Học sinh yếu kém lịch sử: Lỗi tại chương trình!
(Dân trí) - “Phải giảm bớt khối lượng kiến thức trong chương trình học lịch sử. Đừng bắt học sinh học thuộc nhiều quá. Ngay cả tôi cũng không nhớ được những con số, sự kiện mà sách giáo khoa lịch sử đưa ra chứ đừng nói gì đến các bạn trẻ…”
Đó là ý kiến trao đổi với Dân trí của GS Đinh Xuân Lâm - một trong “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam (*), người đã có nhiều đóng góp cho nền sử học nước nhà và tham gia viết nhiều giáo trình lịch sử cho cả bậc THPT và đại học - về vấn đề làm thế nào để học sinh học tốt môn Lịch sử?
Thưa GS, điểm thi môn Lịch sử của học sinh phổ thông trong thời gian vừa qua quá thấp, thậm chí quá tệ, gây sửng sốt cho xã hội. Ý kiến GS về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi, kết quả học sử hiện nay của học sinh không đáng buồn, không đến nỗi phải kêu lên thảm hại như vậy. Nguyên nhân học sinh học chưa tốt môn lịch sử là tội của người lớn. Dân tộc ta có truyền thống yêu lịch sử nhưng vì người lớn có nhiều thiếu sót nên ham muốn học môn lịch sử của học sinh kém đi.
Như vậy, học sinh học yếu môn Lịch sử là lỗi tại người lớn?
Đúng. Đó là lỗi ở chương trình, sách giáo khoa lịch sử chưa được hoàn chỉnh. Hiện nay, những kiến thức trong sách giáo khoa được xem là “pháp lệnh”, giáo viên không được tùy tiện sửa đổi, mặc dù việc sửa đổi có thể giúp cho việc giảng dạy được hay hơn, hiệu quả hơn. Sách giáo khoa lịch sử hiện nay đã làm “thui chột” sự sáng tạo và chủ động của người giáo viên khi lên lớp.
Sách đề cập tới quá nhiều vấn đề nhưng lại bắt người dạy trong một tiết học 45 phút phải giảng dạy hết, ngay cả những câu hỏi kiểm tra thì người ta cũng “cẩn thận” viết luôn trong sách cho các giáo viên. Như vậy, người thầy chỉ lo dạy theo đúng sách giáo khoa, đúng chương trình của Bộ GD-ĐT mà không cần suy nghĩ, sáng tạo làm gì. Bản thân người thầy không hứng thú với bài giảng thì học sinh làm sao yêu sử được.
Theo GS, dạy - học Lịch sử phải có sáng tạo. Vậy sáng tạo ở đây như thế nào?
Sáng tạo ở đây mà mở rộng nghĩa ra không đóng khung ở kiến thức trong sách giáo khoa. Thầy nên mở rộng kiến thức và hướng dẫn gợi ý cho học sinh để sáng tạo hơn.
Đối với bậc phổ thông thì cách dạy của thầy là rất quan trọng.
Không nên bắt người dạy phải soạn giáo án theo đúng sách giáo khoa, đúng chương trình, người thầy phải chủ động chuẩn bị bài giảng, nêu chủ đề hướng dẫn cho học sinh học tập. Có như vậy học sinh mới thích thú, phát triển những điều họ tâm đắc trong khi học sử.
Phải giảm bớt khối lượng kiến thức trong chương trình học lịch sử. Đừng bắt học sinh học thuộc nhiều quá. Ngay cả tôi cũng không nhớ được những con số, sự kiện mà sách giáo khoa lịch sử đưa ra chứ đừng nói gì đến các bạn trẻ…
Được biết, GS cũng là người tham gia biên soạn sách giáo khoa rất nhiều. Vậy cuối cùng là lỗi học sinh học yếu môn Lịch sử là của người viết chương trình và sách giáo khoa?
Tôi cho rằng chương trình chưa hoàn chỉnh và sách giáo khoa cũng chưa hoàn chỉnh. Cần phải tổ chức biên soạn chương trình theo hướng cải tiến, hiện đại đừng có nặng nề. Không nên ôm đồm đưa các sự kiện lịch sử vào một mà chia ra cho nhẹ nhàng để học sinh tiếp nhận dễ dàng.
Cũng phải cải tiến không nên lấy nhiều tác giả vào biên soạn sách giáo khoa.
Trách nhiệm lớn nhất trong việc học sinh học yếu môn Lịch sử là Bộ GD-ĐT. Tôi thấy Bộ cũng có thay đổi trước thực trạng trên. Tôi mong muốn đứng về mặt nhà nước, Bộ GD-ĐT nên xây dựng một chương trình hoàn chỉnh, sau đó mới tiến hành xây dựng một bộ sách giáo khoa như vậy thì phải tăng cường các trường sư phạm làm thế nào đào tạo đội ngũ giáo viên dạy lịch sử chuyên tâm với nghề.
Xin cảm ơn GS!
(*): Gồm GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, cố GS Trần Quốc Vượng.
Hồng Hạnh