Chương trình Giáo dục phổ thông mới:

Học sinh được đào tạo kĩ năng tối thiểu của chiến sĩ bộ binh

(Dân trí) - Một trong những điểm quan trọng đáng chú ý trong chương trình Giáo dục phổ thông mới là học sinh lớp 10, lớp 11 sẽ thực hiện thành thạo các kĩ năng tối thiểu của chiến sĩ bộ binh, kĩ năng phòng thủ dân sự và thực hành “trải nghiệm quân trường”...

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Doãn Thuật, nguyên cán bộ Vụ Giáo dục Quốc phòng Bộ GD-ĐT cho biết, quán triệt tinh thần đổi mới theo Nghị quyết của Trung ương Đảng, với tính đặc thù giáo dục quốc phòng an ninh (GDQPAN) trong giáo dục phổ thông phải giải quyết được mâu thuẫn giữa yêu cầu bắt buộc với việc tự chọn môn học trong định hướng cấu trúc chương trình tích hợp và phân hóa ở mỗi cấp học.

Để giải quyết hài hòa giữa tính chất bắt buộc của môn học được quy định trong Luật GDQPAN với “yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”, GDQPAN phải là một bộ phận được gắn kết chặt chẽ trong nghĩa vụ công dân, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, giáo dục quốc phòng và an ninh trong chương trình giáo dục phổ thông mới được lồng ghép, tích hợp với các môn học khác.


Học sinh hào hứng với chương trình học Giáo dục an ninh quốc phòng

Học sinh hào hứng với chương trình học Giáo dục an ninh quốc phòng

Thưa ông, với tính chất đặc thù của môn học quốc phòng an ninh như vậy sẽ tích hợp vào dạy cùng với môn học nào?

Môn học có nội dung tương ứng (xét về nghĩa vụ công dân), thì đó chính là môn học giáo dục công dân. Trong giáo dục công dân ở mỗi cấp học với các tên gọi khác nhau: Giáo dục lối sống (cấp tiểu học), Giáo dục công dân (cấp trung học cơ sở) và Công dân với Tổ quốc (cấp trung học phổ thông).

Tuy nhiên, thực chất GDQPAN là giáo dục công dân, có kiến thức bước đầu về bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ công dân để bảo vệ Tổ quốc, trong điều kiện thời bình. Vì vậy, Dự thảo mới đã đổi tên môn học thành Công dân với Tổ quốc để tránh hiểu nhầm rằng không còn GDQPAN. Tuy nhiên, theo tôi vẫn có thể gọi là môn Giáo dục công dân, trong đó sẽ bố trí mạch riêng kỹ năng quân sự cần thiết.

Việc dạy tích hợp trước hết nhằm giảm số môn học bắt buộc, học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn các môn học yêu thích, các môn học định hướng nghề nghiệp theo sở trường, để phát triển tốt hơn năng lực của người học. Vậy, điểm nhấn về đổi mới GDQPAN trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ như thế nào, thưa ông?

Việc tích hợp GDQPAN trong môn học Công dân với Tổ quốc không làm mất đi môn học bắt buộc được quy định trong Luật GDQPAN mà chỉ là tên gọi khác. Bởi vì Công dân với Tổ quốc là một trong 4 môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó GDQPAN được bố trí theo mạch riêng, với thời gian giữ nguyên như chương trình cũ (năm 2006), đồng thời có trong một số chủ đề tích hợp.

Bố trí một số nội dung GDQPAN trong trong môn học khác của cấp tiểu học, trung học cơ sở (trước đây chưa có), thể hiện việc quán triệt tinh thần Luật GDQPAN được quy định đối với GDQPAN trong trường tiểu học, trung học cơ sở.

Mặt khác, việc sắp xếp, đổi mới lại như vậy chỉ thực hiện đối với giáo dục phổ thông; giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học vẫn giữ nguyên quy định môn học GDQPAN riêng biệt.

Học sinh được trải nghiệm các quân, binh chủng kỹ thuật của Quân đội, Công an

Được biết, chương trình giáo dục phổ thông của các nước Châu Âu, không bố trí chính khóa giáo dục quốc phòng, mà chỉ hoạt động trải nghiệm là chủ yếu. Chương trình giáo dục an ninh quốc phòng của Việt Nam có như vậy không?

Việc bố trí tích hợp GDQPAN trong giáo dục công dân bảo đảm hội nhập quốc tế; gắn kết chặt chẽ trong quy chế giáo dục chung của các cấp học giáo dục phổ thông; không làm tách rời, khác biệt GDQPAN trong trường phổ thông (cho đến thời điểm này GDQPAN vẫn tồn tại quyết định ban hành chương trình riêng biệt). Như vậy việc bố trí GDQPAN trong môn học Công dân với Tổ quốc đã thực sự “hội nhập” GDQPAN trong chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới.

Khi nghiên cứu thực hiện đưa GDQP tích hợp vào môn giáo dục công dân, chúng tôi cũng đã tham khảo chương trình giáo dục phổ thông của các nước Châu Âu, không bố trí chính khóa giáo dục quốc phòng, mà chỉ hoạt động trải nghiệm là chủ yếu. Một số nước tổ chức học giáo dục quốc phòng có thời gian dài, thực chất là huấn luyện quân sự bắt buộc ngoài thời gian quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, nhằm đáp ứng trực tiếp cho chiến tranh, ví dụ Hàn Quốc, Ixraen...

Trong định hướng cấu trúc chương trình môn học lần này được bố trí thành mạch riêng trong môn học Công dân với Tổ quốc, bảo đảm tính kế thừa, phát triển có chọn lọc nội dung mới, tương tác kiến thức chung giáo dục phổ thông; lược bỏ những nội dung khó, thiếu thực tế hoặc chưa thực sự cần thiết với học sinh THPT và điều kiện bảo vệ Tổ quốc trong thời bình. Đồng thời, bổ sung kiến thức mới trong giai đoạn hội nhập và phát triển kinh tế hiện nay và “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

Cấu trúc nội dung học của chương trình giáo dục quốc phòng gồm những gì thưa ông?

Cấu trúc kiến thức ở cấp THPT chia làm 2 giai đoạn. Trong mỗi giai đoạn đưa ra hệ thống năng lực cho người học như năng lực hiểu biết và thực hành, năng lực suy luận và sáng tạo, trên cơ sở đó phát triển năng lực cá nhân trong mối quan hệ với tập thể, xã hội.

Trong giai đoạn đầu (lớp 10, lớp 11): học sinh thực hiện thành thạo các kĩ năng tối thiểu của chiến sĩ bộ binh, kĩ năng phòng thủ dân sự (không bao gồm kĩ thuật quân chủng, binh chủng và không bắn đạn thật). Thực hành “trải nghiệm quân trường” bằng các hình thức tham quan luyện tập chiến đấu của các đơn vị binh chủng hợp thành, bảo tàng quân sự, an ninh.

Trong giai đoạn sau (lớp 12) học sinh được tìm hiểu nghề nghiệp sĩ quan quân đội, công an. Phát triển năng lực nhận thức về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Học sinh được trải nghiệm các quân, binh chủng kỹ thuật của Quân đội, các đơn vị chuyên môn của Công an; từ đó có tình cảm, ý chí thi tuyển vào một trường Quân đội, Công an.

Chương trình được bố trí linh hoạt, gần gũi thiết thực với địa phương, cơ sở như dành thời gian để học sinh được nghiên cứu lịch sử, truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc ở địa phương mình. Các địa phương vùng rừng núi: học sinh có cơ hội nghiên cứu sâu thêm nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ biên giới quốc gia trên đất liền; học sinh vùng biển có điều kiện nghiên cứu sâu thêm: bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc.

Với định hướng cấu trúc trên đây sẽ quán triệt sâu sắc quan điểm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông, giảm áp lực thời gian, hạn chế các nội dung khó, nội dung chưa cần thiết với học sinh THPT, dành thời gian cho các môn tự chọn, các môn hướng nghiệp; thực hiện phương châm dạy học tích hợp và phân hóa, tăng cường năng lực tư duy và thực hành của học sinh.

Tuy nhiên, đòi hỏi giáo viên phải nâng cao trình độ  đáp ứng yêu cầu giảng dạy tích hợp và phân hóa với yêu cầu tăng cường năng lực cho người học. Việc biên soạn sách giáo khoa cũng đòi hỏi những kiến thức tổng hợp của môn học và kĩ thuật biên soạn để chuyển tải được đầy đủ, chính xác mục tiêu, yêu cầu và nội dung chương trình.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)