Quảng Ngãi:

Học sinh vào nhà vệ sinh xem... bích họa

(Dân trí) - Thay cho những bức tường rêu mốc, cũ kỹ... nhà vệ sinh của trường học lại được khoác lên mình những bức bích họa sống động, đầy sắc màu. Đây là cách làm hay mà các điểm trường trên địa bàn TP. Quảng Ngãi đang triển khai thực hiện nhằm xóa bỏ tâm lý "e ngại" nhà vệ sinh của các em học sinh.

Học sinh vào nhà vệ sinh xem... bích họa

Giờ giải lao, rất động học sinh trường Tiểu học Trần Phú (phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi) chạy ùa ra khu vực nhà vệ sinh xem các cô giáo vẽ tranh. Chăm chú xem những bức tranh tường, các em học sinh thích thú bàn luận về những hình vẽ.

Chỉ vào bức tranh 2 bông hoa hướng dương vươn những chiếc lá xanh đón dòng nước, em Nguyễn Quỳnh Anh - học sinh lớp 5D thích thú cho biết: "Các cô giáo vẽ hình này là muốn nhắc chúng em phải vệ sinh tay thật sạch sau khi đi vệ sinh".

Những bức tranh tường sinh động, đầy màu sắc biến nhà vệ sinh thành nơi thú vị
Những bức tranh tường sinh động, đầy màu sắc biến nhà vệ sinh thành nơi thú vị

Nhìn các cô giáo bộ môn Mỹ thuật của trường Tiểu học Trần Phú "thay áo" cho nhà vệ sinh, nhiều học sinh có năng khiếu vẽ cũng xin tham gia. Tỉ mẩn đưa từng nét cọ dưới sự "hướng dẫn" của các bạn học sau lưng, em Nguyễn Như Thảo - học sinh lớp 5A vui vẻ chia sẻ: "Lần đầu tiên em được vẽ bức tranh to thế này. Có tranh vẽ nhìn nhà vệ sinh đẹp quá".

Sau 3 ngày lao động, khu vực tường bên ngoài nhà vệ sinh trường Tiểu học Trần Phú đã được phủ kín bằng những bức tranh mang nghĩa giáo dục các em học sinh giữ gìn vệ sinh, tiết kiệm nước...

Học sinh thích thú tham gia vẽ tranh tường cùng thầy cô giáo.
Học sinh thích thú tham gia vẽ tranh tường cùng thầy cô giáo.

Theo cô Huỳnh Thị Thu Trang - giáo viên Tổng phụ trách đội trường Tiểu học Trần Phú, nhận thấy đây là một cách làm hay nên nhà trường đã cho triển khai nhằm tạo sự sinh động trong hoạt động giáo dục học sinh của nhà trường. Cái khó là phải tìm ra những hình ảnh vừa sinh động, dễ thương vừa mang ý nghĩa giáo dục phù hợp với lứa tuổi các em.

"Việc vẽ tranh sẽ được thực hiện cả bên ngoài và bên trong khu vực nhà vệ sinh. Phía bên ngoài là những hình ảnh nhắc nhở các em rửa tay đúng cách, bên trong là những hình ảnh nhắc các em phải khóa nước, giữ gìn vệ sinh chung khi sử dụng nhà vệ sinh".

Một bức tranh mang ý nghĩa giáo dục đang được cô giáo trường Tiểu học Trần Phú hoàn thành
Một bức tranh mang ý nghĩa giáo dục đang được cô giáo trường Tiểu học Trần Phú hoàn thành

Theo cô Huỳnh Thị Thu Trang, chỉ cần khoản kinh phí chưa đến 4 triệu đồng nhưng những bức tường khô khan đã trở nên sinh động, tạo hiệu ứng tốt đối với 1.800 học sinh của nhà trường. "Đây là ý tưởng hay tạo môi trường sinh hoạt sinh động cho trên 1.800 học sinh các khối lớp. Những hình vẽ là cách tốt nhất gửi đến các em học sinh nội dung giáo dục về bảo vệ sức khỏe, tăng cường ý thức giữ vệ sinh chung trong nhà trường", cô Trang khẳng định.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Nguyễn Thị Minh Thương - Phó Chủ tịch Hội đồng đội TP. Quảng Ngãi, chia sẻ: đa số nhà vệ sinh các trường học xuống cấp tạo tâm lý "e ngại" cho học sinh, điều này dễ gây tác động xấu đến tâm lý và sức khỏe các em. Để giải quyết thực trạng này, ý tưởng vẽ tranh tường lồng ghép những "thông điệp" giáo dục đã được triển khai đến 53 điểm trường Tiểu học và Trung học cơ sở của TP. Quảng Ngãi.


Những hình ảnh vui nhộn tạo tâm lý thoải mái cho học sinh, đặc biệt với các em học sinh tiểu học.

Những hình ảnh vui nhộn tạo tâm lý thoải mái cho học sinh, đặc biệt với các em học sinh tiểu học.

"Lúc đầu việc làm này chỉ được thí điểm ở 2 điểm trường và hiệu quả mang lại ngoài sức mong đợi. Tranh tường tạo được hứng thú đối với các em, đặc biệt là đối với học sinh tiểu học. Vì vậy chỉ trong vòng 1 tháng tất cả các điểm trường của TP. Quảng Ngãi đã đăng ký tham gia. Đến nay 15 trường hoàn thành việc trang trí tranh tường cho nhà vệ sinh", chị Nguyễn Thị Minh Thương cho biết.

Ngoài việc trang trí tranh vẽ, nhiều điểm trường của TP. Quảng Ngãi còn khuyến khích học sinh trồng những chậu cây xanh, hoa tươi đặt ở khu vực hành lang nhà vệ sinh. Những ý tưởng thú vị này đã biến nơi học sinh từng "e ngại" thành một nơi đầy... thú vị.

Hà Xuyên