Học ngoại ngữ hoàn toàn có hiệu quả chỉ với điện thoại thông minh

(Dân trí) - Theo diễn giả Hà Văn Sinh chia sẻ, điện thoại thông minh là một công cụ hiệu quả khi ứng dụng trong học tập đặc biệt là tiếng Anh nhưng cũng đồng nghĩa với việc khối lượng công việc lớn hơn cho giáo viên.

Ngày 9/11, tại khách sạn Daewoo (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị giảng dạy tiếng Anh (VUS Tesol 2018) với chủ đề: “Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh: Sáng tạo và Cải tiến” thu hút sự tham gia của hàng trăm người dạy và học tiếng Anh.


Hội nghị giảng dạy tiếng Anh với chủ đề: “Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh: Sáng tạo và Cải tiến”

Hội nghị giảng dạy tiếng Anh với chủ đề: “Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh: Sáng tạo và Cải tiến”

Hội nghị giảng dạy VUS TESOL lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội có sự góp mặt của 8 diễn giả quốc tế và trong nước đến từ các tổ chức uy tín quốc tế như Oxford University Press, MacMillan, National Geographic Learning …

Ngoài các chủ đề như “Tối ưu hóa tiềm năng công nghệ vào kiểm tra ngoại ngữ”; “Tận dụng công nghệ tạo động lực học tập cho học sinh trung học”; “Học ngôn ngữ thông minh - Sử dụng công nghệ giúp tối đa hóa tiềm năng của con người”;... thì chủ đề “Smartphone có hiệu quả trong lớp học tiếng Anh tại Việt Nam?” do diễn giả Hà Văn Sinh - chia sẻ nhận được nhiều sự quan tâm vì gần gũi và thiết thực.

Theo ông Hà Văn Sinh, đối với người học ngôn ngữ thứ hai, các hình thức học trực quan rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến giao tiếp. Nhưng các tình huống ngôn ngữ ngoài thực tiễn không phải lúc nào cũng cho học sinh những tình huống lý tưởng để giao tiếp bằng tiếng Anh.

“Một cuộc trò chuyện qua điện thoại di động có thể giúp học sinh của bạn có cơ hội thực hành các kỹ năng giao tiếp. Mặc dù với họ ban đầu có thể là thử thách nhưng cuối cùng sẽ có lợi cho sinh viên của bạn khi học ngoại ngữ”, ông Sinh nói.

Có một chiếc điện thoại được kết nối Internet sẽ cho người dùng một nguồn tài nguyên học tập rất lớn và hoàn toàn có sẵn. Người dùng có quyền tự chủ, độc lập khi sử dụng nguồn tài nguyên này.

Khi học ngoại ngữ, ngoài việc nghe giảng từ giáo viên trong suốt buổi học thì việc chủ động thực hành ở nhà sẽ mang lại hiệu quả học tập cao. Mỗi học sinh hoàn toàn có thể tự quay video của mình rồi phát lại và đánh giá, sửa lỗi. Quy trình này có thể lặp lại cho đến khi “hoàn hảo”.

Diễn giả Hà Văn Sinh
Diễn giả Hà Văn Sinh

Bên cạnh những lợi ích mà smartphone mang lại trong học tập thì nó cũng có những điểm hạn chế và lưu ý nhất định được ông Sinh chỉ ra. Khi sử dụng smartphone bản thân người dùng cần phải đề cao tính tương tác, đặt mục tiêu rõ ràng để tránh phiền nhiễu, đưa ra những chính sách, quy định học tập bằng điện thoại cụ thể…

Việc sử dụng điện thoại thông minh trong học tập giúp học sinh, giáo viên rất nhiều nhưng cũng đồng nghĩa với việc khối lượng công việc lớn hơn cho giáo viên.

Còn ông Gordon Lewis đến từ Nhà xuất bản Đại học Oxford chia sẻ: Vai trò của người giáo viên là dạy học, thiết kế bài giảng, tư vấn, nghiên cứu, biên soạn nội dung, quản lý thông tin…

Trong khi đó, nhu cầu của giáo viên và các trường học hiện nay đòi hỏi quy trình giấy tờ, chấm điểm dễ dàng và tự động hơn, tiết kiệm chi phí hơn, mở rộng giới hạn, học tập phối hợp, đánh giá kiểm tra chính xác thực lực người học, chuẩn bị nội dung dạy học tốt hơn trước giờ học.

Bên cạnh đó, họ còn muốn học viên cải thiện kĩ năng thuyết trình, định hướng học tập, việc học được “may đo” phù hợp với kiến thức, kĩ năng, phong cách và mục tiêu học tập của mỗi học viên. Vì vậy, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy là rất quan trọng.

Ông Gordon Lewis gợi ý sử dụng các thông tin từ Wikipedia, các trang mạng,... và sử dụng blog để phát triển kĩ năng viết dựa trên nhiều chủ đề khác nhau. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông như Facebook, Twitter,... giúp người sử dụng tương tác nhiều hơn trong việc dạy học. Ứng dụng công nghệ vào giảng dạy còn giúp học viên học bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

Ông Gordon Lewis cũng nhấn mạnh những ưu thế của việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh ví dụ Giáo trình kĩ thuật số, Ứng dụng học ngôn ngữ và Công nghệ nhận diện giọng nói sẽ hỗ trợ tốt.

Ông Steven Happel - Cố vấn Chuyên môn đến từ Anh văn Hội Việt Mỹ VUS chia sẻ chủ đề “5 xu hướng giảng dạy tiếng Anh bằng công nghệ cho thiếu niên”. Theo ông, 5 xu hướng chính hiện nay gồm Youtube, Facebook, Google, Clickbait, và Poll. Trong đó, ông cho rằng xu hướng quan trọng nhất hiện nay là sử dụng mạng xã hội Facebook.

Ông giải thích: “Sử dụng mạng xã hội phổ biến nhất dành cho thiếu niên giúp học viên dễ tiếp thu kiến thức vì sự gần gũi. Cụ thể, lợi thế của mạng xã hội là giúp học viên dễ dàng chia sẻ nội dung, tiếp cận với mọi ứng dụng và tính năng trên Facebook thông qua tiếng Anh, tự tin thể hiện quan điểm cá nhân, đặc biệt là những học viên nhút nhát, cập nhật thông tin và bài giảng liên tục, luyện tập tiếng Anh mọi lúc mọi nơi, tăng khả năng sáng tạo...”.

Trong một khảo sát mới đây đối với các thiếu niên Mỹ do trang Pew.com thực hiện, có đến 95% thiếu niên sử dụng smartphones so với chỉ 88% thiếu niên sử dụng máy tính. Tổng số người tham gia khảo sát này là 800 thiếu niên Mỹ. Hầu hết thanh niên Mỹ sợ bị cách ly với điện thoại.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy tiếng Anh, không chỉ ở các nước nói tiếng Anh như Mỹ nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung.

Kim Bảo Ngân - Mai Châm