Học sinh than chương trình học “lạc hậu”

(Dân trí) - Học sinh than phiền về một số môn học còn thiếu thực tế, thông tin trò được tiếp cận nhiều nhưng hạn hẹp và lạc hậu.

Nhiều nội dung liên quan đến chương trình giáo dục, đời sống học đường và cả các vấn đề xã hội được học sinh (HS) THPT đề cập trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM sáng 21/3.

Gần 150 học sinh THPT tham gia đối thoại cùng lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM. 
Gần 150 học sinh THPT tham gia đối thoại cùng lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM. 

Chương trình “lạc hậu” hơn học trò

Em Nguyễn Hữu Thái Anh, HS Trường THPT An Đông, Q.5 cho hay, rất nhiều sự kiện lịch sử dân tộc, đặc biệt là sau năm 1975 - giai đoạn gần với thế hệ ngày nay nhất - sách giáo khoa không nhắc đến, HS không được học. Thông tin về Trường Sa - Hoàng Sa và những vấn đề liên quan đến hai quần đảo này đến với HS cũng chưa thật đủ.

Thái Anh đặt ra vấn đề HS hiện nay có điều kiện tiếp cận nhiều kênh thông tin. Nếu nội dung chương trình trong nhà trường không theo kịp thì sẽ trở nên lạc hậu. HS vừa mất niềm tin vào những gì mình được học vừa hoang mang với các thông tin bên ngoài tiếp cận được.

Một học sinh đặt chia sẻ tâm tư tại buổi đối thoại.
Một học sinh đặt chia sẻ tâm tư tại buổi đối thoại.

Có cùng suy nghĩ, Cao Thanh Liêm, HS Trường Thiếu Sinh Quân bày tỏ, các em được nghe nhiều, nhắc nhiều về trận chiến Gạc Ma nhưng đáng tiếc là không phải ở trong trường học.

“Tại sao những vấn đề như vậy không đưa vào trường học?”. Liêm đặt câu hỏi và cho rằng có liệu có phải vì vậy mà HS luôn thấy môn Sử khô khan?

Môn tin học được nhiều em mổ xẻ nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, môn học này đưa nội dung về Pascal vào đã quá lỗi thời, không theo kịp thời đại, trong khi những nội dung có thể ứng dụng các em lại không được học chuyên sâu.

“Chúng em được học sử dụng Powerpoint nhưng hầu hết HS không làm được để ứng dụng trong thuyết trình. Những bạn làm được phần lớn học từ bên ngoài”, em Nguyễn Hoàng Linh Phương, HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đưa ra ví dụ về nội dung chương trình đang học thứ không cần, thứ cần thì không được học đến nơi.

Một số em cũng bày tỏ cách học ngoại ngữ ở trường rất nặng về ngữ pháp, chưa thật sự chú trọng đến việc luyện các kỹ năng, HS muốn học tốt ngoại ngữ chỉ có cách theo học ở các trung tâm. Đi kèm những băn khoăn về nội dung môn học không ít HS chia sẻ những lo lắng về thay đổi quá nhanh chóng trong kỳ thi tốt nghiệp và ĐH - CĐ sắp tới. 

Người học cần chủ động

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM gặp gỡ HS trong buổi đối thoại, ông Nguyễn Hoài Chương bày tỏ với các em: “Thời của tôi, chương trình các môn học như Lý, Hóa rất nhẹ nhàng. Hiện nay chương trình nặng, còn nhiều nội dung học không biết để làm gì là hệ quả thời gian dài chúng ta làm chưa tốt”.

Theo ông Chương, chương trình của Bộ có những yêu cầu nhất định. Nhiều nội dung có thể chưa kịp cập nhật ngay trong chương trình sách giáo khoa.

Một học sinh đặt chia sẻ tâm tư tại buổi đối thoại.
Ông Nguyễn Hoài Chương - Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, chính các em HS phải xác định được vai trò của mình trong việc tiếp cận tri thức.

Riêng TPHCM, chỉ đạo về đổi mới giáo dục được thực hiện cả chục năm trước, không phải đến năm nay mới làm. Theo đó, các trường, giáo viên hoàn toàn có thể chủ động đổi mới phương pháp, không bị ràng buộc bất kỳ điều gì.

Ông Nguyễn Hoài Chương khẳng định Sở GD-ĐT TPHCM đặt hiệu quả dạy học trong từng tiết học là tiêu chí số 1. Giáo viên không nhất thiết phải dạy hết chương trình trong sách giáo khoa mà hoàn toàn có thể chủ động, mở rộng miễn sao chất lượng dạy học thật sự.

“Học Ngoại ngữ còn bắt HS tập trung cho ngữ pháp là không ổn. Giáo viên đều phải hiểu phương pháp học tốt nhất là theo quy trình nghe nói đọc viết”, ông Chương nói.

Ông phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cũng nhấn mạnh giáo dục trước đây được hiểu là quá trình truyền thụ kiến thức của người dạy sang người học. Còn giờ, mục đích của giáo dục là nhằm phát huy năng lực, phẩm chất của người học. Không riêng phía nhà trường, giáo viên mà vai trò của người học cũng mang tính quyết định.

Ngoài việc cần giảm tải chương trình, tăng thực hành ứng dụng, thay đổi phương pháp dạy học, ông Nguyễn Hoài Chương cho rằng, người học phải xác định được vai trò của mình trong việc học. Qua đó, nâng cao tính tự học, tự tìm hiểu khai phá trí thức song song với việc rèn luyện phẩm chất, kỹ năng. 

Khi đó chuyện học lệch, quy chế thi thế nào, thi bao nhiêu môn sẽ không còn là điều phải lo lắng như nhiều câu hỏi của HS trong buổi đối thoại.
 

Từ năm 2009, 6 năm liên tiếp, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức diễn đoàn đối thoại với HS bậc THPT. Đây là dịp để lãnh đạo nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của các em để thay đổi, điều chỉnh phù hợp. Năm nay có 148 HS đại diện cho nhiều trường THPT tham gia buổi đối thoại.

Hoài Nam