Học ngoại ngữ cần có kỷ luật
(Dân trí) - Các bạn sinh viên đến từ nhiều ngành ngôn ngữ khác nhau cho rằng: Học ngoại ngữ vốn dĩ cần phải có kỷ luật thì mới tiến bộ được.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc phải trang bị cho mình một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ cũng chính là điều cần thiết. Tuy nhiên, không phải ai cũng có năng khiếu học ngoại ngữ.
Thế nên, khi bắt đầu học một ngôn ngữ mới, người học cần xác định cho mình một lộ trình và phương pháp học phù hợp để không cảm thấy bị "đuối sức" và dễ dẫn đến chán nản. Trong đó, việc phải giữ cho mình một kỷ cương khi học ngôn ngữ chính là điều nên có.
Tạo thói quen kỷ luật
Đỗ Thị Thu Huyền, hiện đang là sinh viên ngành ngôn ngữ Trung - Đại học Hà Nội cho rằng, việc học ngôn ngữ cũng cần phải có tính siêng năng và kỷ luật.
Bởi vì khi bắt đầu học một ngôn ngữ mới thì ai cũng sẽ cảm thấy hào hứng, nhưng khi gặp những ngữ pháp hay từ vựng khó thì người học sẽ dễ nản lòng. Điều đó sẽ không dẫn đến hiệu quả cao khi học.
Đặc biệt, trong quá trình học tiếng Trung, một trong những ngôn ngữ được xem là khó nhất thế giới, Thu Huyền đã thiết lập cho mình một kỷ luật "thép": "Để tạo cho bản thân mình tính kỷ luật, trước tiên hãy tạo thói quen kỷ luật.
Thời gian biểu dễ nhất để tạo thói quen kỷ luật là vào mùa hè, khi đa phần các bạn học sinh - sinh viên đều khá rảnh. Lúc đó, các bạn hãy tạo cho mình thói quen ngồi từ 1 đến 2 tiếng (tùy mỗi người) để học hoặc tiếp xúc với ngôn ngữ đó.
Cứ như vậy, sau 14 ngày liên tục lặp đi lặp lại quá trình đó, chúng ta sẽ có được thói quen kỷ luật mà không hề có cảm giác bị ép buộc".
Đồng tình với ý kiến trên, Nguyễn Thùy Linh, cựu sinh viên ngành ngôn ngữ Pháp - Đại học Ngoại ngữ chia sẻ: "Học ngoại ngữ cần phải có thời gian và quá trình thu nạp một cách liên tục và thường xuyên. Nếu chỉ học tùy hứng thì có thể sử dụng ngôn ngữ đó nhưng khó lòng thành thạo.
Vì vậy khi học ngoại ngữ, mình nghĩ người học rất cần có tính kỷ luật. Trên hết, kỷ luật đó phải do chính bản thân mình đặt ra mà không có sự ràng buộc từ bất kỳ ai, cụ thể ở đây là tinh thần tự học".
Nhiều người cho rằng khi học một kiến thức hay ngôn ngữ mới cần có cho mình tinh thần thoải mái chứ không nên áp đặt bản thân.
Suy nghĩ về ý kiến trên, Thùy Linh cho biết rằng việc áp đặt kỷ luật không ảnh hưởng đến tinh thần của người học mà còn bổ trợ lẫn nhau.
"Bởi lẽ kỷ luật là do mình tự đặt ra theo sở thích, phong cách và khả năng riêng của mỗi người. Kỷ luật tương thích với cách học cá nhân hóa sẽ càng giúp quá trình học hiệu quả hơn.
Học ra học, chơi ra chơi, hoạt động nào cũng cần phải có những điều kiện nhất định" - Thùy Linh chia sẻ bí quyết của mình khi học tiếng Pháp.
Nhìn thấy được điểm mạnh khi áp dụng tính kỷ luật vào trong việc học ngôn ngữ, Nguyễn Hoàng Anh Thư, sinh viên ngành ngôn ngữ Nhật - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cũng sử dụng nhiều phương pháp học tập khác nhau. Tuy nhiên, Anh Thư lại cảm thấy việc tạo kế hoạch khi học ngôn ngữ mới là cách học hiệu quả và tốt nhất.
Cô nàng chia sẻ: "Mỗi ngày mình đều lên kế hoạch và phải tự yêu cầu bản thân mình hoàn thành những kế hoạch đó trong ngày. Như vậy, việc lập kế hoạch mới có thể giúp mình ghi nhớ từ vựng và ngữ pháp thường xuyên được".
"Trái ngọt" khi tạo thói quen kỷ luật tốt
Thói quen kỷ luật đa phần đều dựa trên ý chí và tinh thần tự giác của người học, Nguyễn Thùy Linh cho rằng: "Với mình, khái niệm kỷ luật của mỗi người là khác nhau nhưng nhìn chung kỷ luật giúp ta tạo nên một quá trình học tập chuyên biệt hóa với thời gian, cách thức, và mục tiêu được xác định rõ ràng.
Do đó, kỷ luật dần sẽ hình thành nên thói quen học ngôn ngữ. Kỷ luật đúng mức phù hợp thì sẽ tạo nên thói quen tốt.
Mình không áp dụng kỷ luật quá đặc biệt vào việc học, mình chỉ đơn giản tự đặt ra mục tiêu học tập trung và học ngay trên trường lớp, hoàn thiện bài vở trong khoảng thời gian tối ưu để dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động hướng nghiệp hay thực tiễn liên quan đến tiếng".
Nhờ vào những kế hoạch cụ thể cũng như tạo cho mình thói quen kỷ luật tốt, Nguyễn Thùy Linh đã có nhiều thành tích xuất sắc khi còn là sinh viên ngành ngôn ngữ Pháp - Đại học Ngoại ngữ.
Cụ thể, cô nàng đã từng xuất sắc đạt giải Nhất tại cuộc thi Slam thơ tiếng Pháp toàn cầu vào năm 2019. Và cũng trong năm đó, Thùy Linh cũng đã đạt giải Nhất tại cuộc thi Khởi nghiệp Pháp ngữ - cuộc thi dành cho các bạn trẻ nói tiếng Pháp tại Đông Nam Á.
Nhờ quá trình học tập kỷ luật và khả năng sử dụng tiếng Pháp thành thạo, Thùy Linh đã thành công thi tuyển vào Phòng tiếng Pháp - Ban Đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam. Gần đây nhất, Linh đã có cơ hội được thực tập 2 tháng tại Đài Phát thanh - Truyền hình Bỉ RTBF.
Để chinh phục được ngôn ngữ khó nhất thế giới, Đỗ Thị Thu Huyền tạo cho mình thói quen học ngôn ngữ bằng cách kỷ luật bản thân trong vòng 14 ngày.
Nhờ đó, cô sinh viên ngành ngôn ngữ Trung này cũng từng đạt giải Ba cấp Tỉnh môn Tiếng Trung Quốc. Thu Huyền có cho mình 2 chứng chỉ tiếng Trung Quốc tế: HSK 6 và HSKK Cao cấp - cấp độ cao nhất của chứng chỉ này.
Với niềm đam mê văn hóa và ẩm thực Nhật Bản khi còn nhỏ, Nguyễn Hoàng Anh Thư đã tạo cho mình thói quen kỷ luật khi học ngôn ngữ từ khi mới bắt đầu học bảng chữ cái. Sau một thời gian dài tiếp xúc và trau dồi tiếng Nhật, Anh Thư đã xuất sắc đạt giải Nhì môn tiếng Nhật cấp Thành phố năm 2021 và chứng chỉ tiếng Nhật Quốc tế JLPT N2.
Các phương pháp phát triển ngoại ngữ
Ngoài việc tạo cho bản thân mình tính kỷ luật khi học ngôn ngữ, việc đầu tư các kỹ năng và phương pháp khác cũng là một trong những bước quan trọng khi bắt đầu tìm hiểu một ngôn ngữ mới.
Đối với Thùy Linh, ngoài việc học ở trên lớp hoặc tự học, việc tạo môi trường cũng rất quan trọng. Người học cần kết bạn với những người cũng đang học hay sử dụng ngôn ngữ ấy, sau đó tăng cường giao tiếp, trao đổi với họ để mài dũa cho mình khả năng tư duy ngôn ngữ.
"Sau tất cả, mình nhận ra rằng, học ngoại ngữ giống như chăm bẵm một cái cây vậy, nếu yêu việc chăm cây, nghiên cứu cách chăm phù hợp, dành tâm huyết và thời gian, cây nhất định sẽ lớn!" - Thùy Linh so sánh dí dỏm về việc học ngôn ngữ.
Còn với những kinh nghiệm mà bản thân tích lũy được trong suốt thời gian học tiếng Trung, Thu Huyền khuyên rằng các bạn không nên áp đặt suy nghĩ tiếng Trung là một ngôn ngữ khó chinh phục: "Hãy xem tiếng Trung như một trò chơi mà ở đó có nhiều cấp độ bạn phải vượt qua.
Nếu thua thì có thể chơi lại, cũng giống như việc khó quá thì có thể thử lại, thử đến khi nào thuần thục thì sẽ chinh phục được.
Đặc biệt là khi học tiếng Trung, các bạn nên nhớ mình cũng cần tạo môi trường tốt. Ví dụ như xem phim để bắt chước ngữ điệu sao cho phát âm chuẩn, học theo những cụm từ trong phim.
Từ đó có thể rèn luyện được khẩu âm chuẩn và cũng có thể hiểu biết thêm về thói quen, phong tục và văn hóa của người bản xứ".