Học sinh mang thuốc lá điện tử vào cổ như vòng trang sức
(Dân trí) - Nhiều học sinh chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá điện tử. Thậm chí có em mang thuốc lá điện tử vào cổ như vòng trang sức để sử dụng.
Chiều 15/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, Tỉnh đoàn Nghệ An và báo Tiền phong tổ chức Chương trình truyền thông "Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử và chất gây nghiện mới".
Chương trình có sự tham gia của gần 1.500 học sinh Trường THPT Nguyễn Duy Trinh (huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử ở mọi lứa tuổi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một loại thuốc lá mới gây hại cho sức khỏe người sử dụng thậm chí còn hơn thuốc lá truyền thống. Trong khi đó, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam chưa có điều khoản quy định về loại thuốc lá "mới nổi" này.
Theo thông tin từ Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Đáng lo ngại, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020).
Các cuộc điều tra xã hội học cho thấy, tỉ lệ hút thuốc lá truyền thống trong lứa tuổi 13-15 tại Việt Nam đang giảm dần, từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2002). Trong khi đó, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh tại Việt Nam là 2,6% (năm 2019), tăng lên 3,5% vào năm 2022.
Từ thống kê trên có thể thấy, chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể và đang gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh.
Điểm chung của các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới (có trong thuốc lá điện tử) có những biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, không kiểm soát được hành vi, tổn thương não và nhiều cơ quan khác. Đáng chú ý, các mẫu xét nghiệm ma túy hiện nay cho thấy trong thuốc lá điện tử có sự pha trộn của 3-4 chất gây nghiện.
Theo Đại úy Trần Văn Thắng - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Nghệ An - thuốc lá điện tử có mặt trên thị trường hiện nay có nguồn gốc từ nước ngoài, được thẩm lậu vào Việt Nam. Điều đáng lưu tâm là đối tượng sử dụng thuốc lá điện tử hiện này còn có nhiều nữ sinh.
"Có học sinh còn mang cả thuốc lá điện tử trước ngực như vòng trang sức để sử dụng", Đại úy Thắng nói.
Trong khi đó, theo tiến sĩ Dương Thị Thanh Thanh - Phó Trưởng khoa tâm lý giáo dục, Trường Sư phạm, Đại học Vinh - học sinh hút thuốc lá điện tử và tiếp cận sớm với chất gây nghiện mới chủ yếu do tâm lý muốn thể hiện, khẳng định bản thân. Nhiều trường hợp bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, thậm chí là ép buộc sử dụng thuốc lá điện tử.
Bà Thanh cho rằng, gia tăng tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử là chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của nó đối với sức khỏe.
Thông qua phần giao lưu với khách mời, các học sinh được cung cấp thông tin nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ, tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, qua đó, xây dựng lối sống lành mạnh, môi trường không khói thuốc lá.
Tại chương trình, hàng nghìn học sinh Trường THPT Nguyễn Duy Trinh đã ký cam kết không sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử và chất gây nghiện mới; cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.