc tại chỗ ở Kon Tum. Như A Gun được cô giáo ở trường bày cho cách tìm được tim của cái chiêng, để gõ đúng vào tim nó, để thấy vui và hạnh phúc. Như Y Ri thấy tự hào khi được mặc trang phục truyền thống của đồng bào mình đến trường học. Qua đó, các em tự nuôi dưỡng trong tim mình ý thức giữ gìn, bảo tồn những vốn quý văn hóa truyền thống của đồng bào mình từ tấm bé.

Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm