Học sinh bị giáo viên “bêu” vì điểm số
(Dân trí) - Không chỉ gánh áp lực, kỳ vọng điểm số từ phụ huynh, không ít học sinh phải đối diện với sự "cuồng" điểm số, thành tích một cách thái quá từ giáo viên.
Sau khi con có điểm học kỳ 2, vợ chồng nhà chị H. buồn mấy ngày liền. Buồn không phải vì con chỉ được 8 điểm mà vì thương con.
Cháu học lớp 2, sơ suất khi làm bài là chỉ ghi kết quả vào chỗ ba chấm mà không khoanh vào kết quả đúng nên chỉ được 8 điểm. Sau đó, cô giáo gọi từng bạn có điểm 7, điểm 8 lên bục giảng, đưa bài thi của các con lên láy chiếu và phê bình trước lớp. Các con phải viết bảng kiểm điểm.
"Con tôi được 8 điểm, cháu về khóc nghẹn không thành tiếng, nước mắt rơi lã chã. Cháu sợ hãi và xấu hổ. Gia đình phải động viên, trấn an con rất nhiều cháu mới bình tâm. Tôi còn nói, ngày trước bố đi học còn chưa bao giờ được 8", ông bố thở dài.
Đó cũng là câu chuyện của chị N.T.T., phụ huynh có con học lớp 6 tại một trường điểm ngay giữa trung tâm TPHCM. Vì sai sót, con chị đạt điểm 7 môn tiếng Anh ở bài kiểm tra một tiết mà ngay sau đó, cô giáo chỉ đích danh con giữa lớp là "học sinh (HS) tôi chưa từng ai có điểm tệ như vậy".
Chưa kể, vì con điểm này mà con chị T. được nêu tên ra giữa buổi họp phụ huynh vì làm ảnh hưởng đến kết quả chung của lớp, của cô giáo.
Người mẹ cũng bị "sốc" khi trước kỳ kiểm tra học kỳ, cô chủ nhiệm tuyên bố với HS em nào đạt điểm 8 môn cô dạy thì sẽ bị phê bình trường lớp, trước buổi họp phụ huynh cuối năm. Để rồi con chị ôn thi trong nỗi sợ hãi, hoảng loạn tột cùng.
Học trò gặp phụ huynh "cuồng" điểm số đã khổ nhưng gặp giáo viên (GV) "say" thành tích, điểm số của HS thêm áp lực gấp bội lần. Phụ huynh ở tâm thế mong muốn con đạt mức này, mức kia, không được thì tiếc nhưng với những GV, nhất là những người tôn sùng danh hiệu "GV giỏi", họ sẽ làm mọi cách để HS phải đạt được điểm cao.
Nhẹ nhàng thì ôn tủ, chỉ các chiêu "kỹ xảo" khi làm bài, thêm nữa thì bắt bạn giỏi phải chỉ bài cho bạn kém hay chính GV "gian lận" trong tổ chức kiểm tra, thi cử để "kéo" điểm của học trò.
Cũng vì chỉ chăm chăm vào điểm số, nhiều GV mất kiểm soát bản thân, đối xử thô bạo hay bạo hành học sinh, đạp lên cả những giá trị làm thầy, làm người. Có học sinh bị cô đánh bầm tím tay vì điểm thi thấp, viết chữ xấu; có học sinh bị cô phạt, xỉ nhục trước lớp vì... không cho bạn xem bài. Hay trường hợp mới nhất là Hải Phòng, hai cô giáo đánh HS lớp 2 tới tấp trong giờ kiểm tra với lý do sợ các em không làm được bài.
GV "khát điểm" của học sinh đến nỗi vào các dịp thi học kỳ, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM phải ra chỉ đạo, GV không được nhắc bài, giải bài trong khi coi và tùy tiện nâng điểm, hạ điểm khi chấm bài làm của HS.
Nhiều học trò bị đày dọa vì điểm số (Ảnh minh họa)
TPHCM cũng có quy định, GV không được công bố tên và điểm số của HS dưới bất kỳ hình thức nào trong buổi họp với phụ huynh và sinh hoạt với HS. Nhưng trên thực tế, nhiều GV vẫn "nắm" điểm số như một thứ quyền lực ở trong tay.
Nhiều người vui mừng hay đau khổ đều vì con số trên bài kiểm tra của học sinh - bất chấp là điểm thật hay điểm giả - chứ không phải ở sự tiến bộ, sự trưởng thành của học sinh. Tất cả những điều vượt quá lý lẽ vì muốn tốt cho các em.
Không ít GV "ru ngủ" mình với danh hiệu "GV giỏi" từ những con điểm, thành tích của học trò. Họ chỉ chấp nhận điểm số, không chấp nhận học sinh. Và cũng có thể đồng nghĩa với việc họ chấp nhận trừng phạt, đòn roi thay cho dạy dỗ, yêu thương.
Nói như một nhà giáo dục, giáo dục cuối cùng phải tạo ra con người tuyệt vời chứ không phải tạo ra các con số tuyệt vời.
Nhưng đáng tiếc, chúng ta đang làm ngược lại, trong đó có sự "góp sức" không nhỏ từ sự cuồng thành tích, danh hiệu của người thầy.
Lê Đăng Đạt