Học sinh TPHCM “xin” giảm áp lực cho thầy cô
(Dân trí) - Sáng nay, trong chương trình lãnh đạo TPHCM gặp gỡ thiếu nhi đầu năm Kỷ Hợi 2019, học sinh đề xuất với lãnh đạo giảm áp lực thành tích cho thầy cô. Ngoài ra, có học sinh phản ánh đón Tết không vui vì thấp thỏm lo làm bài tập được giao.
Chương trình lãnh đạo TPHCM gặp gỡ thiếu nhi đầu năm Kỷ Hợi 2019 mang chủ đề "Đội viên, học sinh thành phố chung tay bảo vệ môi trường". Nhưng cũng như các năm trước, nhiều học sinh (HS) tiếp tục bày tỏ các vấn đề liên quan đến áp lực học tập.
Học sinh tham dự chương trình gặp gỡ lãnh đạo TPHCM
Em Võ Ngọc Thủy Tiên, HS Trường Nguyễn Văn Luông, Q,6 lên tiếng "xin" các bác lãnh đạo hãy giảm áp lực cho giáo viên (GV). Hiện GV đang bị áp lực thi đua, xét lớp nào có nhiều HS giỏi, điểm cao... mà HS có thể nhìn thấy.
Theo em Thủy Tiên, chính vì vậy nên "Khi lên lớp thầy cô bị dồn nén, chạy đua về kiến thức làm cho HS rất khó để để tiếp thu và gây sự mệt mỏi, căng thẳng cho thầy trò trong mỗi tiết học".
Em Võ Ngọc Thủy Tiên "xin" lãnh đạo giảm áp lực để thầy cô vui vẻ hơn với học sinh, với việc dạy học
Em Tiên cũng đề nghị lãnh đạo thành phố có thể tổ chức buổi đối thoại với GV về mong muốn giảm áp lực để tiết học trên lớp vui vẻ hơn.
Trong khi đó, em Đồng Vân Anh, HS Trường THCS Trung Lập, Củ Chi kể lại những ngày Tết vừa qua của mình và bạn bè trong lớp chỉ chăm chăm làm bài tập. GV giao bài tập rất nhiều, các em đón Tết nhưng không vui khi cứ phải thấp thỏm làm bài tập cho xong.
Theo Vân Anh, đợt Tết vừa rồi em phải làm rất nhiều bài tập các môn Văn, Toán, tiếng Anh. Đến tối mùng 6 Tết, em vẫn phải tranh thủ làm cho xong để kịp mùng 7 đi học lại. Vân Anh mong muốn, các lãnh đạo có ý kiến để giảm áp lực bài vở cho HS trong các dịp nghỉ lễ.
Học sinh Đồng Vân Anh kể về việc đón Tết mất vui vì bài tập ngày Tết
Em Vân Anh cũng chia sẻ, TPHCM đang có mô hình thư viện thông minh rất ý nghĩa với trẻ em nhưng chỉ nằm ở trung tâm nên HS ở ngoại thành rất ít cơ hội để học tập. Em mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng giúp HS các vùng được tiếp cận.
Trước thực tế mỗi ngày đi học phải mang rất nhiều sách sách vở, em Trương Tấn Phát, HS Trường THCS Hoàng Quốc Việt, Q.7 chỉ ra, có những hôm học 8 tiết, em phải mang riêng vở đã hơn chục cuốn.
Phát cho rằng với những môn học ngắn gọn như Giáo dục công dân, Lịch sử rồi môn Mỹ thuật, Kỹ thuật, HS có thể tích hợp ghi chung trong một cuốn để tối giản cho học trò.
Nhiều HS cũng nêu ý kiến về việc HS hiện nay họ đến mụ mị, họ đến nỗi không biết mục đích học, việc học không xem trọng việc thực hành vẫn đang diễn ra lâu nay.
Em Huỳnh Thị Thùy Dương (HS Trường THCS Tân Tạo, Q. Bình Tân) cho biết, hàng này các em phải làm bài tập rất nhiều, học từ sáng đến tận trưa, có hôm 12h mới được nghỉ ngơi dẫn đến sự mệt mỏi, uể oải ở học trò.
Một HS cũng nêu ý kiến cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường diễn ra với rất nhiều hình thức không hề giảm mà còn có xu hướng tăng. Thậm chí, có những vụ việc bạo lực xảy ra đã được xử lý nhưng sau đó, nạn nhân lại càng bị bạo hành.
Đại diện ngành Giáo dục thành phố, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó GĐ Sở cho biết, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM ghi nhận các ý kiến của các em. Nhiều vấn đề HS nêu ý kiến như giảm áp lực học tập, giảm lý thuyết, tăng thực hành... cũng đang được ngành Giáo dục thành phố triển khai từ năm học qua theo hướng dẫn của Bộ và tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
Bà Thu cũng thông tin một số chủ trương, chính sách của Sở GD-ĐT về các vấn đề HS phản ánh như chương trình hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống, đổi mới giáo dục, an toàn học đường, an toàn giao thông...
Chương trình lãnh đạo TPHCM gặp gỡ thiếu nhi đầu năm là hoạt động thường niên của TPHCM để lãnh đạo lắng nghe, ghi nhận ý kiến của thiếu nhi, HS về các vấn đề trong đời sống. Năm nay, có 170 em đội viên, thiếu nhi tiêu biểu của thành phố tham dự chương trình.
Hoài Nam