Học thi theo kiểu "ăn vào nhả ra", tủ rượu át... tủ sách
(Dân trí) - Việc học, thi chưa thoát được "thầy đọc trò chép", "ăn vào nhả ra" dẫn đến học mà không cần đọc; trong nhiều gia đình có tủ rượu, phòng karaoke nhưng không có tủ sách.
Nhiều vấn đề nhức nhối được nêu ra làm cho buổi tọa đàm với chủ đề tưởng như khô cứng "Tủ sách hay dành cho con trong gia đình - Tại sao không?" diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM vừa qua trở nên sôi nổi.
Nhạc sĩ, doanh nhân Phạm Uyên Nguyên, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý Quỹ CCAM cho rằng, trước đây chúng ta khó khăn, cơ hội tiếp cận ít, mọi thông tin, kiến thức đều phải "bắc cầu kiều", cậy hết vào người thầy.
Vậy nhưng, đến bây giờ, điều kiện, mọi thứ đã khác nhưng giáo dục vẫn chưa thoát nổi "thầy đọc trò chép". Lên lớp thầy đọc, trò tiếp nhận, chờ đến ngày đi thi là trả lại mà anh Nguyên ví von với hình ảnh "ăn vào nhả ra". Việc học và thi của chúng ta không gắn liền với việc đọc, không bắt người học không thể không đọc.
Anh Nguyên kể với cách học như vậy, khi mới ra nước ngoài du học, anh bị "sốc nhiệt". Được giáo viên giới thiệu đọc sách này, chương kia, bài báo nào nhưng không có thói quen, lười nên ông chỉ đọc mỗi giáo trình.
"Vào hôm sau vào lớp, mình đúng như con "ngáo ộp", nghe các bạn nói chuyện với thầy. Mình có đọc đâu, có biết gì mà nói. Các giáo sư người Mỹ nói với sinh viên, học 40% từ sách, 30% từ bạn và 30% từ ông thầy. Họ bắt mình phải đọc sách thì mới học được", anh Nguyên bộc bạch.
Sau đó, anh lao vào đọc và vỡ lẽ học từ sách hay đến vậy, có nhiều thứ chỉ có thể học bằng khả năng tự đọc của bản thân, thậm chí không cần lên lớp.
PGS. TS Hoàng Thị Tuyết cũng đưa ra con số, trẻ em chúng ta đọc trung bình 3 - 4 đầu sách/năm và trong đó, 2,8 đầu sách là sách giáo khoa . Nhiều trẻ hầu như không đọc sách nhưng thống kê gần đây cho thấy đến 78% trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng thiết bị công nghệ.
TS Tuyết nhấn mạnh, thói quen đọc phải hình thành từ sớm, để giành đứa trẻ khỏi sự cám dỗ của thiết bị công nghệ. Việc đọc sách giúp con có khả năng tập trung, chú ý, phát triển ngôn ngữ, rèn luyện tư duy...
Tủ rượu "át" tủ sách
Mỗi lần nói về văn hóa đọc của người Việt, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam không giấu nổi tiếng thở dài. Từ ngoài sân bay, nơi công cộng, theo ông Hoàng, người nước ngoài cầm sách đọc, còn mình cầm điện thoại hoặc tụm năm tụm bảy tán ngẫu.
Ông ngạc nhiên lẫn đau lòng khi qua nhiều khảo sát, nhiều gia đình ngày có tủ rượu nhưng không có tủ sách, có phòng xem tivi, thậm chí có phòng hát karaoke, phòng nghe nhạc, tập gym... nhưng lại không có chỗ đọc sách.
Theo ông Hoàng, đọc sách vừa giải trí vừa góp phần cho giáo dục nhưng lại ít được gia đình đầu tư. Trong khi, việc đọc sách cho trẻ theo ông, phải bắt đầu từ thói quen trong gia đình.
Đồng tình một nửa ý kiến này, anh Phạm Uyên Nguyên nêu quan điểm, thói quen đọc sách được hình thành từ hai cách: Sở thích và bắt buộc!
Ngoài gia đình, theo anh trẻ đến trường phải đọc sách như nội dung bắt buộc, không đọc thì không thể học, không thể thi. Thành công thay đổi phương thức giáo dục sẽ mở ra cho văn hóa đọc một hướng đi mới.
Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, nguyên chuyên viên Thư viện Phòng GD-ĐT Q.11, TP.HCM cho sẻ, dự thảo tổ chức hoạt động thư viện trường học bắt đầu được thực hiện từ năm 2020-2021 đã được Bộ GD&ĐT đồng thuận, quy định mỗi tháng có 2 - 4 tiết đọc sách tại thư viện dành cho tất cả các lớp; Cán bộ thư viện và giáo viên có trách nhiệm giới thiệu đến học sinh danh mục sách liên quan đến chương trình học.
Từ hàng ngàn cuốn sách, bà Nhung thông tin, bà cùng 50 giáo viên tiểu học chọn lọc ra khoảng 500 quyển sách, phù hợp với từng chủ đề, từng môn học. Hội Xuất bản đã thực hiện được danh mục này, hỗ trợ giáo viên, cán bộ thư viện đưa những quyển sách phù hợp cho học sinh và cả gia đình.