Kon Tum:
Học sinh vùng khó sáng tạo máy đa chức năng chạy bằng năng lượng mặt trời
(Dân trí) - Thấy cha mẹ vất vả trong việc dọn dẹp, lau chùi vệ sinh..., hai học sinh THCS ở huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã cùng nghiên cứu ra “Máy cầm tay tích hợp chức năng” hoạt động bằng năng lượng mặt trời.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất sỏi đá ở xã Đăk La (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), hai em Huỳnh Phương Nguyên và Phùng Thị Phương Hiền (cùng học lớp 9C, trường THCS xã Đăk La) luôn nỗ lực vươn lên trong quá trình học tập.
Không những thế, hai em còn rất đam mê khoa học - kỹ thuật và sáng chế ra nhiều loại máy hữu ích. Trong đó có chiếc “Máy cầm tay tích hợp chức năng” sử dụng bằng năng lượng mặt trời đã được nhà trường đánh giá cao.
Chiếc “Máy cầm tay tích hợp chức năng” hoạt động theo nguyên tắc tích điện, chuyển điện năng thành cơ năng. Sản phẩm này góp phần giảm bớt sức lao động của con người khi tiến hành các công việc như: lau chùi, chà nhám, cắt gạch, cắt sắt, cắt nhựa, cắt tỉa và mài (dao, kéo, cưa..) một cách nhanh chóng, mang lại hiệu quả cao.
Đặc biệt, sản phẩm sử dụng nguồn năng lượng từ mặt trời nên người dùng có thể sạc pin bất cứ khi nào trời có nắng. Dù đa chức năng nhưng chiếc máy lại làm từ những vật liệu dễ tìm kiếm như: ống nhựa, mô tơ, hệ thống dẫn điện, pin 3S, bình ắc quy, tấm pin năng lượng mặt trời, các lưỡi cưa, cắt...
Em Huỳnh Phương Nguyên chia sẻ, từ lâu em đã ấp ủ một chiếc máy như thế này nhưng vẫn chưa hình dung ra cách làm cụ thể. Những bài học trong môn Vật Lý và sự đóng góp ý kiến của bạn Hiền đã giúp em tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh, mang tính ứng dụng với thực tiễn cao.
“Trong đó quá trình chế tạo ra chiếc máy thì công đoạn khó nhất là lắp ráp mô tơ để máy hoạt động tốt, trơn tru. Trong quá trình thực hiện sản phẩm, nhiều lần chúng em đấu nối không thành công, sản phẩm còn thô sơ.
Qua mỗi lần như thế, hai chúng em đều mất ngủ và lên internet để tham khảo. Đồng thời, các khó khăn về kỹ thuật, chúng em đã mạnh dạn nhờ thầy cô giúp đỡ.
Sau khoảng 3 tháng, chiếc máy cầm tay tích hợp chức năng mới được hoàn thiện”, em Nguyên tâm sự.
Mặc dù là con gái, nhưng em Phùng Thị Phương Hiền có một niềm đam mê lớn đối với khoa học - kĩ thuật. Hiền cho hay, khi em tìm tòi, nghiên cứu lắp ráp máy cầm tay tích hợp chức năng, bố mẹ không ngăn cản mà chỉ nói “Con gái làm cái đó làm gì”.
Đến khi sản phẩm được hoàn thành và mang tính ứng dụng cao trong đời sống, bố mẹ em rất vui và tự hào. Bản thân em vô cùng hạnh phúc, bởi đây là sản phẩm đầu tay của mình mà có thể giúp đỡ bố mẹ, người dân bớt khó khăn, vất vả trong cuộc sống.
Thầy Dương Văn Thống - Hiệu trưởng trường THCS xã Đăk La cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi Khoa học kĩ thuật để học sinh tham gia.
Qua đó, đã tìm ra nhiều sản phẩm của các em học sinh có tính sáng tạo, áp dụng tốt vào thực tiễn để chọn lựa đi thi cấp huyện, cấp tỉnh.
“Sản phẩm máy cầm tay tích hợp chức năng của hai em học sinh chỉ với chi phí khoảng 500.000 đồng nhưng có ứng dụng cao trong đời sống, sản xuất.
Máy cầm tay tích hợp chức năng có thể lau, cắt cây, mài sắt... nên rất thiết thực với cuộc sống hàng ngày, đặc biệt với đặc thù tại Tây Nguyên”, thầy Thống nói.
Chiếc “Máy cầm tay tích hợp chức năng” của em Huỳnh Phương Nguyên và Phùng Thị Phương Hiền là sản phẩm đầu tiên của trường đạt giải Tư cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2019-2020.
Thời gian tới, sản phẩm này tiếp tục dự thi cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum tổ chức.
Phạm Hoàng