Học phí - Ác mộng hay nốt nhạc vui?

(Dân trí) - Chắc hẳn là ít có ông bố, bà mẹ nào có niềm vui trọn vẹn trong ngày khai trường của con nếu phải luôn canh cánh về nỗi lo học phí. Mỗi tin đồn học phí sẽ tăng đối với nhiều phụ huynh thực sự như sắp phải đối mặt với bão tố vậy.

Nhưng chắc hẳn học phí không hoàn toàn như là sự hiện diện của "ác mộng". Thậm chí đôi khi nó còn như là những nốt nhạc vui ẩn chứa trong đó biết bao nhiêu "cái tình" của những người làm công tác quản lý giáo dục.

 

Đâu đâu cũng có chế độ miễn, giảm học phí!

 

Ngay từ năm 2005, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định miễn học phí và quĩ xây dựng trường cho những học sinh hoặc gia đình học sinh có cha, mẹ bị nhiễm chất độc da cam. Ngoài ra, học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã Nhơn Lý, Nhơn Hội và Nhơn Hải thuộc thành phố Qui Nhơn còn được giảm thu 50% học phí.

 

Đồng Nai: Từ năm 2001-2005 đã thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho 175.000 lượt học sinh với tổng số tiền là 5,25 tỉ đồng.

 

TPHCM: Năm học 2006-2007 đã có khoảng 49.000 hộ thuộc diện chính sách được miễn giảm học phí với 11 tỉ đồng, trong năm học này, số tiền miễn giảm học phí dự kiến còn tăng lên gấp nhiều lần với tổng số tiền là khoảng 34 tỉ đồng. Trong các năm học trước, năm học nào số tiền miễn giảm học phí cho học sinh nghèo cũng lên đến hàng chục tỉ đồng.

 

Như trong năm học 2004 - 2005, HS thuộc hộ nghèo (mức thu nhập bình quân đầu người dưới 4 triệu đồng/năm) học tại các trường từ mầm non đến THPT hệ công lập và bán công; các trường bổ túc văn hóa và các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP đều được miễn giảm học phí.

 

HS thuộc hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/năm trở xuống được miễn 100%; HS thuộc hộ nghèo có thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/người/năm được miễn 50% học phí (kể cả học phí buổi thứ hai của trường dạy hai buổi/ngày) và tiền xây dựng cơ sở vật chất theo qui định. 

 

Còn tại ĐH Bách khoa TPHCM, từ năm học 2006 - 2007, sinh viên là thành viên hộ dân trong khu vực giải tỏa (bị thu hồi đất) để thực hiện quy hoạch thuộc các dự án đang tiến hành công tác bồi thường nhưng chưa thực hiện được cũng được miễn giảm 50% học phí trong 3 năm học.

 

Trong nhiều năm qua, năm nào số học sinh được miễn giảm học phí của tỉnh Cà Mau cũng lên đến hơn 5.000 em. Được biết, toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên dưới 5.166 hộ người dân tộc Khmer, khoảng 25% trong tổng số đó là hộ nghèo, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, vất vả. Miễn học phí là hình thức thiết thực nhất để động viên các em tới trường...

 

Học phí tăng có thực sự đáng sợ?

 

Theo Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, nếu tiếp tục duy trì khung học phí hiện hành (ban hành từ năm 1998) thì khó có thể nâng chất lượng giáo dục. Hiện nay, mức trần học phí đại học là 180.000 đồng/tháng. Nếu không tăng chi phí đào tạo và chỉ cộng tốc độ trượt giá từ năm 1998 đến năm 2010 thì khung học phí cũng đã phải thay đổi.

 

Tuy nhiên, dù tăng học phí thì người nghèo cũng không sợ mất cơ hội đến trường. Học sinh THCS nông thôn còn có thể được miễn học phí.

 

Học phí sẽ thu theo khả năng chi trả của người dân theo mức mỗi hộ dân dành 4 - 6% thu nhập cho việc đóng học phí. Mức thu nhập của hộ dân nào cao thì học phí sẽ cao và như vậy, học phí của một phụ huynh ở miền núi Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng... phải đóng cho con mình cũng sẽ khác mức học phí của một phụ huynh ở Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM...

 

Ông Nhân khẳng định, mức học phí mới sẽ đảm bảo cho học sinh nghèo đóng ít, nhưng không phải vì đóng ít mà chất lượng đào tạo kém. Bộ sẽ phải "điều tiết" để chất lượng đào tạo không quá chênh lệch giữa các vùng miền.

Mai Minh